Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội vàng cho ngành gỗ cao su

Nhiều đánh giá tiêu cực được đưa ra đối với xuất khẩu cao su do tác động của cuộc chiến Mỹ - Trung, tuy nhiên, nó là cơ hội vàng cho ngành chế biến gỗ cao su. Vấn đề là doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội hay không.

Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9/2018 đạt 177 nghìn tấn với giá trị đạt 228 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cao su 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,06 triệu tấn, với giá trị 1,45 tỷ USD; tăng 19,9% về khối lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Cơ hội cho cao su đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh minh họa

Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 63,3%, 5,7% và 3,9%. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về giá trị và sản lượng do lũ lụt tại Kerala đã gây thiệt hại nặng nề đến nguồn cung cao su tự nhiên của nước này.

Tính chung 8 tháng năm 2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 53,02 nghìn tấn, trị giá 78,7 triệu USD, tăng 62,5% về lượng và tăng 42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Ở chiều ngược lại, khối lượng nhập khẩu cao su tự nhiên trong tháng 9/2018 ước đạt 45 nghìn tấn với giá trị đạt 86 triệu USD, lũy kế nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2018 đạt 432 nghìn tấn với giá trị 794 triệu USD, tăng 10% về khối lượng nhưng giảm 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Lệ thuộc thị trường Trung Quốc

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá cao su trong nước luôn ở mức thấp do nguồn cung toàn cầu tăng cao, trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc kéo dài khiến cho ngành cao su Việt Nam cũng bị tác động, bởi mặt hàng lốp xe ô tô nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế bổ sung 10% của Mỹ.

Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 9/2018 ước đạt 1.285 USD/tấn, tăng nhẹ 1,26% so với tháng 8/2018 nhưng giảm 19,7% so với mức giá 1.601 USD/tấn của cùng kì năm 2017. Giá mủ cao su trong nước tháng 9 giảm nhẹ so với tháng 8; tại Đồng Nai, giá mủ tiếp tục giảm 500 đ/kg, từ 12.500 đ/kg xuống còn 12.000 đ/kg.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo giá cao su trên thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tồn kho cao su vẫn ở mức cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do nhu cầu thấp từ các nước nhập khẩu cao su chủ chốt.

Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống của nước ta, tuy vậy, xuất khẩu cao su sang một số nước như Ấn Độ, Indonesia lại có mức tăng nhanh và được giá hơn. Hiện thị trường cao su gặp nhiều khó khăn, để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đối tác mới để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống trong thời kì ngành cao su thiên nhiên còn nhiều khó khăn.

Vẫn xuất thô là chính

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, hiện nay, trên 80% sản lượng cao su thiên nhiên được xuất khẩu, có kim ngạch khoảng 35% trong ngành. Trong khi lĩnh vực chế biến sản phẩm tiêu thụ chỉ khoảng 20% sản lượng cũng đạt giá trị xuất khẩu tương đương. Giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ cao su đã đóng góp gần 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đây là một trong 3 nhóm sản phẩm quan trọng cần được quan tâm phát triển và có thể là giải pháp giúp cân đối cung cầu thị trường và giá cả với chu kỳ thanh lý linh hoạt.

Doanh nghiệp nhà nước tham gia chủ yếu vào khâu trồng và chế biến mủ cao su, chưa tham gia nhiều vào khâu chế biến sản phẩm cao su. Doanh nghiệp tư nhân ít phát triển diện tích trồng cao su mà chủ yếu tham gia vào khâu chế biến mủ và chế biến sản phẩm cao su. Doanh nghiệp FDI tập trung vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cao su, là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và hàm lượng công nghệ cao.

Cơ hội cho ngành chế biến gỗ cao su

Khó khăn đặt ra đối với việc xuất khẩu cao su. Tuy nhiên, đối với ngành chế biến gỗ cao su, đây lại là cơ hội. Chủ tịch Hội chế biến gỗ tình Bình Dương (BIFA) ông Điền Quang Hiệp – nhận định cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Mỹ xảy ra, các DN Mỹ thay vì lựa chọn Trung Quốc làm đối tác thì họ sẽ lựa chọn DN Việt Nam, vì họ biết chắc nếu làm việc với DN Trung Quốc sẽ có nguy cơ rủy ro xảy ra. Do vậy, DN Việt Nam có cơ hội rất lớn để tiếp cận với thị trường Mỹ.

Cơ hội lớn, tuy nhiên, Mỹ là một thị trường đòi hỏi về tiêu chuẩn rõ ràng. Vấn đề đặt ra đối với ngành chế biến gỗ cao su nói riêng và các loại gỗ trong nước ở Việt Nam nói chung hiện nay chưa có tiêu chuẩn gì, tự các DN làm việc với nhau. Cạnh đó, Nguyên liệu hiện nay đang chiếm 45% của giá thành sản phẩm. Trong khi đó, liên kết chuỗi về nguyên liệu đối với gỗ cao su của chúng ta còn yếu và thiếu.

“Khi bán gỗ ra nước ngoài, phải đảm bảo chất lượng và đảm bảo chất lượng đã cam kết, điều này sẽ không dễ dàng nếu với tình trạng chất lượng của chúng ta. Việt Nam chúng ta, hiện đang được thừa hưởng cơ hội vàng trong cuộc chiến này, vấn đề chúng ta có thật sự liên kết với nhau không, nếu có khi đó cơ hội mới biến thành vàng còn không cơ hội sẽ chỉ có trên giấy mà thôi”, ông Điền Quang Hiệp nhận định.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-co-hoi-vang-cho-nganh-go-cao-su-14013.html