Chiến tranh thương mại lan rộng, mặt hàng nào sang Mỹ có thể là đối tượng bị gia tăng rào cản?

Với chính sách gia tăng bảo hộ, rủi ro lớn nhất là các rào cản về thuế, kỹ thuật đối với các nước đang có thặng dư thương mại với Mỹ. Không loại trừ khả năng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại có thể là đối tượng bị nhắm đến trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Trong cuộc họp báo công bố các số liệu thống kê kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê ngày 28/9, một lần nữa, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề cập đến tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam mà theo ông tác động của nó cả mặt tiêu cực và tích cực.

Cụ thể, theo ông Lâm, quy mô chiến tranh thương mại ngày càng mở rộng, trước đây đánh thuế 7% vào 50 tỷ USD hàng hóa, hiện là 200 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc. Trong giai đoạn ngắn hạn với quy mô không mở rộng tác động vào Việt Nam ít, ít ảnh hưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ 9 tháng đầu năm 25 tỷ USD. Nhưng về dài hạn chiến tranh thương mại kéo dài mở rộng thì sẽ ảnh hưởng.

“Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu, đứng thứ 5 về quy mô thương mại với Mỹ với chiều hướng, chính sách gia tăng của chính quyền Mỹ thì rủi ro lớn nhất là Mỹ đưa ra rào cản về thuế, kỹ thuật đối với một số nước đang có thặng dư thương mại. Không loại trừ khả năng một số mặt hàng có kim ngạch lớn vào Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại… có thể là đối tượng bị nhắm đến trong thương lai tới”, ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy nhiều nhà đầu tư trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc với dòng vốn của họ ra khỏi thị trường Trung Quốc và Việt Nam với nhiều yếu tố hấp dẫn về môi trường đầu tư, địa lý sẽ trở thành điểm đến thay thế. Tuy nhiên, điều này cũng hàm chứa những lo ngại.

Cụ thể, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi tập kết cho các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, quy mô nhỏ từ dịch chuyển từ Trung Quốc.

Ông Lâm nói rằng các số liệu đang ghi nhận lượng dự án FDI gia tăng nhưng quy mô dự án lại rất nhỏ, khoảng 1 triệu USD. Điều này được ông nhận định có thể là một dấu hiệu để những người làm quản lý cần sàng lọc kỹ hơn dòng vốn FDI, nhằm ngăn chặn những dự án công nghệ lạc hậu.

Rủi ro nữa cũng được ông Lâm đề cập đến là rủi ro về gian lận thương mại, hàng Trung Quốc vào Việt Nam núp bóng dưới nhãn hiệu Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ, thực tế nguồn gốc là Trung Quốc.

Bên cạnh đó là môi trường tài chính không thuận lợi. Trung Quốc có thể đẩy mạnh liên kết song phương, nên Việt Nam phải tính toán để có đủ điều kiện về năng lực để tham gia.

Cũng theo ông Lâm, xung đột thương mại Mỹ - Trung tạo ra động lực mạnh hơn trong triển khai liên kết kinh tế, hợp tác đa phương thay vì song phương trong tìm kiếm thị trường.

BẢO VY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/chien-tranh-thuong-mai-lan-rong-mat-hang-nao-sang-my-co-the-la-doi-tuong-bi-gia-tang-rao-can-3472719.html