Chiến tranh thương mại có thể đẩy Mỹ vào suy thoái?

(TBKTSG Online) – Một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra, có thể nhấn chìm nền kinh tế Mỹ vào cơn suy thoái, đặt dấu chấm hết cho đà tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, theo trang tin CNN Money.

Chiến tranh thương mại toàn diện có thể gây gián đoạn cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: CNN Money

Nguy cơ Mỹ suy thoái

Dù nền kinh tế Mỹ vẫn trong xung lực mạnh mẽ nhưng giới đầu tư và doanh nghiệp đang ngày càng lo lắng khi cùng một lúc, Tổng thống Donald Trump gây hấn thương mại với Trung Quốc và các đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico. Các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác này đang leo thang, làm dấy lên nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện trên quy mô toàn cầu.

“Khả năng một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện là thấp nhưng các rủi ro đang tăng dần”, nhà kinh tế Michelle Meyer của Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (Mỹ) viết trong thư gửi cho khách hàng hôm 22-6.
Meyer cảnh báo rằng “một cuộc đối đầu thương mại lớn trên bình diện toàn cầu có khả năng đẩy Mỹ và toàn bộ thế giới đến bờ vực suy thoái”.

Có thể hình dung viễn cảnh sụp đổ dây chuyền như sau: Ban đầu, các doanh nghiệp Mỹ sẽ lĩnh đòn vì chi phí sản xuất gia tăng do các biện pháp áp thuế. Tiếp theo, các doanh nghiệp sẽ không thể mua được các nguyên liệu mà họ cần để sản xuất do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Cuối cùng, niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng sụt giảm, khiến họ giảm mạnh chi tiêu. Đó cũng là lúc các nền kinh tế Mỹ bị đẩy đến bờ vực suy thoái.

Trump đã áp thuế thép và thuế nhôm nhằm vào EU, Canada, Mexico và các đồng minh này cũng đã nhanh chóng áp thuế trả đũa hàng hóa Mỹ. Trong khi đó, đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 6-7 tới. Trump đe dọa sẽ có thêm nhiều đợt áp thuế nữa. Giờ đây, Nhà Trắng còn tính chuyện hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ và áp thuế nhập khẩu đối với ô tô và linh kiện ô tô của nước ngoài.

Nỗi sợ chiến tranh thương mại đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc biến động mạnh trong những ngày vừa qua. Hôm 25-6, chỉ số Dow Jones (Mỹ) giảm hơn 300 điểm. Đây là phiên giảm thứ 9 trong 10 phiên giao dịch gần nhất của chỉ số này.

Hôm 26-6, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) chính thức bước vào thị trường gấu (giảm điểm), tức giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh gần đây hồi tháng 1-2018.

Niềm tin của doanh nghiệp suy giảm

Dĩ nhiên, xung đột thương mại và chiến tranh thương mại toàn diện có sự khác biết rất lớn. Các biện pháp áp thuế mà chính quyền Mỹ thực hiện cho đến nay chỉ tác động trực tiếp đến một phần nhỏ của nền kinh tế quyền Mỹ.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch ước tính chỉ khoảng hơn 100 tỉ đô la hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của các đối tác bị áp các mức mới. Con số này tương đương 4,2% kim ngạch nhập nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, nhà kinh tế Michelle Meyer cho rằng các gói thuế mới sẽ gây tổn thương cho tâm lý người tiêu dùng và các chuỗi cung ứng doanh nghiệp do các tình trạng gián đoạn và “thắt cổ chai” trên đường đi của hàng hóa.

“Suy giảm niềm tin của người dùng và các gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể làm lan rộng cú sốc thương mại, dẫn đến một cơn suy thoái ngay lập tức”, Meyer cho biết.

Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là các bất ổn về chính sách thương mại có thể khiến niềm tin của doanh nghiệp suy giảm, dẫn đến quyết định đóng băng đầu tư của các công ty lớn và điều này sẽ khiến các công ty khác thiệt hại nặng nề.

Hôm 25-6, hãng xe mô-tô Harley-Davidson (Mỹ) cảnh báo các biện pháp trả đũa của EU có thể khiến công ty này thiệt hại 100 triệu đô la mỗi năm. Do vậy, hãng này đang lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Tuần trước, Chủ tịch văn phòng chi nhánh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Raphael Bostic tại thành phố Atlanta, bang Georgia, cho biết số lượng các công ty đang hạn chế đầu tư vào các dự án mới đang ở mức cao. Ông nói sự lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp nhờ gói cắt giảm thuế doanh nghiệp mà Trump thông qua vào cuối năm ngoái “hầu như đã hoàn toàn biến mất”.

Trong thời gian gần đây, nền kinh tế Mỹ tăng tốc và triển vọng khá sáng sủa chủ yếu nhờ gói cắt giảm thuế doanh nghiệp và mức chi tiêu của chính phủ tăng cao.

“Rủi ro nền kinh tế Mỹ suy thoái vẫn còn rất thấp nhờ động lực kích thích mạnh mẽ từ gói giảm thuế doanh nghiệp và mức chi tiêu lớn của chính phủ”, David Kelly, nhà chiến lược trưởng toàn cầu ở at công ty quản lý tài sản JPMorgan Funds, nhận định.

Song ông lo lắng các bất ổn từ các mức thuế mới có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và các lợi ích mà gói cắt giảm thuế doanh nghiệp tạo ra.

5 dấu hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế Mỹ

Hãng xe mô-tô Harley-Davidson (Mỹ) đang cân nhắc chuyển một số hoạt động sản xuất sang châu Âu để tránh bị áp thuế trả đũa của Liên minh châu (EU). Ảnh: Getty

Trong một bài viết đăng ngày 27-6, hãng tin CBS News nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái do các gói áp thuế hàng hóa nước ngoài của Mỹ.

Thứ nhất, các gói áp thuế hàng hóa nước ngoài của Trump đã làm tiêu tan các lợi ích mà gói giảm thuế doanh nghiệp tạo ra. Tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách thuế Tax Foundation ở Washington ước tính các gói áp thuế mà chính quyền Trump đã thông qua sẽ khiến nền kinh tế Mỹ mất 48.585 việc làm. Nếu tính cả gói thuế ô tô và linh kiện ô tô mà Trump đe dọa áp đặt vào tuần trước cũng như gói thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ mỗi năm bắt đầu có hiệu lực vào ngày 6-7 tới, sẽ có thêm 255.283 việc làm bị mất đồng thời mức lương của người lao động sẽ giảm 0,2%.

Thứ hai, các nhà sản xuất đang chịu áp lức tăng giá hàng hóa. Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng ở công ty tư vấn IHS Markit (Anh), cho biết lần đầu tiên trong năm 2018, các nhà máy ở Mỹ đang sản xuất hàng hóa với tốc độ nhanh hơn đơn hàng. Điều này có nghĩa là họ phải giảm sản xuất trong những tháng tới. Ông cũng lưu ý tăng trưởng của ngành dịch vụ Mỹ cũng đang ở mức yếu nhất kể từ tháng 1-2018.

“Các kỳ vọng kinh doanh trong năm tới đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm tháng do mức độ lạc quan trong ngành sản xuất Mỹ xuống mức yếu nhất trong gần một năm rưỡi”, Williamson cho biết. Ông cho rằng áp lực tăng giá hàng hóa đang rất cao do giá nhiên liệu và thuế tăng.

Thứ ba, một số công ty đã bắt đầu đưa ra những bước đi phòng vệ. Hãng mô-tô Harley-Davidson cho biết sẽ đưa một số hoạt động sản xuất sang châu Âu. Các công ty nhỏ hơn như công ty đinh thép MidContinent Steel & Wire ở bang Missouri, cho biết họ đã đặt công ty vào thế khủng hoảng vì thuế thép và thuế nhôm khiến chi phí sản xuất tăng mạnh. MidContinent Steel & Wire đã sa thải 60 công nhân trong tháng 6 do tình hình kinh doanh suy yếu với gần 50% đơn hàng bị hủy.

Thứ tư, niềm tin người tiêu dùng Mỹ đang suy giảm. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Conference Board có trụ sở ở New York giảm nhẹ trong tháng 6, xuống còn 126,4 điểm so với 128,1 điểm trong tháng 5.

“Mức giảm nhẹ về sự lạc quan của người tiêu dùng cho thấy họ không nhìn thấy nền kinh tế sẽ có nhiều động lực tăng trưởng trong những tháng tới”, Lynn Franco, Giám đốc phụ trách các chỉ số kinh tế ở Conference Board, cho biết.

Thứ năm, chỉ số giá tiêu dùng đang tăng do nông dân và các nhà sàn xuất chuyển chi phí sang các sản phẩm từ nông sản cho đến hàng điện tử. Trong tháng 5, lạm phát của Mỹ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và có khả năng tăng 3% trong tháng 6 này.

“Chúng tôi cho rằng chỉ chủ nghĩa bảo hộ thôi không có khả năng chặn đứng tăng trưởng kinh tế. Song nó có thể làm trầm trọng thêm mức độ suy giảm tăng trưởng mà chúng tôi dự báo xảy ra trong năm tới cũng như gây áp lực tăng lạm phát”, Michael Pearce, nhà kinh tế cấp cao ở công ty tư vấn Capital Economics (Anh), nhận định trong một báo cáo gửi cho khách hàng gần đây.

Pearce cho rằng trong viễn cảnh tồi tệ nhất khi tất cả các kế hoạch áp thuế hàng hóa nước ngoài được thực hiện, lạm phát của Mỹ sẽ tăng thêm 1%.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274446/chien-tranh-thuong-mai-co-the-day-my-vao-suy-thoai.html