Chiến tranh thương mại chưa qua, khủng hoảng tiền tệ lại đến

Đồng Peso Argentina (ARS) hôm nay bất ngờ lao dốc không phanh, với cặp tỷ giá ARS/USD trong sáng nay có lúc rớt về mức thấp nhất mọi thời đại tại 0,02418, tức giảm hơn 25,6% so với giá mở cửa đầu ngày.

Chỉ trong vòng 2 ngày qua, đồng Peso đã mất giá gần 28% so với USD, đẩy tốc độ mất giá so với đầu năm nay lên hơn 54,3%.

Khủng hoảng tiền tệ đã lây lan

Trước diễn biến rơi không phanh của đồng Peso, Ngân hàng trung ương (NHTW) Argentina hôm nay đã nâng lãi suất chính thêm 15% lên mức kỷ lục 60%, cao nhất trên toàn cầu. Đây là lần nâng lãi suất thứ 2 trong tháng này và cũng là nỗ lực mới nhất của các nhà hoạch định chính sách để cứu vớt một đồng tiền đã mất hơn 50% giá trị trong năm nay. Tuy nhiên chính sách này ngay lập tức lại càng đẩy đồng Peso giảm giá sâu hơn.

Trong khi đó, lạm phát tại nước này đã vượt mốc 30% và chuẩn bị tăng thêm khi đồng Peso tiếp tục mất giá. Tổng thống Argentina là Mauricio Macri hôm qua cũng gây sốc khi đòi hỏi IMF giải ngân gói cứu trợ nhanh hơn và Quỹ này cho biết đang xem xét yêu cầu này. Được biết hồi tháng 6/2018 Argentina đã đạt được gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử từ IMF với trị giá 50 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Argentina nối tiếp sau cuộng khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ gần đây càng khiến giới đầu tư phải thật sự lo ngại về tình hình nền kinh tế toàn cầu, và lan truyền nỗi khiếp sợ sang các thị trường mới nổi khác. Trước đó với diễn biến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc mạnh đã khiến giới phân tích dự báo sẽ lây lan sang các nền kinh tế mới nổi và cận biên còn lại, mà sau đó đã đẩy đồng rand của Nam Phi, Rupiah của Indonesia và đồng Peso của Argentina liên tiếp lao dốc sau đó. Và thực tế diễn biến trong những ngày qua cho thấy Argentina đã trở thành nạn nhân kế tiếp trong cuộc khủng hoảng tiền tệ lần này.

Đồng peso Argentina hôm nay lại lao dốc không phanh so đô la Mỹ

Ở châu Phi, đồng rand của Nam Phi (ZAR) cũng đang tiếp tục trải qua những ngày khốn khó. So với mức cao nhất gần đây vào ngày 28/8, đồng rand hiện đã giảm hơn 5,4% so với đô la Mỹ, còn nếu so với đầu tháng 8 đã giảm tổng cộng 10,8%. Hiện tại 1 USD đổi được hơn 14,75 ZAR.

Tại châu Á, đồng Rupiah của Indonesia cũng đã giảm gần 2% trong vòng 2 ngày qua, rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Hiện đây là đồng tiền có thành quả tệ thứ hai ở châu Á, chỉ sau đồng Rupee của Ấn Độ. Đồng Rupiah của Indonesia kể từ đầu năm đến nay cũng chịu áp lực giảm mạnh trước áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trước tình trạng thâm hụt tài khoảng vãng lai nặng nề của nước này, cũng như mối lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại gần đây.

Hôm 15/8, Ngân hàng trung ương (NHTW) Indonesia đã phải tăng lãi suất thêm 0,25% lên 5,5% để giữ giá trị đồng tiền, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ tư từ tháng 5 đến nay. Và theo Bank of America Merrill Lynch thì đà bán tháo tiếp tục sẽ gây áp lực lên NHTW Indonesia nâng lãi suất một lần nữa.

Nỗi lo chưa dừng lại

Ngày hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể đánh thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngay tuần sau. Điều này càng gây áp lực lên các thị trường tài chính toàn cầu nói chung và những nề kinh tế cận biên và mới nổi nói riêng, và không loại trừ đó là một trong những nguyên nhân chính khiến các đồng tiền này lao dốc mạnh trong phiên hôm nay.

Chẳng những vậy, với lạm phát tại Mỹ đã tăng lên 2,3% trong tháng vừa qua, cao hơn mục tiêu 2% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), thì khả năng tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay càng thêm chắc chắn. Điều này sẽ càng kích thích dòng vốn đầu tư rời khỏi các thị trường mới nổi để chạy lại về Mỹ, do đó càng làm tăng áp lực giảm giá từ nay đến cuối năm của các đồng nội tệ các quốc gia này.

Hệ quả là các nền kinh tế trên không chỉ đối mặt với áp lực giảm giá tiền tệ, mà có thể phải gặp thách thức trước lạm phát leo thang nếu đồng nội tệ mất giá quá mạnh, từ đó ảnh hưởng lên chính sách tiền tệ khi buộc phải nâng lãi suất lên cao hơn để bảo vệ giá trị đồng tiền, điều đã xảy ra tại Argentina và Indonesia. Và với lãi suất cao hơn, các nền kinh tế này phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí rơi vào giai đoạn suy thoái.

Ngược lại, nếu không sớm có giải pháp đối phó với tỷ giá và sau đó là lạm phát, thì nguy cơ lạm phát phi mã có thể phá hoại nền kinh tế là thật sự đáng lo ngại. Với hiện tượng siêu lạm phát đang diễn ra ở Venezuela dẫn đến những bất ổn chính trị và bạo loạn, thì những nền kinh tế Nam Mỹ như Argentina cần nhìn vào đó như là một bài học phải dè chừng.

Cũng cần biết rằng cách đây 2 thập kỷ, nền kinh tế Argentina cũng đã từng diễn ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ, dẫn tới nhiều vụ vỡ nợ và xáo trộn trong xã hội. Dưới thời chính quyền của tổng thống Macri hiện nay, Argentina dường như trở về khủng hoảng tài chính như lần trước, trong khi giới đầu tư lại đang mất dần niềm tin rằng vị Tổng thống này có thể vực dậy nền kinh tế và giúp thâm hụt tài khóa, thương mại cũng như lạm phát về mức có thể kiểm soát được.

ĐỒNG AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chien-tranh-thuong-mai-chua-qua-khung-hoang-tien-te-lai-den-11475.html