Chiến tranh thương mại: Các công ty sang VN trốn thuế là 'nguy cơ lớn'

Dù hàng Việt xuất sang Mỹ đang tăng mạnh, cần cẩn trọng đánh giá đúng cơ hội của VN trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

Gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, do hàng Trung Quốc bị đánh thuế trở nên đắt đỏ và các công ty chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh có góc nhìn thận trọng hơn về cơ hội của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang. Đầu tháng năm, Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với khối hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, khiến Trung Quốc đáp trả bằng việc đánh thuế cao hơn từ 5-25% đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Chuyển dây chuyền sản xuất là “rất đắt đỏ”

Hàng Việt Nam xuất sang Mỹ đạt mức tăng ấn tượng 40,2% trong ba tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc giảm 13,9%. Thậm chí, Bloomberg còn cho biết nếu giữ được đà tăng trưởng về xuất khẩu như vậy, Việt Nam sẽ là nguồn hàng số một của Mỹ, vượt qua Italy, Anh và Pháp.

Nghiên cứu của Economist Intelligence Unit cuối năm ngoái cũng cho thấy nhiều nước châu Á có thể được lợi nhờ việc thế chỗ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Công nhân làm việc một nhà máy may ở Hà Nội. Việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam đã diễn ra từ lâu do giá nhân công rẻ hơn so với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Công nhân làm việc một nhà máy may ở Hà Nội. Việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam đã diễn ra từ lâu do giá nhân công rẻ hơn so với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Malaysia và Việt Nam được dự đoán sẽ được lợi nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, còn Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng may mặc.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Vinh, việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á cần thời gian mới có thể đánh giá đúng.

“Cần phải theo dõi thêm xem công ty lớn của Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản chỉ mới đưa ra kế hoạch hay họ sẽ chuyển hẳn. Việc chuyển hẳn một dây chuyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu là rất đắt đỏ”, ông Vinh nói trong một buổi gặp các phóng viên.

Tổng vốn đầu tư dự tính cho một nhà máy ở Bắc Ninh của GoerTek, công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị cho Apple, là 260 triệu USD. Trong khi đó, nhà máy đầu tiên tại Việt Nam của công ty sản xuất polyester Zhejiang Hailide New Material (Trung Quốc) tiêu tốn 155 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Việt Linh.

Ông chỉ ra rằng các công đoạn sản xuất chuyển sang Việt Nam chỉ mang lại lợi ích nếu cạnh tranh tốt và đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Cần theo dõi xem họ chuyển toàn bộ dây chuyền sang khu vực chúng ta hay chỉ chuyển một bộ phận. Nếu chuyển một bộ phận, liệu nó còn nằm trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả hay không”.

“Nếu hàng hóa đang bán tốt ở Trung Quốc, sang đến đây giá đội lên cao, sẽ không thể vào chuỗi giá trị toàn cầu vốn có”, ông Vinh giải thích.

Dù là điểm đến lý tưởng để các công ty giảm giá thành sản xuất, thách thức của Việt Nam dường như là việc tắc nghẽn ở các cảng biển, như đã xảy ra đáng kể trong quý đầu năm nay, theo Wall Street Journal.

“Xe tải phải chờ 4-5 ngày để dỡ container tại cảng ở TP.HCM. Chất lượng đường bộ kém, ùn tắc giao thông thường xuyên và mạng lưới đường sắt kém phát triển. Tàu hàng phải chờ cả tuần là bình thường”, ông James Hill, giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Agility Global Integration Logistics (AGIL), công ty logistic trụ sở ở Kuwait, nói với Wall Street Journal.

Container tại cảng Hải Phòng. Các cảng biển ở Việt Nam đối mặt khả năng bị quá tải nếu cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu thương mại. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ các công ty sang Việt Nam để trốn thuế

Ông Vinh cũng cảnh báo Việt Nam sẽ “bị cuốn vào cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, là điều rất nguy hiểm” nếu các công ty sang Việt Nam để trốn thuế.

“Thách thức là việc họ chỉ chuyển về hình thức, sang đây để trốn thuế, và đây là nguy cơ rất lớn. Họ vẫn nằm ở đâu đó, nhưng mang danh nghĩa ở đây, gắn mác ở đây, để tránh thuế sang bên kia (Mỹ)”, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2014-2018 cho biết.

Nhìn xa hơn, ông cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ có lúc leo thang hoặc đi xuống, nhưng sẽ kéo dài vì đây là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa “một nước đang vươn lên và một nước đang muốn giữ vị trí của mình”.

“Trên chặng đường đó, sẽ có những thỏa thuận mang tính cục bộ, mang tính bộ phận cho từng thời điểm để đáp ứng lợi ích các bên, nhưng cuộc cạnh tranh vẫn còn kéo dài”.

Ông Vinh cũng cảnh báo khả năng chiến tranh thương mại leo thang dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra khủng hoảng kinh tế và thương mại.

“Nếu gián đoạn như vậy, không bên nào được lợi”, ông nói. “Hai nền kinh tế đan xen với nhau nhiều, một cách khăng khít, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu khủng hoảng sẽ tác động tất cả”.

Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ có lúc leo thang hoặc giảm đi, nhưng sẽ kéo dài. Ảnh: Reuters.

Dù đứng trước cơ hội nhận thêm đầu tư nước ngoài, Việt Nam và các nước Đông Nam Á có thể vẫn chịu ảnh hưởng bởi sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế khu vực. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ thấp dự đoán tăng trưởng kinh tế của châu lục năm nay từ 5,7% xuống 5,6%, do các căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và Brexit.

Tổng thống Trump hôm 10/5 đã ra lệnh khởi động quá trình tăng thuế đánh vào "tất cả các hàng hóa còn lại của Trung Quốc", trị giá 300 tỷ USD, ngay sau khi tăng thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nước này.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chien-tranh-thuong-mai-cac-cong-ty-sang-vn-tron-thue-la-nguy-co-lon-post951728.html