Chiến tranh Mỹ-Trung 'leo thang': Gia tăng đầu tư từ Trung Quốc?

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng 'leo thang' căng thẳng khi hai bên liên tục tăng mức áp thuế lên hàng hóa của nhau. Cục diện này kéo dài được nhận định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí chế tạo, sản phẩm công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí chế tạo, sản phẩm công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Đầu tư từ Trung Quốc tăng mạnh

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư đăng ký nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục trong vòng 4 năm trở lại đây - 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. 4 tháng qua, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Riêng đầu tư của Trung Quốc, Hồng Kông, Macao vào Việt Nam đạt 6,44 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. DN Trung Quốc và Hồng Kông đầu tư chủ yếu thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của các DN Việt Nam.

Mới đây, Mỹ đã tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25% từ 10% trước đó. Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế dao động từ 5-25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 13/5 cũng đã công bố một danh sách các mặt hàng có tổng kim ngạch khoảng 300 tỷ USD NK từ Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm, bao gồm từ quần áo và đồ chơi trẻ em cho tới điện thoại di động và máy tính xách tay, dự kiến sẽ bị Mỹ áp thuế quan trừng phạt 25%. Nếu Mỹ chính thức áp thuế lên danh sách này, hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc XK sang Mỹ đều bị đánh thuế trừng phạt. Theo quy trình được USTR đưa ra, kế hoạch đánh thuế nói trên dự kiến sớm nhất đến cuối tháng 6 sẽ có hiệu lực. Các động thái căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới được nhận định sẽ tác động không nhỏ tới chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đứng từ góc độ DN, ông Nguyễn Thành Phương-Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ (đơn vị chuyên kinh doanh xây dựng các công trình công nghiệp; hạ tầng khu công nghiệp; hạ tầng khu đô thị; nạo vét luồng lạch; xây dựng nhà các loại...-PV) đánh giá: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện đang là một trong những cơ hội tốt nhất hiện nay trong chiến lược thu hút đầu tư. Thời gian vừa qua, Tập đoàn Sao Đỏ đã làm việc với khá đông đội ngũ DN, nhà đầu tư của Trung Quốc có mong muốn dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. "Tập đoàn Sao Đỏ đã làm việc với khoảng 60 nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Nhiều DN lớn, nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư trên toàn cầu cả ở Mỹ, EU… Chúng tôi cũng đang đàm phán khá sâu với khoảng 15 DN, hy vọng cuối năm nay và trong năm tới sẽ chốt, kết thúc quá trình đàm phán, đưa vào đầu tư. Tập đoàn cũng đang rất tích cực trong công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng và cung cấp các diện tích mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư Trung Quốc", ông Phương nói.

Ông Phương cho biết thêm, dự kiến diện tích DN Trung Quốc có thể thuê của khu công nghiệp khoảng 120ha. Diện tích này đang có sẵn, sẵn sàng bàn giao. Những nhà đầu tư đến từ rất nhiều ngành nghề, đa số là trong lĩnh vực sản xuất về cơ khí chế tạo, đồ nội thất, sản phẩm công nghiệp...

Thận trọng

Xung quanh câu chuyện chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, TS. Trần Toàn Thắng-Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá: Cần chờ thêm thời gian để khẳng định. Các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc không dễ dịch chuyển ngay sản xuất sang Việt Nam trong thời gian ngắn 1-2 năm, khi bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa biết sẽ kéo dài bao lâu. Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ dành một khoảng thời gian 3-4 tuần chờ động thái từ Trung Quốc trước khi áp thuế thêm với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa còn lại mà Trung Quốc đang xuất vào Mỹ. Bởi vậy, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc sẽ tiếp tục nghe ngóng, chưa thể đưa ra ngay quyết định dịch chuyển sản xuất sang ASEAN, trong đó có Việt Nam. "Nếu mức thuế 25% áp cho tất cả hàng hóa Trung Quốc đang xuất vào Mỹ kéo dài mới dẫn đến hiện tượng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam", ông Thắng nhận định.

Khá kỳ vọng vào việc gia tăng đầu tư từ các nhà đầu tư Trung Quốc trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phương thông tin thêm: Tập đoàn Sao Đỏ cho thuê đất tại khu công nghiệp với mức giá dao động từ 65-75 USD/m2 trong khoảng thời gian hết đời dự án là 40 năm. Các nhà đầu tư cần nhất là về lao động, quy mô mặt bằng sạch, tiện ích cấp điện cấp nước, nước thải…, tiếp đó là những dịch vụ hỗ trợ cho nhà đầu tư... Tất cả các yếu tố này, Tập đoàn Sao Đỏ đều đáp ứng được.

Tuy vậy, ông Phương cũng nhấn mạnh: "Với riêng cuộc chiến tranh Mỹ-Trung, không riêng gì Việt Nam, các quốc gia khác đều đang rất thận trọng bởi vì có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc sử dụng công nghệ không tiên tiến, có vấn đề liên quan đến môi trường. Trường hợp này cũng đã xảy ra với chúng tôi. Tuy nhiên, Tập đoàn Sao Đỏ cũng như TP Hải Phòng rất chú trọng điều này. Trước khi DN vào đầu tư đã phải tiến hành rà soát công nghệ, yêu cầu thẩm định, đánh giá, lúc đó mới tiếp nhận đầu tư. Trong quá trình đầu tư, với vấn đề nước thải hiện nay có hệ thống quan trắc tự động, hàng ngày chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu có chỉ số nào vượt ngưỡng, chúng tôi lập tức báo lại ngay".

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Trong 4 tháng đầu năm, có tổng số 6 dự án đầu tư lớn vào Việt Nam, trong đó có đến 4 dự án đến từ Trung Quốc, Hồng Kông.

Gồm, dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR; dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên, tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư tại Phú Yên với mục tiêu sản xuất điện mặt trời; dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang; dự án Vinhtex, tổng vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD do Royal Pagoda Private Limited (Singapore) đầu tư với mục tiêu sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/chien-tranh-my-trung-leo-thang-gia-tang-dau-tu-tu-trung-quoc-104860.html