Chiến tranh kinh tế Saudi Arabia - Mỹ đang chuẩn bị bắt đầu?

Khu vực kinh tế phi dầu mỏ của Saudi Arabia đang tăng trưởng chững lại, tỷ lệ thất nghiệp tại Saudi Arabia đang tăng chóng mặt.

Ảnh: Economist

Dù đã cố gắng, nhưng những người đứng đầu chính phủ Saudi Arabia không thể khiến cho nhà báo Jamal Khashoggi biến mất. Điều ngược lại đã xảy ra.

Theo báo Economist, vụ việc nhà báo biến mất bên trong tòa lãnh sự quán ở Saudi Arabia ở Istanbul vào ngày 2/10/2018 đã kéo Saudi Arabia vào cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm. Giới chính trị gia Mỹ đã nói đến việc trừng trị bất kỳ quan chức nào của Saudi Arabia có dính dáng đến vụ việc trên. Có chính trị gia thậm chí còn nói đến cả biện pháp trừng phạt nhà vua.

Cho đến nay, Saudi Arabia đã phản ứng bằng thái độ rất cứng rắn. Một tuyên bố từ cơ quan thông tấn nhà nước Saudi Arabia nhấn mạnh rằng: “Nếu Saudi Arabia bị trừng phạt như thế nào, chắc chắn Saudi Arabia sẽ đáp trả lại mạnh mẽ hơn nhiều lần”.

Bất kỳ cuộc đối thoại nào về sức mạnh kinh tế của Saudi Arabia khởi đầu với dầu. Saudi Arabia giờ đây không còn là nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Trong năm nay, Mỹ sản xuất nhiều dầu hơn Saudi Arabia.

Thế nhưng Saudi Arabia vẫn là nguồn cung cấp dầu cho Mỹ lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Canada, mỗi ngày Mỹ nhập từ Saudi Arabia 955 nghìn thùng dầu, tương đương 90% tổng lượng nhập khẩu. Ngoài việc Mỹ nhập nhiều dầu từ Saudi Arabia, quan hệ thương mại giữa hai nước khá hạn chế.

Mỹ xuất 16,3 tỷ USD hàng hóa sang Saudi Arabia trong năm 2017, trong đó 3 tỷ USD là vũ khí đạn dược. Mỹ nhập chỉ 900 triệu USD hàng hóa từ Saudi Arabia trong năm 2017.

Đầu tư của Saudi Arabia vào Mỹ khá sôi động. Quỹ đầu tư nhà nước Public Investment Fund (PIF) của Saudi Arabia cho đến nay đã đầu tư ít nhất 4,9 tỷ USD vào các công ty mới của Mỹ. Một quỹ đầu tư khác của Saudi Arabia đã đầu tư 17 tỷ USD vào các thương vụ.

Nhóm các ngân hàng Mỹ đã thu được hàng trăm triệu USD tiền phí tư vấn cho các nhà đầu tư Saudi Arabia, ví như phí tư vấn cho vụ IPO của tập đoàn dầu lửa nhà nước Saudi Arabia Saudi Aramco.

Nếu Saudi Arabia thực sự muốn đáp trả nước Mỹ, đơn giản họ có thể rút đi các hoạt động đầu tư hoặc ngưng bán dầu cho Mỹ hoặc cả hai. Thế nhưng chính bản thân họ cũng sẽ phải chịu nhiều thiệt hại. Dầu sẽ trở thành một vũ khí quan trọng.

Nếu Saudi Arabia giảm sản lượng, giá dầu thế giới có thể vượt mức 100USD/thùng. Thế nhưng điều này chắc chắn sẽ khiến cho đối thủ trong khu vực của Saudi Arabia trở nên mạnh hơn. Iran đang hy vọng sẽ né tránh các biện pháp trừng phạt bằng cách bán dầu giá rẻ.

Giá dầu cao hơn sẽ chỉ khiến cho nhiều khách hàng lớn tiêu thụ các sản phẩm năng lượng như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang mua dầu Iran. Đồng thời nó cũng sẽ khiến cho các nhà máy sản xuất dầu đá phiến của Mỹ hoạt động hết công suất, rồi sau đó, giá dầu sẽ giảm trở lại.

Saudi Arabia cũng khó có thể chuyển sang tìm nguồn cung cấp vũ khí từ Nga, dù một nhà báo thân cận với nhà vua Saudi Arabia cũng đã từng nói đến điều này. Saudi Arabia đã mua vũ khí từ Mỹ và các nước thành viên NATO suốt nhiều thập kỷ qua.

Việc loại bỏ đi chính sách này sẽ vô cùng tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc. Ngay cả việc Saudi Arabia giảm đầu tư vào thung lũng Silicon Valley cũng sẽ chỉ phản tác dụng. Saudi Arabia đang kỳ vọng cổ phần của quỹ đầu tư nước này trong những doanh nghiệp như Uber sẽ mang lại nguồn lợi đáng kể cho nhà nước Saudi Arabia, một trong những công cụ cải tổ nền kinh tế quan trọng.

Tất nhiên phân tích các yếu tố trên không phải để nói rằng Saudi Arabia sẽ không trả đũa. Cho đến giờ, điều đó từng xảy ra. Thế nhưng trong các cuộc tranh luận hiện tại, Mỹ có nhiều đối trọng hơn. Saudi Arabia quá cần đầu tư từ nước ngoài và vốn cho các quỹ đầu tư. Khu vực kinh tế phi dầu mỏ của Saudi Arabia đang tăng trưởng chững lại, tỷ lệ thất nghiệp tại Saudi Arabia đang tăng chóng mặt.

Và Saudi Arabia sẽ cần phải cân nhắc thêm một yếu tố: Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Donald Trump quan tâm đến việc nước nào không mua đủ hàng Mỹ hoặc không đầu tư mạnh vào Mỹ như mong muốn của ông, các vấn đề khác chỉ là thứ yếu, chính vì vậy ông sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá xăng dầu chứ không quá đặt nặng số phận của một nhà báo.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/chien-tranh-kinh-te-saudi-arabia-my-dang-chuan-bi-bat-dau-3476087.html