Chiến tranh gần hay xa và điều nguy hiểm nhất

'Dàn đồng ca' về nguy cơ chiến tranh đang rất gần nhưng chưa đủ để bấm nút 'khai hỏa'...

Trong khi cả Mỹ, NATO và Nga vẫn kiên trì theo đuổi đối thoại, thì nguy cơ chiến tranh lại hiển hiện đậm đặc, cả trên thực địa và truyền thông. Các bên thi nhau điều động lực lượng, tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, vừa răn đe vừa chứng tỏ chiến tranh đang ở rất gần.

Không khí nóng lên không có nghĩa là sự mở màn của chiến tranh.

Không khí nóng lên không có nghĩa là sự mở màn của chiến tranh.

Đổ thêm dầu vào lửa

Ngày 21/1, Nga, Trung Quốc và Iran bắt đầu diễn tập chung ở Bắc Ấn Độ Dương. Cùng lúc, Nga thông báo huy động hơn 140 tàu các loại, từ các hạm đội, cùng hơn 60 máy bay, 1.000 vũ khí phương tiện và 10.000 binh sĩ, để tổ chức các cuộc diễn tập vào cuối tháng 1 và tháng 2, trên 4 vùng biển quan trọng, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải và Bắc Cực.

Nga cũng đưa lực lượng, vũ khí đến Belarus, chuẩn bị diễn tập song phương trong tháng 2. NATO cáo buộc quy mô lực lượng, vũ khí, địa điểm và thời điểm diễn tập là dọn đường cho cuộc tiến công từ Belarus vào bắc Ukraine.

Trùng thời điểm, NATO tổ chức cuộc diễn tập ngoài kế hoạch, mang tên Neptune 2022, từ ngày 24/1-4/2, ở Địa Trung Hải, với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ, USS Harry Truman. Tháng 3 sẽ là cuộc diễn tập lớn nhất của NATO với 35.000 binh sĩ của 28 quốc gia ở Vòng Bắc Cực.

Từ giữa tháng Giêng, Anh đã cung cấp vũ khí chống tăng và chuyên gia đến Ukraine. Một ngày sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và Nga, liên tiếp 2 chuyến hàng viện trợ vũ khí, đạn dược của Mỹ cho Ukraine.

Vũ khí chống tăng, tên lửa phòng không do Mỹ sản xuất sẽ đến Ukraine từ Estonia, Latvia, Litva. Một số thành viên NATO khác cũng sẽ hành động tương tự.

Bên cạnh các hoạt động có thể “sờ nắm được”, là thuyết âm mưu mà không kèm theo bằng chứng cụ thể. Phương Tây cáo buộc Nga cử đặc nhiệm đến Ukraine, cung cấp hộ chiếu Nga cho nhiều người dân ở miền Đông, sẵn sàng các hoạt động tạo cớ chiến tranh; móc nối, cài cắm người vào bộ máy chính quyền Kiev. Truyền thông loan tin Đại sứ quán Nga, Mỹ tại Ukraine chuẩn bị rút nhân viên ngoại giao và gia đình…

Mọi tuyên bố, hành động như đổ thêm dầu vào lửa, tạo không khí “nước sôi lửa bỏng”, “bên miệng hố chiến tranh”.

Chiến tranh có vẻ rất gần

Mỹ, NATO nhất quyết Nga sẽ tấn công Ukraine, bất chấp mọi cảnh báo, răn đe. Có nhiều cách lý giải khác nhau.

Giữa các bên, hoài nghi có thừa, lòng tin thì thiếu hụt trầm trọng. Phương Tây từng chứng kiến cú ra đòn kiên quyết, cứng rắn, đầy bất ngờ của Nga ở Crimea năm 2014 và ở nhiều nơi khác. Bất chấp mọi cam kết từ lãnh đạo cao nhất của Nga, Mỹ và phương Tây vẫn cho rằng Nga sẽ hành động tương tự ở Ukraine. Nga cũng nhiều lần cáo buộc NATO nuốt lời hứa không mở rộng sang phía Đông.

Hàng loạt quốc gia Đông Âu và thuộc không gian hậu Xô viết gia nhập NATO năm 1997. Ukraine chung đường biên giới dài với Nga, có nhiều điểm gần gũi về dân tộc, văn hóa, lịch sử. Nếu Ukraine gia nhập NATO, Nga sẽ mất “vùng đệm”, bị áp sát phía Tây biên giới. Khoảng 400 căn cứ của NATO bao vây Nga tứ phía. Hơn nữa, Nga còn bị chặn đường kết nối với châu Âu. Quả thật, Moscow không còn đường lùi.

Ngoại trừ khí đốt, trong cuộc đối đầu với phương Tây, Nga kém thế về kinh tế, tài chính, thương mại. Quân sự, an ninh là công cụ gần như duy nhất mà Nga có thể cạnh tranh, buộc phương Tây phải tính đến điều kiện, yêu cầu của mình.

Truyền thông, ngoại giao phương Tây ra sức cảnh báo, quy kết Nga là nguyên nhân của xung đột, chiến tranh, nhân tố gây mất an ninh, ổn định, để tạo sức ép quốc tế, cô lập, buộc Nga phải bị động, lúng túng đối phó. Tuyên truyền nguy cơ chiến tranh cũng là cách mà Mỹ và NATO củng cố quyết tâm, sự đồng thuận, biện minh cho các hành động đang và sẽ tiến hành.

Điều sâu xa là nếu chiến tranh xảy ra ở Ukraine, Mỹ không hao người, tốn của nhiều, mà đẩy Nga vào thế sa lầy, suy yếu, không còn đủ khả năng đe dọa an ninh của Mỹ. Lâu nay NATO bị đặt ra ngoài các dàn xếp giữa Mỹ và Nga. Việc làm nóng nguy cơ chiến tranh cũng là cách để biện minh cho lý do tồn tại của NATO và đòi hỏi vị thế tương xứng trong đàm phán với Nga.

Tổ hợp các lý do trên dẫn đến dàn đồng ca về nguy cơ chiến tranh đang rất gần. “Báo động” nguy cơ chiến tranh, dù đúng hay sai thì Mỹ và NATO cũng không mất gì. Họ còn được tiếng “trách nhiệm” với hòa bình châu Âu.

Ukraine nhiều nguy cơ là chiến trường đọ sức giữa các cường quốc.

Điều nguy hiểm nhất

Chuyên gia cho rằng điều nguy hiểm là số lượng, tính năng vũ khí chiến lược các bên sở hữu. Vận tốc tên lửa đa bội âm; phương tiện, môi trường mang, phóng (tàu nổi, tàu ngầm, xe tải, tàu, máy bay, vũ trụ); khoảng cách bố trí vũ khí đến mục tiêu… là những thông số có ý nghĩa quyết định ưu thế sức mạnh. Bên nào càng có nhiều thông số tốt, càng có ưu thế sức mạnh và khả năng giành thắng lợi càng cao.

Sự phát triển của vũ khí chiến lược không chỉ gây tổn thất lớn về người và vật chất, mà còn thúc đẩy cái “đầu nóng”. Bên có ưu thế thường nghiêng về sử dụng sức mạnh để đạt mục tiêu. Vì thế, cuộc chạy đua vũ khí chiến lược, cả ở khía cạnh kỹ thuật và chiến thuật (thế bố trí lực lượng, phương tiện trang bị) của các cường quốc rất nguy hiểm.

Đó là lý do để Mỹ và NATO chủ trương mở rộng thành viên, có điều kiện bố trí vũ khí chiến lược sát Nga, răn đe và sẵn sàng tiêu diệt các mục tiêu quan trọng trong vài phút, làm đối phương trở tay không kịp. Và cũng chính là lý do mà Nga đặt ra “lằn ranh đỏ”.

Nhưng nguy hiểm hơn là tính toán sai lầm về chiến lược. Dựa trên các thông tin không đầy đủ, thông tin giả và đánh giá tình hình thiếu chính xác, người đứng đầu có thể đưa ra quyết định sai lầm. Họ cho rằng đối phương đang chuẩn bị chiến tranh, cần tấn công phủ đầu. Nếu chậm quyết định sẽ rơi vào thảm họa. Hoặc họ tin tưởng đủ khả năng tiêu diệt đối phương mà không bị đánh trả, hoặc tổn thất không đáng kể. Và khi đó, chiến tranh sẽ xảy ra, dù không cần thiết.

Ukraine nhiều nguy cơ là chiến trường đọ sức giữa các cường quốc. Một số thành viên NATO bố trí vũ khí chiến lược của Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu. Khó biết nếu xảy ra, chiến tranh sẽ có hình hài thế nào.

Vẫn còn hy vọng

Không khí tiếp tục nóng lên. Nhất là sau một loạt đối thoại và cuộc gặp gỡ được cho là cơ hội cuối cùng giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ ngày 21/1 không đạt kết quả đáng kể nào. Nhưng các bên vẫn cam kết duy trì kênh liên lạc, theo đuổi đối thoại. Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố sẽ trả lời điều kiện của Nga bằng văn bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Anh cũng sẽ gặp nhau. Nghĩa là, ngoại giao, đối thoại vẫn là ưu tiên, vẫn còn hy vọng.

Nga nhiều lần cam kết không có ý định tấn công Ukraine và thực tế chiến tranh không phải là phương án tối ưu đối với Moscow, trừ khi bị dồn vào chân tường. Việc duy trì lực lượng, diễn tập gần Ukraine và ở một số khu vực khác mang tính răn đe nhiều hơn.

Tổng thống Joe Biden nói NATO có thể không phản ứng trước một cuộc “tấn công nhỏ” của Nga vào Ukraine và có sự khác biệt trong NATO về những gì các nước sẵn sàng làm. Dù ông Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cải chính, nhưng không thể phủ nhận nội bộ cũng có vấn đề.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố châu Âu cần đối thoại thẳng thắn với Nga về vấn đề an ninh. Chính phủ Đức cũng không ủng hộ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đa số người dân Mỹ, châu Âu không hào hứng với việc tham gia cuộc chiến không mấy liên quan đến họ.

Tuy chưa tạo được phanh hãm, nhưng chừng đó cũng tác động đến các bộ óc có quyền bấm nút chiến tranh. Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 và một số sự kiện khác cho thấy, khi ở bên bờ vực thảm họa chiến tranh, các nhà lãnh đạo buộc phải cân nhắc thận trọng. Nhất là một cuộc chiến tranh công nghệ cao, có khả năng hủy diệt rất lớn với tất cả các bên.

Dù rất khó xuống thang, hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ, NATO và Nga. Nhưng vẫn có cơ sở để nói chiến tranh không nhất quyết xảy ra, như phương Tây cảnh báo. Có người cảnh báo nhưng chưa hẳn đã tin, mà coi đó là cuộc chiến tranh thông tin.

Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-tranh-gan-hay-xa-va-dieu-nguy-hiem-nhat-172236.html