'Chiến tranh biên giới đã để lại cho chúng ta những bài học xương máu'

Trả lời PV PNVN nhân kỷ niệm 40 năm cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979 – 2/2019), thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Viện bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhận xét, cuộc chiến đã để lại cho chúng ta bài học xương máu trong bảo vệ Tổ quốc và quan hệ ngoại giao.

‘Phải sòng phẳng với lịch sử’

- Là người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu từ những ngày đầu, ông cảm nhận thế nào về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc sau khi đã lùi xa 40 năm?

Chiến tranh biên giới phía Bắc đã lùi xa 40 năm nhưng đến nay vẫn còn nhiều “khoảng lặng” làm day dứt những người đang sống cũng như những người đã trải qua cuộc chiến như chúng tôi. Cảm nhận của tôi khi đó cũng như sau này là vừa đau buồn, bi thương nhưng cũng tự hào. Đau buồn vì dân tộc, đất nước mình vừa mới bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước đang chồng chất vết thương chiến tranh thì lại phải bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới để chống lại kẻ thù xâm lược biên cương, Tổ quốc mình. Tự hào vì cuối cùng chúng ta đã chiến thắng, chiến thắng vì chúng ta là người chính nghĩa, giữ vững được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Thiếu tướng Lê Mã Lương: "Trong quan hệ quốc tế, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc mình lên trên hết. Phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc mình làm trọng, là tiêu chí đầu tiên trong mọi mối quan hệ". Ảnh: V.S.

Thiếu tướng Lê Mã Lương: "Trong quan hệ quốc tế, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc mình lên trên hết. Phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc mình làm trọng, là tiêu chí đầu tiên trong mọi mối quan hệ". Ảnh: V.S.

Tôi tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) từ những ngày đầu của cuộc chiến. Tại mặt trận, tôi cũng đã chứng kiến sự dũng cảm của các chiến sĩ trẻ, những người lần đầu tiên trải nghiệm bom đạn chiến tranh. Họ sẵn sàng xả thân lao lên phía trước để nối dây điện thoại, để chi viện thêm lực lượng cho chốt ở phía trước trong lúc đạn pháo của quân xâm lược nã không ngừng nghỉ. Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh.

Tôi không bao giờ có thể quên những trận đánh ác liệt, bộ đội chúng ta chốt trong các hang đá. Những trận pháo kích dã man từ phía Bắc đã kéo sập hang vùi lấp nhiều đồng đội của tôi trong đó. Đến giờ các đồng chí ấy vẫn còn nằm đâu đó ở trên các sườn núi cao, vách đá tai mèo, chúng ta chưa có điều kiện để đưa họ về các nghĩa trang.

Tại nghĩa trang Vị Xuyên vẫn còn đến 2/3 liệt sĩ vô danh. Điều đó khiến tôi ngậm ngùi day dứt với đồng đội tôi, những người đã anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc. Hàng vạn đồng bào, chiến sĩ anh dũng hy sinh và bây giờ rất nhiều hài cốt của họ vẫn đang nằm đâu đó trong những cánh rừng, trên núi cao, bờ sông, bờ suối nơi biên cương mà chưa có cách gì để quy tập hài cốt về các nghĩa trang bởi nơi đó còn quá nhiều bãi mìn sót lại sau cuộc chiến.

- Thực tế, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trong nhiều năm không được nhắc đến nhiều do Việt – Trung đã bình thường hóa quan hệ, nhưng nên chăng chúng ta vẫn cần một sự rõ ràng với lịch sử hơn nữa, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay, để họ hiểu rõ hơn về cuộc chiến, về lịch sử ông cha chiến đấu bảo vệ Tổ quốc?

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài cho đến tận năm 1988. Như vậy, chúng ta mất 10 năm chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Cái từ “run sợ” hay “lo sợ” chưa bao giờ có trong tư duy quân sự cũng như trong suy nghĩ của người Việt Nam. Người Việt Nam luôn có một tấm lòng bao dung, tinh thần hòa hiếu, khát vọng hòa bình và không bao giờ run sợ. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 là một minh chứng.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điều đáng phải suy ngẫm. Giữa hai nước có những giai đoạn mặn nồng. Chúng ta không quên Trung Quốc cũng đã viện trợ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chúng ta không quên nhân dân Trung Quốc đã xả thân và chia sẻ với Việt Nam những lúc chúng ta thiếu thốn bởi chiến tranh liên miên.

Tuy nhiên, lịch sử giữa hai nước cũng có những lúc thăng trầm. Với chúng ta, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc hồi năm 1979 là cuộc chiến tranh chính nghĩa vì chúng ta chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc. Còn với Trung Quốc đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa vì họ đã bất ngờ phát động chiến tranh và đưa gần 60 vạn quân tràn sang 6 tỉnh biên giới Việt Nam. Họ đã tàn sát dân thường và phá hủy nhiều công trình dân sinh của nước ta. Phải sòng phẳng với lịch sử để thấy nếu có bị ai đó tìm cách che đậy thì cuối cùng sự thật vẫn luôn là sự thật.

Bài học xương máu về bảo vệ Tổ quốc

- Có ý kiến cho rằng, sau 40 năm, giờ đã đến lúc cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc cần phải có một vị trí đúng với ý nghĩa của nó hơn trong sách lịch sử cũng như sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Ý kiến của ông như thế nào?

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đã là một phần của lịch sử. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã mở sang một trang mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép lãng quên sự thật. Sự thật ở đây là dân tộc chúng ta rất anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc không sợ hãi, mặc dù đối phương đã bất ngờ tấn công và họ mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Chúng ta đã chiến đấu và giành thắng lợi cho dù có những tổn thất rất lớn.

Sẽ là có tội nếu lãng quên một cuộc chiến mà chúng ta đã huy động hàng vạn chiến sĩ xả thân trong các trận đánh ác liệt để bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: tư liệu.

Cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc ấy phải đặt nó như các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bởi vì máu của người Việt Nam là máu của những người dân bình thường, là máu của những người thanh niên tham gia quân đội chiến đấu bảo vệ biên ải của tổ quốc. Sẽ là có tội nếu lãng quên một cuộc chiến mà chúng ta đã huy động hàng vạn chiến sĩ xả thân trong các trận đánh ác liệt bảo vệ Tổ quốc như hồi năm 1979-1988.

Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình suốt dọc biên giới phía Bắc hồi năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này. Tôi đồng ý với việc cần phải dành cho cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc một vị trí xứng đáng, đúng với ý nghĩa của nó trong sách lịch sử.

- Thưa ông, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, từ sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nói ở trên, chúng ta rút ra bài học cốt tử ở đây là gì?

Có thể nói, cuộc Chiến tranh biên giới đã để lại cho chúng ta những bài học xương máu mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ nhất, vấn đề cốt tử ở đây chính là Việt Nam cần phải luôn luôn tỉnh táo và sáng suốt để giữ vững chủ quyền của dân tộc của đất nước mình. Cụ thể ở đây là Đảng và những nhà lãnh đạo, những người đưa ra những chiến lược, sách lược có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, trong quan hệ quốc tế, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc mình lên trên hết. Phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc mình làm trọng, là tiêu chí đầu tiên trong mọi mối quan hệ. Thực tế trong quan hệ ngoại giao cho thấy đã có rất nhiều nước khác họ làm như thế rồi, và trong quá khứ, Việt Nam cũng đã tuân thủ nguyên tắc này. Lợi ích quốc gia dân tộc là lợi ích cốt lõi, là lợi ích số một. Nếu không nghĩ đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì mình còn bị ảnh hưởng, còn bị thiệt thòi, mất mát rất nhiều trong một số mối quan hệ. Năm 2019 này được dự báo tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến rất phức tạp, có những sự kiện sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta càng phải kiên định mục tiêu lợi ích cốt lõi của mình.

Thứ ba là, chúng ta cần phải phát huy nội lực của chính mình, phải nâng cao nội lực của mình lên thì mới có sức đề kháng trước các âm mưu của ngoại bang, của thế lực thù địch bên ngoài hòng can thiệp, phá hoại chúng ta. Người Việt cần phải thể hiện được cái bản sắc của mình trong các vấn đề quốc tế, cần có sự kiên định và kiên trì. Nên dù đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao, song cũng đừng quên đi tự lực cánh sinh là rất quan trọng, chỉ có tự lực cánh sinh thì Việt Nam mới đảm bảo được lợi ích cốt lõi và giữ vững được độc lập, chủ quyền của mình.

Xin cảm ơn ông.

Hoàng Vĩnh Sưởng (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/chien-tranh-bien-gioi-da-de-lai-cho-chung-ta-nhung-bai-hoc-xuong-mau-post55503.html