Chiến thuật tấn công lợi hại của Không quân Israel khiến S-300 Syria không thể đánh trả

Vụ oanh kích diễn ra trong đêm 11/1 đã là lần thứ hai Không quân Israel tấn công vào lãnh thổ Syria sau khi lực lượng phòng không nước này độc lập vận hành các tổ hợp tên lửa tầm xa S-300.

Mục tiêu của trận không kích do các máy bay chiến đấu Israel thực hiện được thông báo là một kho hàng nằm tại sân bay quốc tế Damascus, nhiều khả năng nó vừa tiếp nhận chuyến hàng vũ khí từ Iran đưa sang.

Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA sau đó ra thông báo cho biết lực lượng phòng không bảo vệ khu vực đã ngay lập tức đánh trả và chặn được "hầu hết" tên lửa của Israel.

Mặc dù vậy, truyền thông Syria vẫn phải thừa nhận rằng đã có một số tên lửa Israel lọt qua và gây thiệt hại cho mặt đất, tức là nhiệm vụ của Không quân Israel đã được hoàn thành.

Tuy nhiên thu hút sự chú ý nhiều nhất của giới truyền thông vào thời điểm này không phải kết quả cụ thể của trận đánh mà lại là những đối tượng đã tham chiến.

Về phía Israel, máy bay chiến đấu của họ vẫn áp dụng chiến thuật cũ, đó là cho tiêm kích F-16 phóng tên lửa hành trình đối đất tầm xa từ trên không phận Lebanon.

Trong khi ở chiều ngược lại, phòng không Syria chỉ dùng các tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ cũ là S-200 và Pantsir-S1 để đánh chặn, đối tượng được quan tâm nhiều nhất là S-300 vẫn hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Nguyên nhân tại sao S-300 Syria vẫn án binh bất động đã được nhiều người đặt câu hỏi nhưng vẫn chưa thu được câu trả lời thỏa đáng, mặc dù vậy nhận định được đồng tình nhiều nhất đó là do chiến thuật của Israel quá xuất sắc.

Các tiêm kích Israel khai hỏa tên lửa hành trình đối đất từ cự ly cách rất xa mục tiêu, chúng chỉ xuất hiện trong màn hình radar cảnh báo sớm của Syria một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Nếu phòng không Syria phát hiện và phóng tên lửa S-300 lên đánh chặn thì ở cự ly lớn như trên, tiêm kích Israel chỉ cần đơn giản thực hiện thao tác hạ độ cao là sẽ nằm ngoài vùng phủ sóng của radar S-300.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng nếu cứ tiếp tục thực hiện hình thức chiến thuật trên thì các máy bay chiến đấu Israel sẽ chẳng việc gì phải lo ngại viễn cảnh bị S-300 Syria bắn hạ.

Ngoài ra kíp trắc thủ điều khiển S-300 của Syria cũng chẳng thể nào dùng tên lửa 48N6 bắn chặn tên lửa hành trình Delilah vì chênh lệch giá tiền rất lớn, đồng thời cơ số đạn S-300 trong kho lưu trữ cũng có hạn.

Nếu trong tương lai Không quân Israel vẫn áp dụng cách đánh như trên thì về cơ bản họ đã loại bỏ được hệ thống phòng không tầm xa S-300 trong tay Syria ra khỏi chiến trường.

Điều này cũng cho thấy vai trò của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa chuyên đánh chặn mục tiêu ở độ cao lớn như S-300 đang dần trở nên lạc hậu trong chiến tranh hiện đại.

Các tính năng cực kỳ hoành tráng của S-300 mới chỉ được phô diễn trong các cuộc thử nghiệm, khi mục tiêu bay xuất hiện trong điều kiện tác chiến lý tưởng của nó mà thôi.

Còn trong điều kiện thực chiến, S-300 (thậm chí cả S-400) vẫn chưa thể hiện được bất cứ điều gì kể từ khi góp mặt từ năm 2005 tại mảnh đất Trung Đông nóng bỏng này.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chien-thuat-tan-cong-loi-hai-cua-khong-quan-israel-khien-s300-syria-khong-the-danh-tra/796338.antd