Chiến thuật quen thuộc của Elon Musk

Sa thải, hăm dọa về viễn cảnh phá sản hay yêu cầu nhân viên cống hiến đều là những chiến thuật Elon Musk áp dụng ở Tesla và SpaceX. Giờ đây, vị tỷ phủ lại dùng chiêu này ở Twitter.

Elon Musk ngủ tại văn phòng. Ông sa thải nhân viên và giám đốc điều hành theo ý muốn. Và ông than thở công ty đang trên bờ vực phá sản.

Đó là câu chuyện vào năm 2018, và công ty được đề cập tới ở đây là Tesla. Nhà sản xuất ôtô điện khi đó gặp khó khăn trong việc chế tạo phương tiện đại chúng, Model 3.

“Thật kinh khủng”, Elon Musk nói. “Có những thời điểm tôi không rời nhà máy trong 3-4 ngày, có những ngày tôi không ra ngoài”.

Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Twitter giờ đây trở thành "bản sao" của trải nghiệm vị tỷ phú gọi là “địa ngục sản xuất” Tesla. Trong những năm qua, ông Musk đã phát triển kế hoạch chung quản lý công ty, gồm cả Tesla và Space X, vượt qua giai đoạn khó khăn, bằng cách phóng đại vấn đề và thúc đẩy nhân viên cùng bản thân ông gạt cuộc sống cá nhân sang một bên để cống hiến cho công ty.

Tại Twitter, ông Musk sử dụng chiến thuật tương tự để vực dậy công ty truyền thông xã hội chỉ trong vài tuần, theo New York Times.

"Một Elon điển hình"

Kể từ cuối tháng trước, Elon Musk đã sa thải 50% trong tổng số 7.500 nhân viên của Twitter và chấp nhận đơn từ chức của trên 1.200 người. Trên Twitter, ông Musk nói mình đang ngủ tại văn phòng ở San Francisco.

Ngôn ngữ mà người đàn ông 51 tuổi sử dụng trong dòng tweet mang tính định hướng, nói công ty có thể phá sản nếu ông không thể xoay chuyển tình thế. Elon Musk nói những người muốn làm việc tại “Twitter 2.0” phải cam kết với tầm nhìn “cốt lõi” của ông bằng văn bản.

David Deak - người làm việc tại Tesla từ năm 2014-2016 - cho rằng kế hoạch của ông Musk thành công trong hoàn cảnh hiện tại. Ông Deak nói thêm động thái từ vị tỷ phú này phần nào tạo động lực cho mọi nhân viên.

Tammy Madsen - giáo sư về quản lý tại Đại học Santa Clara - cho biết dễ dàng nhận ra điểm tương đồng giữa cách Elon Musk điều hành Twitter và Tesla cùng Space X. Tuy nhiên, không rõ liệu ông có tìm ra ý nghĩa sẽ thúc đẩy nhân viên tại một công ty truyền thông xã hội không, giống với khi ông thúc nhân viên tạo ra thứ đưa con người vào vũ trụ hoặc khiến mọi người tránh xa xe chạy bằng xăng.

“Tại Tesla và SpaceX, cách tiếp cận luôn đem đến rủi ro cao, nhưng phần thưởng cũng lớn. Twitter cũng vậy, nhưng phần thưởng ở đây là gì?”, giáo sư đặt câu hỏi.

Theo nguồn tin, hôm 20/11, ông Musk tổ chức họp với bộ phận bán hàng của Twitter. Sau đó, ông sa thải một số nhân viên tại bộ phận này. Cuối tuần trước, vị tỷ phú đuổi việc Robin Wheeler - giám đốc kinh doanh hàng đầu. Trước đó, Bloomberg cảnh báo về khả năng có thêm nhiều đợt sa thải.

Twitter cũng đang liên hệ với một số kỹ sư đã nghỉ việc để yêu cầu họ quay lại. Hôm 21/11, ông Musk cho biết công ty không có kế hoạch sa thải thêm nhân viên nào nữa, theo Verge.

Tại các công ty do vị tỷ phú Elon Musk lãnh đạo, kiểu tuyên bố công ty đang trên bờ vực phá sản thường xuyên xuất hiện. Tại Tesla vào tháng 12/2008, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính sâu sắc nhất, trong vòng gọi vốn cuối cùng, ông Musk nói mình đã đổ vào Tesla những đồng tiền cuối cùng.

 Elon Musk áp dụng chiến thuật "cây gậy" quen thuộc ở Tesla và SpaceX khi tiếp quản Twitter. Ảnh: Guardian.

Elon Musk áp dụng chiến thuật "cây gậy" quen thuộc ở Tesla và SpaceX khi tiếp quản Twitter. Ảnh: Guardian.

Ông cũng áp dụng cách này khi nói về SpaceX.

Năm 2017, SpaceX phải thực hiện các vụ phóng tên lửa 2 tuần/lần, nếu không sẽ đối mặt với viễn cảnh phá sản, một cựu giám đốc điều hành SpaceX nhớ lại. Người này cho biết tại công ty được thúc đẩy bởi mục tiêu về cuộc sống “đa hành tinh”, mối đe dọa về việc phá sản là yếu tố đáng quan tâm.

Kể từ đó, SpaceX phóng thành công nhiều tên lửa vào không gian và hạ cánh an toàn trở lại Trái Đất. Nhưng ông Musk vẫn dùng chiến thuật “cây gậy”. Năm ngoái, vị tỷ phú giả định về cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng làm cạn kiệt nguồn vốn, việc nhà sản xuất tên lửa phá sản không phải là không có khả năng.

“Chỉ những kẻ hoang tưởng mới sống sót”, ông viết, trích lời Andy Grove - cựu giám đốc điều hành của Intel.

Hai cựu giám đốc điều hành của Tesla cho biết bầu không khí khủng hoảng và chính sách “thắt lưng buộc bụng” tạo cho ông Musk vỏ bọc nhằm thực hiện những thay đổi mạnh mẽ và sa thải các nhà quản lý hàng đầu hoặc lượng lớn nhân viên. Họ nói động thái này cũng khiến những người ở lại nhìn vào, chuẩn bị tâm thế làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhằm thực hiện mong muốn của ông Musk.

Câu chuyện tại Twitter - nơi ông Musk đã sa thải hàng nghìn nhân viên - “là một Elon điển hình”, ông Deak nói.

Truyền cảm hứng, hay độc hại?

Những người làm việc tại Tesla đã quá quen với sự hỗn loạn hiện tại ở Twitter, vào thời điểm công ty gặp khó khăn khi đẩy mạnh sản xuất Model 3. Tháng 5/2017, trong email gửi nhân viên, ông Musk đã dùng một số từ ngữ giống với thông điệp ông chuyển tới nhân viên Twitter.

“Tesla phải khó tính và khắt khe”, ông viết. "Đích cuối của Tesla là sự xuất sắc, bởi công ty này phải như vậy".

Một năm sau, ông Musk nổi tiếng với việc ngủ trên sàn phòng họp của nhà máy Tesla, sa thải phó chủ tịch kỹ thuật và làm việc 120 giờ/tuần để giải quyết tình trạng sản xuất đình trệ Model 3. Các thành viên hội đồng quản trị Tesla lo lắng về khối lượng công việc ông Musk gánh và việc ông lạm dụng Ambien để cố chìm vào giấc ngủ.

Vào hôm làm chứng tại một phiên tòa ở Delaware, ông Musk hạ thấp những khó khăn ở Twitter với việc ra mắt Model 3 khi nói "những gì đang diễn ra trong công ty truyền thông xã hội dễ dàng hơn”.

Một trạm sạc xe Tesla tại San Diego, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Một số nhân viên cũ đặt câu hỏi liệu các chiến thuật quản lý của ông có hiệu quả tại Twitter hay không. Thời điểm đó, Tesla và SpaceX đang trong giai đoạn tăng trưởng, và người đứng đầu dùng ngôn từ cứng rắn và thúc đẩy mọi người làm việc hết mình. Tuy nhiên, Twitter là công ty đã hoạt động từ lâu.

"Kỹ thuật quản lý của ông Musk phù hợp với chiến lược khởi nghiệp và tăng trưởng tốt, nhưng không hữu hiệu cho việc xây dựng một công ty ổn định", ông Deak nói.

Ba cựu quản lý của Tesla và SpaceX cho biết cam kết toàn tâm toàn ý với một công ty của ông Musk có thể truyền cảm hứng, nhưng cũng có thể mang tâm lý độc hại, tạo ra văn hóa sợ hãi và bêu xấu.

Và đối với ông Musk, gây dựng Twitter chỉ là công việc bán thời gian. Vị tỷ phú vẫn là giám đốc điều hành Tesla và SpaceX - nơi ông tập trung vào thiết kế tên lửa hơn là quản lý.

Ông Musk cũng lãnh đạo Boring Company - công ty khởi nghiệp đào hầm và Neuralink - công ty công nghệ thần kinh. Ông nói mục tiêu dài hạn của mình là cứu nhân loại bằng cách phát triển công nghệ du hành vũ trụ, hay nói cách khác là “tạo ra sự sống đa hành tinh để đảm bảo ý thức tồn tại lâu dài".

Khả năng đa nhiệm trở thành vấn đề trong vụ kiện của các cổ đông Tesla. Tuần trước, nhiều người cáo buộc ông Musk lơ là nhiệm vụ tại Tesla. Vị tỷ phú cho biết việc ông tích cực tham gia vào Twitter chỉ là tạm thời.

"Cần có những hoạt động ban đầu nhằm sắp xếp lại công ty. Tôi sẽ giảm thời gian của mình tại Twitter", ông nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-thuat-quen-thuoc-cua-elon-musk-post1377857.html