Chiến thuật giúp điền kinh Việt Nam giải cơn khát HCV ở SEA Games

Việc sắp xếp thứ tự các vận động viên chạy trong phần thi chung kết 4x400 m tiếp sức hỗn hợp đã giúp điền kinh Việt Nam bỏ xa các đối thủ và giành HCV đầu tiên tại SEA Games 30.

Tối 7/12, chung kết tiếp sức 4x400 m hỗn hợp là nội dung thi đấu cuối cùng. Tuyển điền kinh Việt Nam tham dự nội dung này với 4 thành viên Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan và Trần Đình Sơn.

Sau 4 lượt chạy, đội tiếp sức Việt Nam về nhất với thời gian 3 phút 19 giây 50, thiết lập kỷ lục đại hội. Thành tích này cũng hơn đội về nhì là Thái Lan tới gần 7 giây. Chiến thắng này của đội Việt Nam một phần đến từ việc sắp xếp thứ tự các vận động viên chạy.

Lan và Sơn ôm nhau ăn mừng khi cán đích đầu tiên. Ảnh: Minh Chiến.

Lan và Sơn ôm nhau ăn mừng khi cán đích đầu tiên. Ảnh: Minh Chiến.

Chia sẻ về điều này, ông Dương Đức Thủy, lãnh đội điền kinh tại SEA Games 30 cho biết: "Nội dung hỗn hợp không bắt buộc xếp nam hay nữ trước, thập chí có thể 2 nữ trước hoặc 2 nam trước. Nói rộng ra, giống như chuyên gia đọc được trận đấu, tiên đoán được người ta sắp xếp đội hình như thế nào thì sẽ chiếm ưu thế".

"Việc đưa Nguyễn Thị Hằng chạy ở lượt đầu tiên thực sự tôi cũng rất lo khi nhìn thấy vận động viên nữ nhỏ bé nhất chạy với 3 vận động viên nam. Tuy nhiên, có thể thấy khoảng cách giữa Hằng với các vận động viên nam không phải là quá xa. Cho đến khi tiếp được gậy cho vận động viên khác, chúng ta đã tạo ra được khoảng cách an toàn", ông Thủy cho biết thêm.

Tại phần thi chung kết, Nguyễn Thị Hằng được xếp ở lượt chạy đầu tiên, cùng với 3 vận động viên nam đến từ Thái Lan, Philippines và Malaysia. Dù vậy, các vận động viên nam đã giúp Hằng có thêm sự quyết tâm đeo bám để mở đầu ấn tượng. Kể từ lượt chạy thứ 2 của Hoàng, anh đã bỏ xa 3 đối thủ nữ bám đuổi.

Cách sắp xếp thứ tự lượt chạy sẽ chỉ được ban huấn luyện đăng ký với ban tổ chức khoảng một giờ trước khi thi đấu. Vì vậy, các đội khác không hề biết trước được toan tính của Việt Nam. Điều này tạo ra một phần bất ngờ trong chiến thắng của đội tiếp sức 4x400 m hỗn hợp.

Thông thường, các đội sẽ xếp hai vận động viên nam chạy mở đầu và kết thúc để tranh đua quyết liệt, trong khi 2 nữ vận động viên sẽ chạy giữa. Dù vậy, có nhiều đội bố trí khác đi. Tại giải vô địch thế giới 2019, đội Ba Lan đã xếp 2 VĐV nam chạy đầu. Dù vậy, ở lượt cuối, nữ VĐV của họ đã không thể theo kịp các nam đồng nghiệp khác.

4 VĐV ăn mừng tấm HCV đầu tiên. Ảnh: Minh Chiến.

4 vận động viên của Việt Nam chưa từng tập luyện trước đó. Chia sẻ với Zing.vn sau khi giành HCV, Quách Thị Lan cho biết: "Trước khi sang Philippines tranh tài, chúng tôi ít khi được tập cùng nhau do khác tổ. Chỉ khi sang đây, mới được tập và thi đấu cùng nhau".

"Về cách sắp xếp, tôi nghĩ đó là chiến thuật của từng huấn luyện viên khác nhau và từng nước có một chiến thuật và phân chia chạy. Chiều 7/12, chúng tôi mới tập và lắp ghép cùng nhau. Cảm xúc của tôi lúc này rất vui. Đây cũng là động lực để tôi và các đồng đội có thể thi đấu tốt hơn ở những ngày tiếp theo", Lan chia sẻ.

Tấm HCV này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi giải cơn khát vàng cho điền kinh Việt Nam trong ngày ra quân "chính thức". Trước đó, các vận động viên khác của Việt Nam thi đấu không thành công hoặc có sự ganh đua đến từ các đối thủ nhập tịch.

Hồng Lệ kiệt sức, khóc nức nở trên bục nhận huy chương Nữ VĐV điền kinh cho biết cô kiệt sức khi về đích do điều kiện thời tiết nắng gắt, cung đường thi đấu có nhiều đoạn dốc và chưa có nhiều thời gian làm quen địa hình.

Minh Chiến - Tiến Đạt (từ Philippines)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chien-thuat-giup-dien-kinh-viet-nam-giai-con-khat-hcv-o-sea-games-post1022611.html