'Chiến thuật' để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

Chuyển đổi số được xem là 'xương sống' và là xu thế quan trọng của các DN trong bối cảnh kinh tế bất định. Trao đổi với Báo Hải quan, ông Nguyễn Minh Quý, Giám đốc điều hành Tập đoàn Digital NOVAON cho rằng, thực tế từ hoạt động của DN đã chứng minh, ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp DN ngày càng vững mạnh lên.

Ông Nguyễn Minh Quý, Giám đốc điều hành Tập đoàn Digital NOVAON.

Ông Nguyễn Minh Quý, Giám đốc điều hành Tập đoàn Digital NOVAON.

Là DN đã hoạt động lâu năm ở 3 lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử, chuyển đổi số, xin ông cho biết chuyển đổi số ở NOVAON đã được thực hiện như thế nào?

- Là đơn vị cung cấp nền tảng giúp các DN chuyển đổi số thì trước tiên, bản thân NOVAON đã phải chuyển đổi số. Cách đây khoảng 7-8 năm, DN đã bắt đầu áp dụng nhiều phần mềm công nghệ giúp nâng cao hiệu suất quản trị trong DN, giúp các hoạt động kinh doanh liên tục được nâng cao chất lượng. Qua đó, giúp NOVAON lọt vào top 8 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam theo Bảng xếp hạng FAST500. Điều này có được là nhờ DN đã áp dụng chuyển đổi số từ sớm, đi vào chuyên sâu, đầu tư bài bản và có tầm nhìn. Chúng tôi có niềm tin sâu sắc là ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp DN ngày càng vững mạnh lên.

Ông nhìn nhận như thế nào khi tại Việt Nam, nhiều DN, nhất là cộng đồng DN nhỏ và vừa vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức, thậm chí khá “thờ ơ” với chuyển đổi số?

- Tôi cho rằng các DN Việt Nam không hẳn “thờ ơ” với chuyển đổi số. Bởi nhìn một cách đa chiều, họ đang áp dụng chuyển đổi số theo nhiều cách khác nhau, quy mô khác nhau. Thời kỳ Covid-19 đang gây ra rất nhiều thách thức cho DN, kể cả DN lớn hay DN bé. Khi đối mặt với khủng hoảng như vậy, các DN buộc phải nâng cao hiệu suất lao động, buộc phải cải tiến cách thức quản trị DN một cách đột phá, nếu không có thể phải đối mặt với phá sản. Chính vì thế, các DN Việt Nam đã và đang trong quá trình vận động nhanh hơn trước rất nhiều.

Nhiều DN lớn, trong đó tiêu biểu như DN ngành bán lẻ đã quan tâm hơn nhiều đến việc làm thế nào để hàng hóa có thể lên các kênh thương mại điện tử và thúc đẩy doanh thu từ thương mại điện tử, hoặc xây dựng các website bán hàng, tìm cơ hội kinh doanh từ mạng xã hội, xây dựng lực lượng bán hàng online... Các DN giờ đây đã đặt mình vào “bài toán” làm thế nào để đẩy mạnh dòng doanh thu từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến. Nhưng đây lại là bài toán khó hơn rất nhiều phương thức quảng cáo, thương mại truyền thống, nên nếu không có sự chuyển đổi số cùng nền tảng thương mại điện tử thì sẽ khó có lời giải.

Ngoài ra, số lượng DN cung cấp dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực chuyển đổi số như: giải pháp về nhân sự HRM, giải pháp về quản trị khách hàng, chữ ký số… của Việt Nam trong khoảng 2 năm gần đây cũng tăng lên nhanh chóng. Đây là một biểu hiện cho thấy nhu cầu của thị trường, của các DN về vấn đề chuyển đổi số cũng đã tăng.

Từ kinh nghiệm của DN, các DN Việt Nam cần xây dựng chiến lược như thế nào để chuyển đổi số thành công, thưa ông?

- Xây dựng chiến lược để chuyển đổi số thành công rất quan trọng với các DN, nhưng đây không phải một việc đơn giản. Nên vấn đề thứ nhất, các DN dù lớn hay bé cần phải hiểu chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà là chuyển đổi về văn hóa làm việc, phương pháp quản trị, cách thức vận hành… Chính vì vậy, việc này cần sự định hướng, chỉ đạo từ những lãnh đạo cao cấp nhất, không nên giao cho các lãnh đạo, giám đốc bộ phận chức năng.

Vấn đề thứ hai là DN muốn chuyển đổi số thì không thể nào chuyển đổi 100% ngay được, mà phải chia thành các giai đoạn khác nhau. Theo đó, tốt nhất là nên bắt đầu bằng các phòng ban, hoặc các bộ phận dễ dàng tạo ra kết quả hơn, rồi nhân bản ra các phòng ban khác. Đây là “chiến thuật” phù hợp, bởi nếu chuyển đổi số toàn bộ DN ngay thì vừa khó khăn, vừa nhiều rủi ro, rất dễ dẫn đến thất bại.

Vấn đề thứ ba là các DN nên lựa chọn đơn vị đồng hành về chuyển đổi một cách thông minh. Muốn lựa chọn một cách thông minh thì bản thân các DN phải hiểu được bản chất của chuyển đổi số, nếu hiểu sai thì có thể 3-5 năm sau mới lãnh hậu quả. Vì thế, DN phải có những đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp rất kỹ càng, trong đó có những yếu tố như nhà cung cấp có đủ uy tín không, nhà cung cấp đấy có những sản phẩm có khả năng kết nối với nhau hay không…

Ở Việt Nam có rất nhiều nhà cung cấp, nhưng tôi cho rằng, nhà cung cấp mạnh trong chuyển đổi số có thể không hẳn phải dẫn đầu về công nghệ. Các DN cần tính ứng dụng nhiều hơn là về hàm lượng công nghệ trong chuyển đổi số. Nên các nhà cung cấp này phải có rất nhiều chuyên gia quản trị, chuyên gia về chuyển đổi số để đưa ra các ứng dụng công nghệ phù hợp nhất. Như tại NOVAON, chúng tôi tập trung vào việc hỗ trợ DN tăng trưởng và phát triển, sau đó mới là tối ưu chi, tiết giảm chi phí, bởi chi phí hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa phải quá lớn như các DN tại các nước phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chien-thuat-de-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-thanh-cong-133784-133784.html