Chiến thuật bầy đàn UAV cảm tử: Đổi hình thái chiến tranh

Cả một đàn UAV hướng tới mục tiêu đối phương sẽ là hoạt động quân sự trong tương lai.

Hiện nay, các thiết bị bay không người lái (UAV) nhỏ nhất và đơn giản nhất, ví dụ như loại 4 cánh, đã được sử dụng cho mục đích trinh sát và điều chỉnh hỏa lực pháo binh.

Đồng thời, chiến thuật sử dụng thiết bị bay không người lái không ngừng phát triển. Đối với các cuộc chiến trong tương lai, yếu tố đặc trưng sẽ là việc sử dụng một giàn UAV. Những nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này đang được tiến hành ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Gần đây, các nhà báo Mỹ tập trung chú ý vào việc nghiên cứu sử dụng hỗn hợp đàn UAV Kamikaze cỡ nhỏ “Flock-93” của Nga.

Khái niệm này được các nhà khoa học của Học viện Kỹ thuật Không quân nổi tiếng Zhukovsky đưa ra và đã được trình bày tại triển lãm quốc tế INTERPOLITEX- Moscow 2019.

Hơn nữa, sự ra mắt của “Flock-93” đã diễn ra vào mùa hè năm ngoái tại diễn đàn Army-2019. Trong tương lai gần, những khái niệm như vậy sẽ thay đổi đáng kể bản chất của các hoạt động quân sự của lực lượng mặt đất của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chiếnthuật đànthiếtbị khôngngườilái

Hiện tại, các lực lượng vũ trang của hầu hết các quốc gia đang nỗ lực chế tạo và thử nghiệm chiến thuật của một nhóm máy bay không người lái hoặc UAV (UAV Swarm).

Công nghệ này cho phép sử dụng hiệu quả một số lượng lớn UAV do thám- tấn công và UAV trinh sát cùng một lúc.

Nguyên lý giàn UAV lấy ý tưởng từ thế giới xung quanh, được các nhà khoa học theo dõi dựa trên cơ sở của bầy côn trùng.

Chiến thuật này đang được xem xét, được coi là có nhiều hứa hẹn và trong tương lai sẽ mở ra cơ hội thực tế không giới hạn cho quân đội trên chiến trường, cho phép tiến hành trinh sát có hiệu quả và tấn công các mục tiêu trên mặt đất bằng cơ sở vật chất ít tốn kém nhất và quan trọng hơn là không tổn thất về người. Các cuộc chiến trong tương lai ngày càng được thể hiện dưới dạng cuộc chiến của máy móc.

Các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra các câu hỏi: hàng đàn máy bay không người lái trên thực tế sẽ gần như không thể bị phá hủy hoàn toàn, và tất cả quá trình điều khiển các thiết bị như vậy có thể hiểu là chỉ cần thay thế phần mềm.

Điều này sẽ làm cho đàn máy bay không người lái trở thành đa năng, có thể dễ dàng điều chỉnh chúng để giải quyết các nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường.

Hiện nay, các quốc gia hàng đầu hoạt động theo hướng này là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nga đang cố gắng theo kịp họ, nhưng cho đến nay, những thành tựu của Nga trong lĩnh vực này có vẻ khiêm tốn hơn.

Đồng thời, quân đội Nga đang phải đối mặt với các cuộc tấn công của những tốp máy bay không người lái gây ảnh hưởng đến căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria.

Hiện vẫn chưa có quốc gia nào trên thế giới đưa ra những nghiên cứu chuẩn bị trang bị đàn UAV có khả năng tham gia chiến đấu vũ trang kết hợp. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, ông Vladimir Mikheev, Tổng giám đốc Tổ hợp Công nghệ Vô tuyến điện tử (KRET), nói rằng một đàn UAV như vậy Nga sẽ chỉ có thể tạo ra trong 5 năm tới.

Tại Hoa Kỳ, các chuyên gia thuộc chi nhánh quốc phòng DARPA đang tích cực làm việc để tạo ra đàn máy bay không người lái. Cách đây không lâu, các chuyên gia của cơ quan này đã tiến hành một thử nghiệm về một đàn UAV tích cực tại căn cứ Fort Benning (Georgia).

Các thử nghiệm đã sử dụng hàng chục máy bay không người lái để tiến hành kiểm tra hệ thống điều khiển chuyển động UAV mới. Chương trình thử nghiệm cho phép những thiết bị bay không người lái nhỏ di chuyển đồng bộ trong không gian.

Đồng thời, các chuyên gia Mỹ nhấn mạnh rằng các cuộc thử nghiệm mà họ đang tiến hành cho đến nay là nhằm giải quyết các nhiệm vụ trinh sát, chủ yếu là trong các khu chiến sự ở khu vực thành thị.

Chiến thuật tấn công với sự hỗ trợ của đàn máy bay không người lái của DARPA, được đặt tên là Chiến thuật kích hoạt Swarm-Enabled (OFFensive Swarm-Enabled Tactics) viết tắt là OFFSET, cho phép tạo ra tới 250 hệ thống riêng biệt thu thập những thông tin quan trọng cho các đơn vị quân đội hoạt động trong khu vực đô thị trong điều kiện tầm nhìn hạn chế, ở các độ cao khác nhau và hạn chế khả năng thiết lập thông tin và thiếu khả năng cơ động.

Theo kế hoạch của các chuyên gia Mỹ, một đàn máy bay không người lái sẽ giúp lính bộ binh có thể tiếp nhận hàng loạt thông tin hữu ích trong chiến đấu, bao gồm những dữ liệu về các ổ hỏa lực của đối phương, vị trí của các tuyến phòng thủ, các đội bắn tỉa và các dữ liệu khác.

Khái niệm về đàn máy bay không người lái được giới thiệu ở Trung Quốc nhằm giải quyết các mục tiêu tấn công. Các chuyên gia của một tập đoàn lớn Norinco chịu trách nhiệm nghiên cứu về vấn đề này.

Ngay từ năm 2018, trong khuôn khổ của triển lãm quốc tế lớn China Airshow 2018 tại thành phố Chu Hải - Trung Quốc, công ty này đã trình bày một số kịch bản chiến thuật cho việc sử dụng đàn máy bay không người lái trong chiến đấu.

Các UAV Trung Quốc được trình diễn là các thiết bị bay không người lái đa dạng với các kích cỡ khác nhau. Đàn máy bay không người lái được hình thành từ các model MR-40 và MR-150 được trang bị 4 và 6 cánh quạt.

Mỗi UAV đều được trang bị một thiết bị quang điện tử có kích thước nhỏ hình cầu có thể tự xoay, một radar tìm kiếm và nhắm mục tiêu cùng các thiết bị khác có thể được sử dụng để trinh sát một cách hiệu quả.

Đồng thời, nó cho phép sử dụng nhiều loại vũ khí hàng không, bao gồm tên lửa dẫn đường, bom, súng máy, đạn dù và thậm chí cả súng phóng lựu tự động cũng do Norinco sản xuất.

Trong một cuộc phỏng vấn trả lời các phóng viên của hãng thông tấn TASS, đại diện công ty này cho biết, khái niệm được tạo ra cho phép dễ dàng mô phỏng một nhóm máy bay không người lái sẽ giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, bao gồm cả những cuộc không kích theo nhóm nhằm tấn công kẻ thù.

Đànmáybaykhôngngườilái " Flock-93"

Ở Nga, hệ thống điều khiển các máy bay không người lái cỡ nhỏ nhằm thực hiện những cuộc tấn công lớn đã được đặt tên chính thức là "Flock-93".

Hệ thống này đã được giới thiệu tại các triển lãm trong năm 2019, lần cuối cùng là tại triển lãm INTERPOLITEX-2019, được tổ chức vào cuối tháng 10 tại Moscow.

Cơ sở hệ thống của Nga là một đàn máy bay không người lái COM-93 có khả năng tự tổ chức, mỗi chiếc có thể mang tới 2,5 kg tải trọng chiến đấu khác nhau. Khả năng tạo ra một giàn UAV từ những thiết bị bay không người lái nhỏ và chi phí ít tiền được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, ví dụ như các đoàn xe ô tô của đối phương.

Hệ thống này thực sự đã gây ra sự lo lắng cho các nhà báo nước ngoài, những người hết sức quan tâm đến dự án này. Các bài viết về hệ thống “Flock-93” đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm khác nhau của Mỹ, trong đó có website c4isrnet.com và Popular Mechanics.

Dựa trên các tài liệu đã được công bố trên phương tiện truyền thông Nga cũng như dữ liệu từ các cuộc triển lãm đã được tổ chức có thể hình dung ý tưởng về chiến thuật và chức năng của dàn máy bay không người lái Nga như sau:

Trong hệ thống “Flock-93” của Nga, dàn thiết bị không người lái sẽ được điều khiển bởi một UAV đầu đàn. Những UAV còn lại trong đàn sẽ duy trì kết nối trực quan thường xuyên với UAV đầu đàn thông qua việc sử dụng các camera IR của chúng.

Trong trường hợp UAV đầu đàn bị loại khỏi vòng chiến đấu vì nhiều lý do, kể cả việc bị hỏa lực của đối phương tiêu diệt, thì một UAV khác sẽ tự động thay thế, bắt đầu điều khiển cả đàn.

Đồng thời, số lượng UAV tích hợp vào hệ thống có thể tăng lên không giới hạn. Ví dụ, có thể tạo ra một đàn từ một nhóm nhỏ, trong đó UAV đầu đàn điều khiển 2-3 UAV số 2, và tiếp theo đó, các UAV số 2 có thể trở thành thủ lĩnh cho các tốp UAV khác.

Các thiết bị bay không người lái được trình diễn có thể dễ dàng thực hiện việc cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, cho phép chúng có thể cất cánh từ những không gian có kích thước hạn chế. Ví dụ, toàn bộ đàn UAV có thể cất cánh từ một bãi trống nhỏ, xung quanh có rừng bao phủ, hoặc từ nóc tòa nhà trong một khu đô thị nhà cửa dày đặc.

Thật sự sẽ khó lòng ngăn chặn được cả một đàn gồm hàng trăm máy bay không người lái loại kamikaze nhỏ chứa đầy chất nổ được đưa lên bầu trời, và khi những chiếc UAV đã vượt qua tuyến phòng thủ, tới được mục tiêu, chúng có thể gây ra tổn thất đáng kể cho kẻ thù.

Những UAV như vậy sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với các phương tiện không bọc thép của đối phương.

Ưu điểm của hệ thống “Flock-93” là chi phí tương đối thấp. Mục đích chính của dàn máy bay không người lái "Flock-93" là tấn công vào các mục tiêu theo nhóm và mục tiêu đơn lẻ trên mặt đất cũng như các mục tiêu trên không trong điều kiện chống hệ thống phòng không và hệ thống tác chiến điện tử của đối phương.

Để đối phó với đàn máy bay không người lái - những mục tiêu nhỏ, bay thấp với tốc độ thấp, đối phương phải có những phương tiện chiến đấu rất hiệu quả, song, trong điều kiện chiến đấu thực tế những phương tiện này là rất hiếm.

Các chuyên gia Mỹ nhận định rằng Nga hiện vẫn chưa thể đưa dự án dàn UAV vào hoạt động. Nhưng sự xuất hiện hệ thống có thể điều khiển hiệu quả hàng chục máy bay không người lái nhỏ là một dự án thú vị, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Trước khi trình diễn hệ thống "Flock-93", việc Nga nghiên cứu dự án với số lượng lớn máy bay không người lái như vậy chưa được công khai. Đồng thời, các nhà báo Mỹ cho rằng cho đến nay, Nga vẫn thua xa các nước phương Tây hàng đầu trong lĩnh vực này, nhưng họ cũng tin rằng khoảng cách tụt hậu sẽ được giảm dần.

Nguyễn Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chien-thuat-bay-dan-uav-cam-tu-doi-hinh-thai-chien-tranh-3396323/