Chiến thắng Tua Hai mở đầu cao trào Ðồng khởi ở Nam Bộ

Trong tiến trình chiến tranh cách mạng, thắng lợi của trận tiến công Căn cứ Tua Hai tháng 1-1960 đã vượt xa tầm vóc của một trận đánh, trở thành 'phát pháo lệnh' mở đầu cho cao trào Ðồng khởi ở Nam Bộ, cổ vũ quần chúng nhân dân vùng dậy đấu tranh, đánh mạnh vào hệ thống chính quyền cơ sở địch.

Ðó còn là tiền đề cho những trận thắng lớn của quân và dân ta ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ðã 60 năm trôi qua, cùng với thời gian ngày càng làm sáng rõ, sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Tua Hai. Giá trị của chiến thắng được biểu hiện tập trung qua những nội dung chủ yếu sau:

1. Khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 15 (khóa II) về sự chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam

Thực hiện mưu đồ có sẵn, ngay sau khi thực dân Pháp thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ nhanh chóng dựng nên chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm ở miền Nam Việt Nam để phục vụ cho chính sách xâm lược của chúng. Ðược Mỹ hậu thuẫn, quân đội và chính quyền Ngô Ðình Diệm ngang nhiên vi phạm quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, triển khai chính sách "tố Cộng, diệt Cộng", ra sức bắt bớ, giết hại, giam cầm những người kháng chiến cũ, đàn áp phong trào đấu tranh hòa bình, dân sinh, dân chủ; liên tiếp mở các cuộc càn quét, dùng bom đạn tàn sát nhân dân miền Nam để hỗ trợ "tố Cộng, diệt Cộng". Tháng 5-1957, chính quyền Diệm thông qua luật "đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật", công khai hóa việc đàn áp cách mạng miền Nam Việt Nam. Tháng 3-1959, Ngô Ðình Diệm tuyên bố đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh và phát động chiến dịch "đồng tâm diệt Cộng", mở các cuộc càn lớn, thành lập các "khu dinh điền", "khu trù mật", đóng đồn bốt thành hệ thống, phân tuyến với ý đồ chia cắt, hòng dễ bề đàn áp, kiểm soát phong trào cách mạng. Ðặc biệt, chính quyền Ngô Ðình Diệm còn ban hành Luật 10/59, thành lập các tòa án quân sự đặc biệt để xử tử những người Cộng sản, gây ra các vụ giết người hết sức man rợ. Ðồng bào, chiến sĩ miền Nam đứng trước thử thách vô cùng khắc nghiệt, "Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu"(1) . Nhưng, âm mưu thâm độc, thủ đoạn hết sức tàn bạo của kẻ thù không thể nào thủ tiêu phong trào cách mạng, ngược lại càng thôi thúc tinh thần, nung nấu ý chí đấu tranh của quân và dân miền Nam.

Trước diễn biến tình hình, tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 khẳng định: "... lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang (LLVT) để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân". Nghị quyết Trung ương 15 mở ra đường lối của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới; thể hiện bản lĩnh chính trị, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Ðảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng miền Nam.

Sau khi có Nghị quyết Trung ương 15, cuối tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức Hội nghị lần thứ 4 mở rộng. Trên cơ sở quán triệt chủ trương "lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân"(2), căn cứ vào thực tế tình hình, Hội nghị quyết định "vũ trang tức là phải tiến công, chứ không chỉ tự vệ"(3) và chủ trương tổ chức một trận đánh có sức thôi động trong toàn Miền nhằm thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, quyền Bí thư Xứ ủy, Ban Quân sự miền Ðông đã chọn Căn cứ Tua Hai để làm mục tiêu tiến công, mở đầu cho cao trào Ðồng khởi trong toàn Miền.

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, đêm 25 rạng sáng 26-1-1960, LLVT miền Ðông tiến công và giành thắng lợi trong trận tập kích Tua Hai, nơi đồn trú của Trung đoàn 32/Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ, tiêu diệt 76 tên địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên, thu gần 1.500 súng các loại(4). Ðây là lần đầu tiên, một đơn vị cấp trung đoàn của địch bị tấn công ngay trong căn cứ, bị tổn thất nặng nề; là thắng lợi quân sự lớn nhất sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng. Thắng lợi này đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh, tạo nên cao trào Ðồng khởi ở miền Ðông Nam Bộ, cùng quân và dân miền Nam nổi dậy, tiến công mạnh mẽ, dồn dập vào bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, giành chính quyền về tay nhân dân.

2. Ðánh dấu bước chuyển quan trọng cách mạng miền Nam đang từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công

Chiến thắng Tua Hai là mốc mở đầu cho phong trào Ðồng khởi vũ trang trên toàn miền Nam, tạo bước chuyển, đưa cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn đấu tranh chính trị, binh vận kết hợp với đấu tranh vũ trang giải phóng toàn miền, thống nhất đất nước. Với sự lựa chọn tiến công quân sự đi trước một bước, mở đầu bằng một trận đánh then chốt, tạo nên sự bùng nổ dây chuyền, hình thành cao trào khởi nghĩa ở Tây Ninh và Ðông Nam Bộ. Ðây là sự sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ khi tiến hành phương thức khởi đầu hết sức độc đáo, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của phong trào nổi dậy và tiến công bằng đẩy mạnh đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công bằng phương pháp bạo lực cách mạng.

Trong điều kiện Mỹ - Diệm sử dụng bạo lực quân sự để đàn áp phong trào cách mạng, tàn sát nhân dân, nếu chỉ sử dụng phương thức đấu tranh chính trị sẽ không đủ sức mạnh để ngăn chặn hành động tội ác của chúng. Từ thực tế đó, trên cơ sở phân tích thế và lực của ta cũng như bối cảnh tình hình miền Nam lúc bấy giờ, để thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, Xứ ủy Nam Bộ và Ban Quân sự miền Ðông đã thống nhất chủ trương tiến công quân sự đi trước một bước, mở đầu bằng trận đánh vào Tua Hai; nhằm giáng cho địch một đòn choáng váng về tinh thần, làm rung chuyển hệ thống phòng thủ của địch, tạo ra sự đột biến về thế và lực, có tác động mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào nổi dậy của nhân dân phát triển lên thành cao trào cách mạng ở Tây Ninh và Nam Bộ. Ðây thực sự là một quyết định táo bạo thể hiện nhãn quan chính trị sắc sảo, tư duy quân sự nhạy bén của Xứ ủy và Ban Quân sự miền Ðông.

Chiến thắng Tua Hai đã khẳng định vai trò của đấu tranh quân sự, hỗ trợ các địa phương có điều kiện đẩy mạnh tiến công địch, không tự hãm mình vào thế bị động, tránh né như thời kỳ còn thực hiện thế giữ gìn lực lượng, mà chủ động tiến công, giữ vị trí hỗ trợ hoặc mở đường cho đấu tranh chính trị của quần chúng, thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của phong trào nổi dậy và tiến công trên toàn Miền. Từ chiến thắng Tua Hai, cách mạng miền Nam có bước chuyển biến quan trọng, đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, giữ vị trí quyết định tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, hỗ trợ tạo điều kiện cho đấu tranh chính trị phát triển.

Với ý nghĩa đó, thắng lợi của trận tiến công Căn cứ Tua Hai đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của cách mạng miền Nam, khẳng định con đường giành thắng lợi chỉ có thể là con đường bạo lực cách mạng, với hai lực lượng đấu tranh cơ bản: LLVT và lực lượng chính trị; với hai hình thức đấu tranh cơ bản: Ðấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị. Chiến thắng Tua Hai mở màn cho những trận tiến công dùng LLVT đánh thẳng vào nơi địch mạnh nhất, gây thôi động và châm ngòi cho cuộc nổi dậy của nhân dân. Từ bước kiểm nghiệm về đấu tranh vũ trang trong trận Tua Hai đã mở ra phương hướng đấu tranh đúng đắn cho cao trào cách mạng toàn Miền, tạo thế và lực mới để quân và dân ta giành những thắng lợi to lớn hơn nữa đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

3. Tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, thúc đẩy phong trào Ðồng khởi ở miền Ðông Nam Bộ

Chiến thắng Tua Hai đã mở ra thời cơ lớn cho Tây Ninh nói riêng và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ nói chung vùng dậy kết hợp giữa đấu tranh của quần chúng với tiến công quân sự của các LLVT, kết hợp ba mũi giáp công (đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và binh vận), giải phóng đất đai, làm chủ từng phần, mở rộng vùng căn cứ địa, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam. Thắng lợi của trận đánh đã cổ vũ niềm tin và khí thế vùng dậy của quần chúng nhân dân, đã giải phóng hàng chục quận lỵ, chi khu, bức rút nhiều đồn bốt, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, giải phóng vùng rộng lớn phía Bắc và đại bộ phận các huyện phía Nam Tây Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho Xứ ủy và Bộ Chỉ huy LLVT miền Ðông củng cố, xây dựng và mở rộng căn cứ đứng chân. Số vũ khí thu được từ chiến thắng Tua Hai là nguồn trang bị quan trọng cho LLVT cách mạng miền Nam. Ðặc biệt hơn, thất bại trong trận Tua Hai đã làm cho tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn bị lung lay, góp phần tạo lực mới cho cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng miền Nam.

Cuộc tiến công Tua Hai là khởi nguồn cho các cuộc tiến công vũ trang ở khắp Nam Bộ, đã tạo điều kiện hình thành các đơn vị vũ trang địa phương. Phong trào thanh niên tình nguyện tham gia LLVT lan rộng, là nguồn cung cấp quân số cho lực lượng chủ lực các tỉnh, chủ lực Miền. Nhiều trận đánh gỡ đồn bốt, đánh chi viện tạo thế cho lực lượng chính trị và binh vận phát huy tác dụng tạo thế chiến lược tiến công của các lực lượng cách mạng trên toàn miền Nam. "Vùng giải phóng được mở rộng"(5), "cơ sở Ðảng được khôi phục"(6), LLVT các địa phương được xây dựng và từng bước trưởng thành đã tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, "Cách mạng miền Nam đã vượt qua thử thách khốc liệt nhất, từ thoái trào và thế giữ gìn lực lượng, chuyển hẳn sang thế tiến công"(7) .

Thắng lợi trận tiến công Tua Hai tháng 1-1960 đã vượt ra khỏi phạm vi một chiến thắng thông thường tạo điều kiện để quân và dân miền Ðông Nam Bộ bước vào cao trào Ðồng khởi, cùng với toàn Miền tạo bước xoay chuyển tình thế, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đẩy quân địch vào thế bị động lúng túng, mở màn cho những chiến công tiếp theo, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Tua Hai vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðể vận dụng những bài học trên, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau.

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội

Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng là định hướng quan trọng để Xứ ủy Nam Bộ quyết định lấy Tua Hai làm trận tiến công mở đầu cho cao trào Ðồng khởi ở Ðông Nam Bộ. Ðây là sự vận dụng sáng tạo của Xứ ủy trong thực hiện đường lối của Ðảng ở địa bàn đặc thù để làm nên chiến thắng Tua Hai.

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình" thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; mục tiêu hàng đầu là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội, từng bước "phi chính trị hóa" Quân đội. Ðể tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội, phải xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tăng cường giữ vững bản chất giai cấp công nhân, bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Ðảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung phát triển, cụ thể hóa đường lối quân sự, quốc phòng phù hợp với yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại; tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, gắn quốc phòng, an ninh với đối ngoại; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu bảo đảm cho Quân đội đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược "bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước"(8).

Hai là, dự báo đúng tình hình, xác định đúng đối tượng, đối tác, giữ thế chủ động trong mọi tình huống

Trước khi mở cuộc tiến công Tua Hai, LLVT miền Nam mới đủ khả năng đánh chiếm một số chi khu, quận lỵ và đồn bốt cấp đại đội, tiểu đoàn của địch. Tuy nhiên, do nắm chắc tình hình, chọn thời cơ chính xác, chúng ta đã lập nên chiến công vang dội, đánh tan căn cứ cấp trung đoàn của địch, để lại bài học về dự báo đúng tình hình, xác định đúng đối tượng, "biết địch, biết ta trăm trận không nguy".

Dự báo đúng tình hình, xác định đúng đối tượng, đối tác là vấn đề chiến lược trọng yếu của cách mạng Việt Nam. Do đó, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Quân đội phải chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, nhất là những vấn đề phức tạp mới nảy sinh; từ đó, đánh giá, dự báo đúng tình hình về quân sự, quốc phòng để kịp thời tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước hoạch định đường lối chiến lược bảo vệ Tổ quốc; chủ động có đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn, kịp thời các tình huống trên hướng biển, trên không, nội địa; kiên quyết không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Các đơn vị phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; nắm chắc nhiệm vụ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quyết tâm, kế hoạch tác chiến phòng thủ, điều chỉnh thế bố trí lực lượng phù hợp với sự phát triển của tình hình, tăng cường chỉ đạo, tổ chức tốt các cuộc luyện tập, diễn tập đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ba là, phải xây dựng LLVT ba thứ quân vững mạnh toàn diện, lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Trong trận tiến công Tua Hai, bộ đội chủ lực đã chủ động phối hợp với LLVT địa phương nắm chắc địch; bí mật cơ động tiếp cận mục tiêu, nắm chắc thời cơ nổ súng xung phong, thực hành chia địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt. Bộ đội địa phương, du kích thông thạo địa hình đã hoàn thành tốt việc chặn viện và kiềm chế địch xung quanh, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lực và dân công giải quyết chiến trường… Sự phối hợp giữa ba lực lượng đã tạo nên yếu tố bất ngờ cho trận đánh, mở đầu cao trào Ðồng khởi ở Nam Bộ giành thắng lợi trọn vẹn.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Ðảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung chỉ đạo xây dựng Quân đội theo hướng "tinh, gọn, mạnh", nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Chú trọng xây dựng LLVT ba thứ quân, trong đó bộ đội chủ lực phải được xây dựng trên các phương diện cả về tổ chức lực lượng, trang bị, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Căn cứ vào Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam; căn cứ vào khả năng, trình độ tác chiến của bộ đội và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc để xác định quy mô, hình thức tổ chức lực lượng phù hợp. Lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ cần được tập trung xây dựng có số lượng hợp lý, chất lượng cao, chú trọng đổi mới công tác huấn luyện, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực sự là lực lượng nòng cốt của đấu tranh vũ trang trong các khu vực phòng thủ địa phương và của chiến tranh nhân dân. Trên cơ sở đó, sẵn sàng huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó bộ đội chủ lực là nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bốn là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc

Chiến thắng Tua Hai là kết quả của sự phối hợp, chuẩn bị mọi mặt lâu dài, gian khổ của quân và dân Nam Bộ nói chung, Tây Ninh nói riêng. Ðó là quá trình chuẩn bị lực lượng quân sự, chính trị, xây dựng "thế trận lòng dân", củng cố, phát huy vai trò căn cứ địa. Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt quan điểm "bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa", Ðảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách Quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột. Ðể đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đó, chúng ta phải thường xuyên coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, căn cứ vào chức năng, tính chất hoạt động, Quân đội cần tham gia tích cực, hiệu quả vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh bằng các hình thức phù hợp. Ðặc biệt, cơ quan quân sự địa phương các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới, biển, đảo ngày càng vững chắc; tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương trong chỉ đạo xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và triển khai quy hoạch tổng thể thế bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước. Tổ chức tốt việc xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ có chiều sâu, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt chức năng tham mưu và quản lý Nhà nước về quốc phòng; thẩm định chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn cả nước. Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Ðề án bảo đảm quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, quan trọng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực và thế giới, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Năm là, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Quân đội

Trong thời kỳ khó khăn, thử thách khắc nghiệt của cách mạng miền Nam từ Hiệp định Giơ-ne-vơ đến trước Ðồng khởi, đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối kiên trung, chấp hành nghiêm chủ trương, kiên trì đấu tranh với kẻ thù, vững tin vào chiến thắng, xây dựng, củng cố tổ chức Ðảng để lãnh đạo phong trào ngày càng phát triển trở thành cao trào Ðồng khởi, trong đó chiến thắng Tua Hai là một minh chứng tiêu biểu.

Xây dựng các tổ chức cơ sở Ðảng trong sạch vững mạnh giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh việc "tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng" đối với Quân đội chỉ có thể đảm bảo khi năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội được giữ vững và ngày càng nâng cao về chất lượng; tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Ðảng và chất lượng đảng viên, phải luôn gương mẫu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Ðảng và gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác... Ðồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở phải nâng cao hiệu quả việc cụ thể hóa các quan điểm của Ðảng, chính sách, luật pháp Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực, địa phương mình; lãnh đạo chuẩn bị tốt mọi mặt từ thời bình sẵn sàng chuyển vào thời chiến khi cần thiết.

Thành công của trận tiến công Căn cứ Tua Hai đã góp phần vào thắng lợi của cao trào Ðồng khởi, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công; khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong chuyển hướng chiến lược của Ðảng đối với cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 60 năm đã qua nhưng chiến thắng Tua Hai vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

--------------------------------------------------

(1) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 2015, tr.42.

(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H, 2002, tr.82.

(3) Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 2: 1954-1975, Nxb CTQG, H, 2011, tr.157.

(4) Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb QÐND, H, 2015, tr.1077.

(5) Ðến cuối năm 1960, quân và dân miền Nam giành quyền làm chủ ở 1.100 xã trong tổng số 1.296 xã, với 4,5 triệu dân; Khu 5 làm chủ 4.400 thôn trong tổng số 4.700 thôn với 2 triệu dân.

(6) Từ 7.641 đảng viên cuối năm 1959 đến cuối năm 1960 đã tăng lên 12.946 (chưa kể ở Sài Gòn - Gia Ðịnh).

(7) Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.48.

(8) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Ðảng, H, 2016, tr.312.

Ðại tướng NGÔ XUÂN LỊCH

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42824102-chien-thang-tua-hai-mo-dau-cao-trao-%C3%B0ong-khoi-o-nam-bo.html