Chiến thắng gây tranh cãi của Tổng thống Mnangagwa

Tổng thống đương nhiệm Emmerson Mnangagwa, ứng viên của đảng Liên minh Quốc gia Châu Phi Zimbabwe - Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) cầm quyền đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Zimbabwe, bất chấp những cáo buộc của phe đối lập cho rằng, cuộc bầu cử đã bị thao túng.

Ông Emmerson Mnangagwa giành chiến thắng "hẹp" trong cuộc bầu cử lịch sử của Zimbabwe. Ảnh: Reuters

Chiến thắng "hẹp"

Theo kết quả kiểm phiếu Ủy ban bầu cử Zimbabwe (ZEC) công bố ngày 3-8, ông Mnangagwa 50,8% số phiếu. Đối thủ lớn nhất của ông là Nelson Chamisa thuộc Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC) đối lập nhận được 44,3% số phiếu.

Tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mnangagwa cho rằng, thắng lợi của ông đánh dấu một sự khởi đầu mới cho quốc gia Châu Phi này. "Tôi khiêm tốn được trở thành Tổng thống của nền Cộng hòa thứ hai ở Zimbabwe. Mặc dù chúng ta có thể bị chia rẽ trong cuộc bầu cử, nhưng chúng ta đoàn kết trong những giấc mơ của chúng ta. Đây là một sự khởi đầu mới. Chúng ta hãy cùng chung tay, trong hòa bình, đoàn kết và tình yêu, và cùng xây dựng một Zimbabwe mới cho tất cả mọi người!", ông viết.

Tuy nhiên, ngay trước khi kết quả được công bố tại Ủy ban bầu cử Zimbabwe, Chủ tịch MDC Morgan Komichi lên truyền hình, tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử. "Chúng tôi không có thời gian để thẩm tra kết quả. Kết quả mà các bạn đang nghe thấy là chưa được xác minh. Chúng toàn là số liệu giả, kết quả giả. Chúng tôi tin rằng nhiều con số đã bị thổi phồng", ông Komichi cho biết. Đảng đối lập cũng cho biết sẽ đưa kết quả bầu cử ra tòa. Ông Chamisa cũng bác bỏ "những kết quả giả mạo không được xác thực" của cuộc bầu cử tổng thống. Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Chamisa viết: "Vụ bê bối của Ủy ban Bầu cử Zimbabwe về công bố những kết quả giả mạo không được xác thực thật đáng tiếc".

Paul Mangwana, người phát ngôn đảng ZANU-PF, nhận định nếu phe đối lập "có can đảm để khẳng định chính phủ gian lận thì họ cũng phải có can đảm đối mặt với chúng tôi trước tòa". "Chúng tôi sẵn sàng cho cuộc chiến và chúng tôi sẽ đánh bại họ như chúng tôi đã làm trong cuộc bầu cử", ông Mangwana nói.

Tổng thống "cá sấu"

Ông Mnangagwa, 75 tuổi, lên nắm quyền ở Zimbabwe kể từ khi nhà lãnh đạo Robert Mugabe, 94 tuổi, bị lật đổ hồi tháng 11-2017, sau gần 4 thập kỷ cầm quyền. Được biết đến với biệt danh "cá sấu" vì sự khôn ngoan và tinh thần chính trị của mình, ông đã cố gắng thay đổi ZANU-PF, cam kết sẽ chữa lành các chia rẽ và xây dựng lại đất nước. Nhưng ông Mnangagwa vẫn được coi là đại diện cho sự tiếp tục cai trị của ông Mugabe vì ông đã làm việc dưới quyền của cựu lãnh đạo trong hơn 40 năm, đầu tiên là trợ lý đặc biệt trong cuộc chiến giải phóng đất nước khỏi Anh năm 1977, và sau đó là Bộ trưởng an ninh và Bộ trưởng tư pháp.

Tuy nhiên ông Mugabe, 94 tuổi, người đã bỏ phiếu ở Harare hôm 30-7 đã kêu gọi các cử tri không bỏ phiếu cho ZANU-PF, đảng cũ của ông. "Tôi không thể bỏ phiếu cho những người đã đưa tôi vào tình trạng này", cựu Tổng thống cho biết.

Công nhận hay không công nhận?

Kết quả bầu cử được công bố trong bối cảnh bất ổn vẫn đang "rình rập" Zimbabwe sau cuộc bầu cử lịch sử. Hiện chưa rõ các nhà quan sát quốc tế có công nhận chiến thắng "hẹp" của ông Mnangagwa hay không với nhiều cáo buộc gian lận.

Ngày 3-8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi tất cả các bên chấp nhận kết quả bầu cử và "tuân theo các biện pháp pháp lý được quy định trong hiến pháp và luật bầu cử". Trong một tuyên bố, ông Ramaphosa chúc mừng ông Mnangagwa tái đắc cử Tổng thống Zimbabwe, và bày tỏ cam kết "tăng cường các mối quan hệ lịch sử, chính trị và anh em giữa Nam Phi và Zimbabwe". Tuyên bố này có thể được hiểu là một sự chứng thực quan trọng đối với ông Mnangagwa, khi ông tìm cách giải quyết những căng thẳng và củng cố chiến thắng của mình.

Zimbabwe đang nỗ lực đảm bảo các cuộc bầu cử được coi là tự do và công bằng để thu hút đầu tư nước ngoài và hồi sinh nền kinh tế ốm yếu của đất nước. Sau khi ZEC công bố kết quả của cuộc bầu cử quốc hội hôm 1-8, cho thấy ZANU-PF giành được 2/3 số ghế, làn sóng biểu tình sau đó đã nổ ra tại thủ đô Harare. Tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp khi quân đội nước này được triển khai tại Harare để giữ trật tự và đã có 6 người thiệt mạng trong các vụ nổ súng nhằm vào người biểu tình ngày 2-8. Hôm 2-8, cảnh sát đã bắt giữ 18 người trong một cuộc đột kích vào trụ sở MDC. Phát ngôn viên cảnh sát Charity Charamba cho biết, hiện các cáo buộc là không rõ ràng nhưng ông nói thêm rằng 26 người bị nghi ngờ kích động bạo lực trong các cuộc biểu tình hôm 1-8 đã bị bắt giam.

Tình hình bất ổn khiến Mỹ, LHQ và Anh phải đưa ra những tuyên bố lo ngại. Hiện, giới chức nước này cho biết lực lượng quân sự sẽ tiếp tục hiện diện tại Harare cho đến khi tình trạng căng thẳng kết thúc. Ông Mnangagwa đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về bạo lực.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_193320_.aspx