'Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực'

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 đã góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia đi đến thắng lợi; đánh dấu bước phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tác chiến hợp đồng binh chủng quy mô, đánh tiêu diệt trên chiến trường miền Nam.

 Thượng tướng Trần Quang Phương- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Thượng tướng Trần Quang Phương- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971-2021), sáng 19/3, tại Quảng Trị, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Quảng Trị phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực”.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Hội thảo; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị; Trung tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Quảng Trị; các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí tướng lĩnh, sỹ quan, nhân chứng từng tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết: Vào những ngày này 50 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị của Việt Nam và tỉnh Xavannakhẹt của Lào, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Sài Gòn được Mỹ yểm trợ hỏa lực, tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công địch.

Khẳng định ý nghĩa to lớn của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh: Chiến dịch đã thể hiện quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trải qua 3 đợt chiến đấu, với sự phối hợp chiến đấu, phục vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, bộ đội ta luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, bằng sự hiệp đồng nhịp nhàng và chặt chẽ, chiến đấu kiên quyết, chặn đánh, bẻ gãy nhiều mũi tiến công trên các hướng của địch; bao vây, chia cắt, cô lập và tiến công tiêu diệt địch, giành thắng lợi lớn, đánh bại hoàn toàn cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn, hoàn thành vượt mức yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra.

“Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 có ý nghĩa to lớn, tác động mạnh đến cục diện chiến trường ba nước Đông Dương, giáng đòn mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn Quân đội ta thực hành các chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường miền Nam; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam nói chung và nghệ thuật chiến dịch phản công nói riêng”- Thượng tướng Trần Quang Phương khẳng định.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực”.

Với ý nghĩa to lớn đó, đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thay mặt Ban Chỉ đạo Hội thảo bày tỏ mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử tham dự Hội thảo lần này, bằng phương pháp luận khoa học, tư duy đổi mới sáng tạo và hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn một số nội dung chủ yếu mà Hội thảo đặt ra như: Phân tích làm rõ bối cảnh tình hình, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch xuất sắc của các cơ quan tham mưu chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng. Phân tích làm rõ quá trình chuẩn bị chiến trường, xây dựng lực lượng, thế trận phản công và tiến công; công tác bảo đảm vũ khí trang bị, hậu cần cho một chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược. Làm rõ vai trò của nhân tố chính trị tinh thần; tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai Đảng, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch phản công đã làm nên Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971. Nêu bật tầm vóc, ý nghĩa; phân tích làm rõ những nguyên nhân dẫn tới Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971. Trên cơ sở đó tập trung khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam…

Những bài học từ Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Được biết, để chuẩn bị cho Hội thảo ý nghĩa này, Ban Chỉ đạo đã nhận được hơn 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội.

Theo Ban Chỉ đạo Hội thảo, Hội thảo sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971; nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 nói riêng, của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới./.

Đình Tăng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/chien-thang-duong-9-nam-lao-1971-gia-tri-lich-su-va-hien-thuc-576756.html