Chiến thắng Buôn Ma Thuột - Bước ngoặt quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 đã mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Phóng viên Báo Biên phòng đã có dịp trò chuyện và tìm hiểu về sự kiện đặc biệt quan trọng này qua hai nhân vật lịch sử, đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Trung tướng Khuất Duy Tiến (bên phải) cùng cựu chiến binh Trung đoàn 24 Nguyễn Đình Thi kể lại giây phút đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Ảnh: Kim Nhượng

Trung tướng Khuất Duy Tiến (bên phải) cùng cựu chiến binh Trung đoàn 24 Nguyễn Đình Thi kể lại giây phút đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Ảnh: Kim Nhượng

Cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ, các lực lượng cách mạng miền Nam liên tiếp giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của ngụy quân, ngụy quyền ngày càng suy yếu. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã họp và nhận định tình hình thời cơ chiến lược mới, từ đó, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 đến 1976, chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975 và quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu của Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Nhắc tới buổi sáng ngày 10-3-1975 hào hùng ấy, Trung tướng Khuất Duy Tiến bùi ngùi nhớ lại: “Sau khi ra lệnh cho pháo binh tiếp tục bắn phá cấp tập vào các mục tiêu còn lại của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột, cả Sở chỉ huy Chiến dịch chăm chú theo dõi trên bản đồ bước tiến quân của các đơn vị. Tại Sở chỉ huy Chiến dịch lúc này có Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên; Đại tá Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Mặt trận; Thiếu tướng Vũ Lăng, Phó Tư lệnh; Thượng tá Nguyễn Quốc Thước, Tham mưu trưởng Chiến dịch và tôi, Trưởng ban Tác chiến. Ngoài ra, còn có Thượng tá Nguyễn Đằng, Cục trưởng Cục Chính trị Mặt trận Tây Nguyên và Thượng tá Cấn Văn Tại, Cục trưởng Cục Hậu cần và Chủ nhiệm các Ban thuộc Bộ Tư lệnh như: Trinh sát, thông tin, pháo binh, xe tăng... Để tất cả mọi người đều nghe rõ được thông tin từ các đơn vị ngoài mặt trận báo về, chúng tôi kết nối với một chiếc đài bán dẫn Oriioton và đặt nó ở ngay trên bàn Sở chỉ huy.

Trung tướng Khuất Duy Tiến kể tiếp: Từ chiều ngày 9-3-1975, khi nghe tin các mũi tiến công của quân ta đã áp sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, mọi người càng hồi hộp theo dõi. Khoảng hơn 9 giờ sáng 10-3-1975, Trung tá Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm Trinh sát thông báo một tin quan trọng là qua theo dõi, hiện không thấy điện đài của địch ở Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy làm việc nữa.

Tin đó làm mọi người phấn chấn hẳn lên vì chiều qua, Sở chỉ huy của ta cũng nhận được thông tin từ các mũi tiến công báo về đã chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, nhưng qua theo dõi, thấy điện đài ở Sở chỉ huy của chúng vẫn làm việc bình thường. Vũ Thế Quang, Tư lệnh quân ngụy tại Buôn Ma Thuột vẫn đang điều hành, chỉ huy các cánh quân. Sau đó, ta xác định lại, ta vẫn chưa chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Đúng 10 giờ 30 phút, Thượng tá Lê Minh, Tham mưu phó Chiến dịch đang đi cùng mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy báo về: Ta đã chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23.

Thông tin của Thượng tá Lê Minh như làm “nổ tung” cả Sở chỉ huy. Chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy cũng đồng nghĩa với việc ta chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột. Đã từng chịu đựng bao khó khăn, gian khổ, đã từng chứng kiến bao mất mát, đau thương của bộ đội Tây Nguyên trong suốt nhiều năm qua, giờ được chứng kiến giây phút chiến thắng vẻ vang này, mọi người trong Sở chỉ huy không ai không khỏi xúc động. Một không khí vui mừng, phấn khởi không sao kể xiết tràn ngập Sở chỉ huy. Là người chỉ huy điềm tĩnh, ít bộc lộ cảm xúc, sau khi khớp nối cả 2 thông tin: Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy không còn thông tin liên lạc và ta đã chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 của địch, Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo lúc này mới chính thức lên tiếng. Ông nói nhỏ nhẹ, khẳng định: “Như thế là chúng ta đã chiến thắng!” - Trung tướng Khuất Duy Tiến xúc động kể lại.

Cũng giống như Trung tướng Khuất Duy Tiến, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng không thể nào quên giây phút vui mừng khi quân ta chiếm được Buôn Ma Thuột. Ông nói: “Là người bao năm chứng kiến những gian khó, thăng trầm của bộ đội Tây Nguyên, giờ nghe tin quân ta đã chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, chiếm được Buôn Ma Thuột, đồng chí Đặng Vũ Hiệp rất vui và phấn chấn. Rồi ngẫu hứng, anh kêu đồng chí Tài, lúc đó là Trưởng ban Hành chính của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên: “Ta chiến thắng rồi, đồng chí Tài xem còn bánh kẹo, lương khô thì đem ra đây để ta liên hoan đi”. Thấy anh Đặng Vũ Hiệp nói vậy, anh Hoàng Minh Thảo sau những giây phút căng thẳng, giờ cũng nở nụ cười tươi rói: “Còn tút thuốc lá nào cũng mang hết ra đây để mừng chiến thắng các đồng chí!”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ thêm: Bên ngoài Sở chỉ huy, anh em cảnh vệ, phục vụ nghe thông tin chiến thắng từ Sở chỉ huy truyền ra, quân ta đã chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, đã chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột, chẳng ai bảo ai cũng nhảy lên hò reo. Anh Vũ Lăng tuy là Phó Tư lệnh nhưng là người chuẩn bị từ đầu đến cuối cho trận đánh Buôn Ma Thuột. Đêm qua, anh mới từ mặt trận Đức Lập trở về Sở chỉ huy, nhưng sáng sớm nay, anh đã có mặt tại Sở chỉ huy để theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của tình hình.

Khi nhận tin quân ta chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, cũng không giấu nổi niềm vui, nhưng là người chỉ huy điềm tĩnh, anh trao đổi với anh Hoàng Minh Thảo, rồi ngay sau đó đã ra 3 mệnh lệnh cho các đơn vị. Một, lệnh cho Sư đoàn 316 và các đơn vị đánh Buôn Ma Thuột tổ chức lực lượng tiếp tục quét sạch bọn địch còn lại trong thị xã Buôn Ma Thuột. Hai, lệnh cho Sư đoàn 316 chỉ đạo Trung đoàn 174 và Trung đoàn đặc công 198 tiếp tục tấn công tiêu diệt bọn địch còn lại ở sân bay Hòa Bình và căn cứ 53. Ba, lệnh cho đồng chí Hồ Đệ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, sử dụng Trung đoàn 24 kết hợp cùng xe tăng tấn công ngay căn cứ 45 và chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đánh quân địch đến giải cứu Buôn Ma Thuột.

Chiến dịch Tây Nguyên mà đỉnh cao là chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đánh vào điểm chí tử của bọn ngụy quân, làm cho chúng hoang mang, lo sợ, từ đó dần dần tan rã. Có thể nói, nhờ sự chỉ đạo sắc sảo, kịp thời này của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, các đơn vị của ta đã nhanh chóng tiêu diệt lực lượng còn lại xung quanh Buôn Ma Thuột và đánh tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột của Sư đoàn 23 ngụy, buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên. Từ đó, tạo thời cơ chiến lược mới để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong năm 1975.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-thang-buon-ma-thuot-buoc-ngoat-quan-trong-cho-dai-thang-mua-xuan-nam-1975-post439138.html