Chiến sự Ukraine dấy lên lo ngại chạy đua vũ khí hạt nhân toàn cầu

Lần đầu tiên kể từ sau thời Chiến tranh lạnh, số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên do sự ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo Guardian, vào ngày 13/6, viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri) đã đưa ra dự báo về việc số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu sẽ tăng lên lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Cụ thể, báo cáo của Sipri cho biết, tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới hiện tại là 12.705 đầu đạn vào tháng 1/2022, giảm nhẹ so với con số 13.080 cách đó một năm. Tuy vậy, cuộc xung đột tại Ukraine và những động thái ủng hộ của EU dành cho Kiev có thể làm gia tăng cuộc chạy đua hạt nhân toàn cầu, hiện tượng tưởng chừng đã kết thúc từ thời Chiến tranh lạnh.

"Cả 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều đang có kế hoạch gia tăng số lượng đầu đạn trong khu vũ khí của mình, điều này đi ngược lại những lời kêu gọi phi hạt nhân hóa trên toàn cầu. Đây thực sự là một xu hướng đáng lo ngại", Tiến sĩ Wilfred Wan - nhà phân tích của Sipri cho biết.

Tính tới thời điểm hiện tại, Nga là nước sỡ hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 5.977 đầu đạn, nhiều hơn quốc gia đứng thứ 2 là Mỹ 550 đầu đạn. Đáng lo ngại hơn là việc 2 cường quốc sỡ hữu 90% số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu lại đang triển khai các chương trình quy mô lớn và tốn kém để thay thế và hiện đại hóa đầu đạn, hệ thống phân phối và cơ sở sản xuất.

Xung đột Ukraine làm dấy lên lo ngại chạy đua hạt nhân toàn cầu. Ảnh: Guardian

Báo cáo của Sipri cũng cho thấy, 7 quốc gia sở hữu đầu đạn hạt nhân khác gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên đều đã lên kế hoạch hoặc triển khai việc gia tăng số lượng đầu đạn của mình.

Sốt sắng nhất trong cuộc đua hạt nhân là Trung Quốc, khi quốc gia này được cho là đã mở rộng hơn 300 hầm chứa tên lửa mới. Không nằm ngoài cuộc chơi, vào đầu năm ngoái, Pháp đã chính thức khởi động chương trình phát triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thế hệ 3. Ấn Độ và Pakistan cũng gia tăng số lượng đầu đạn của mình, cả hai nước cũng giới thiệu và tiếp tục phát triển các loại hệ thống chuyển phát hạt nhân mới.

Về phía Anh, dù nhiều lần lên tiếng chỉ trích Nga và Trung Quốc về sự thiếu minh bạch về vấn đề vũ khí hạt nhân, London mới đây cũng tuyên bố sẽ không công khai số liệu về kho vũ khí hạt nhân đang hoạt động của nước này. Báo cáo cuối cùng được công khai cho thấy Anh sở hữu 195 đầu đạn hạt nhân, 120 trong số này được đặt ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Báo cáo của Sipri được công bố trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang và làm dấy lên nguy cơ xung đột hạt nhân. Trước đó, phía Moscow cũng lên tiếng phản đối phương Tây chuyển vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, "lời kêu gọi cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine thể hiện tư tưởng cực đoan, đe dọa an ninh khu vực và thế giới, cũng như vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chien-su-ukraine-day-len-lo-ngai-chay-dua-vu-khi-hat-nhan-toan-cau-2029814.html