Chiến sự Syria: Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không nghe ông Lavrov?

Nghe Nga tức là thử một cơ hội hòa bình trước khi hành động chiến tranh vẫn chưa muộn…

Các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu tại khu vực gần thành phố Manbij ở Syria AFP

Các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu tại khu vực gần thành phố Manbij ở Syria AFP

Trước khi mở chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” thì giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có thỏa thuận, đó là Mỹ rút một ít quân để Thổ Nhĩ Kỳ “càn quét” lập khu an ninh trong vòng 5 km chiều sâu và 120km chiều dài dọc theo biên giới Bắc Syria.

Thực tế thì Thổ Nhĩ Kỳ đã “không nghe lời Mỹ”, cụ thể, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã “đi quá xa” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ mở màn chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình”.

Hậu quả sự “không nghe lời” là đã đưa quân Mỹ tại Đông Bắc Syria trong vòng nguy hiểm...buộc Tổng thống Trump phải ra lệnh rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi Đông Bắc Syria trong vòng 30 ngày và cùng với Quốc hội Mỹ phát lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Không nghe lời Mỹ, đương nhiên, Mỹ sẽ không thể sử dụng sức mạnh quân sự bằng không quân hỗ trợ người Kurd chống lại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Mỹ sẽ cho ăn đòn “trừng phạt kinh tế”, tuy nhiên, đòn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ chỉ “lấy lệ” chứ không là gì như với Iran, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO còn nhiều ràng buộc, cho nên, Mỹ không muốn bị dính cú “boomerang”.

Như vậy, nếu Mỹ mạnh tay với Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, có một lực lượng quân sự hùng hậu chỉ sau Mỹ, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn ngả sang Nga, lúc đó sẽ làm tan rã NATO. Đến đây chúng ta nên ghi nhớ là NATO tan rã chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ.

Bây giờ, nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không nghe lời Nga thì điều gì sẽ xảy ra?

Vào ngày Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Syria, chính xác là tấn công vào SDF, thì Nga im lặng. Nhưng đây là sự im lặng đáng sợ bởi không biết nó nghĩ gì và làm gì…

Dư luận trong và ngoài nước Nga thì bàn tán, đổ lỗi cho sự im lặng như là sự phản bội với Syria, với cả người Kurd, trong khi cả châu Âu và Mỹ rầm rộ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu Erdogan rút quân xâm lược Syria…

Người Nga đã lên tiếng trong chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ bởi tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Lavrov như sau: “Thổ Nhĩ Kỳ hành động bằng cách sắp xếp trước với Nga, vì lợi ích chủ quyền và toàn vẹn của Syria”.

Tuyên bố này có nghĩa là: Moscow và Ankara đã sắp xếp, thỏa thuận mục tiêu chiến dịch (đối tượng tác chiến, khu vực tác chiến) và chủ quyền toàn vẹn của Syria (không có tính chất xâm lược).

Tất nhiên, cũng như với Mỹ, Ankara vẫn tính theo lợi ích của riêng mình, chẳng hạn, Tổng thống Erdogan kiên quyết phải thiết lập vùng an ninh dài 120km nhưng phải sâu 30 km (ôm trọn đường cao tốc chiến lược M4) cùng với các thành phố thị trấn chiến lược như Kobani, Manbj…Và, dĩ nhiên, Nga và Damascus cũng chuẩn bị theo lợi ích của mình…

Hôm nay, có một kết quả viết ra trong một câu ngắn gọn nhưng chấn động thế trận chiến trường Syria: Một thỏa thuận giữa SDF và Damascus đã được ký kết tại căn cứ không quân Nga tại Syria, Khmeymim, theo đó, quân đội Syria đã yên tâm “xếp hàng dọc trên biên giới Bắc Syria”.

Có thể nói, một lần nữa, Tổng thống Nga Putin đã sử dụng ngón đòn Judo kiệt xuất: Biến lực của đối phương thành của mình để quăng quật. Nga đã dùng sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để buộc người Mỹ rút khỏi Đông Bắc Syria và người Kurd đầu quân cho Damascus…

Không chỉ thế, không rõ bằng cách nào mà lực lượng Mỹ lại chấp nhận bàn giao Manbj và Kobani cho Nga thay vì Thổ Nhĩ Kỳ khiến Ankara hết sức tức tối. Có lẽ Mỹ trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là trả công người đã bảo vệ đồng minh của họ bị họ bỏ rơi – người Kurd Syria, chăng(!?)

Trước tình thế này, khi vùng an ninh 120km*30km bị quân đội Syria ngăn chặn thì liệu ông Erdogan có ra lệnh “quét sạch” hay không? Sẽ có 3 tình huống chắc chắn xảy ra khiến Tổng thống Erdogan phải “suy nghĩ 2 lần” trước khi quyết định:

1, Lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ (SDN) sẽ đối đầu với SAA và YPG sẽ không phải là đối thủ của họ khi không có không quân hỗ trợ.

2, Nga sẽ tuyên bố vùng cấm bay như đã từng tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Lưu ý là không như Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga thừa sức thiết lập vùng cấm bay. Trước chiến dịch, người Kurd đã đề nghị Nga thiết lập vùng cấm bay để bảo vệ người dân nhưng Nga chưa đồng ý vì lúc đó chưa có thỏa thuận Damascus – SDF.

3, Nga sẽ không dừng lại chiến dịch tại Idlib sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể cản nối hàng triệu dân, phiến quân có vũ trang tại Idlib mà họ bảo trợ, tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập và dính sâu vào Nga cho nên Tổng thống Erdogan dù có nối giận đến mấy cũng phải dừng bước, mặt khác, với “cái lưỡi khôn ngoan, mềm dẻo” của Lavrov, Nga sẽ trung gian, sắp xếp cho một cuộc nói chuyện giữa Ankara và Damascus…

Nếu Damascus trao cho Ankara những đảm bảo mà người Thổ Nhĩ Kỳ cần thì Tổng thống Erdogan như “bắt được vàng”, sẽ rời khỏi Syria.

Lựa chọn này rất có khả năng xảy ra bởi nếu không nghe lời Mỹ, Mỹ muốn làm căng thì NATO sẽ tan rã, nhưng với Nga, đối đầu với Nga thì tan rã không phải là NATO mà chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãy chờ xem.

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chien-su-syria-neu-tho-nhi-ky-khong-nghe-ong-lavrov-3389611/