Chiến sự ở Ukraine có chia tách hợp tác Nga-Mỹ trên ISS?

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là ngọn hải đăng hợp tác giữa Mỹ và Nga, hiện đang bị suy giảm nhiều do chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, cuộc trở về Trái Đất hôm 30-3 của phi hành gia Mỹ Mark Vande Hei và 2 đồng nghiệp Nga là Anton Shkaplerov, Pyotr Dubrov bằng tàu vũ trụ Soyuz MS-19 của Nga được cho là dấu hiệu khả năng tiếp tục duy trì hợp tác giữa các bên.

Cơ chế giữ trạm

Theo CNN, khoang hạ cánh của tàu vũ trụ Soyuz MS-19 chở 3 phi hành gia Mỹ-Nga gồm Mark Vande Hei, Pyotr Dubrov và Anto Shkaplerov đã đáp xuống Kazakhstan. Ông Mark Vande Hei thiết lập kỷ lục là phi hành gia của NASA có chuyến bay lâu nhất trên ISS, tới 355 ngày. Ông cùng nhà du hành người Nga Pyotr Dubrov tới ISS vào ngày 9-4-2021 trên tàu vũ trụ Soyuz MS-18 và cùng nhau hoàn thành 5.680 vòng quỹ đạo, bay hơn 240 triệu km quanh Trái Đất.

Các bộ phận quan trọng của ISS đến từ các địa điểm do Nga vận hành ở Kazakhstan (Ảnh: GETTY)

Các bộ phận quan trọng của ISS đến từ các địa điểm do Nga vận hành ở Kazakhstan (Ảnh: GETTY)

Trong khi đó, nhà du hành Anto Shkaplerov đặt chân lên trạm vũ trụ vào tháng 10-2021 cùng với 1 đạo diễn và nữ diễn viên người Nga, với nhiệm vụ quay bộ phim đầu tiên trong không gian. Khi nhóm làm phim quay trở lại Trái Đất, Anto Shkaplerov vẫn ở trên ISS và kết thúc sứ mệnh không gian thứ tư của mình với tổng cộng 708 ngày trên quỹ đạo. Một số nhà bình luận cho rằng, sự trở về cùng nhau của các phi hành gia Nga-Mỹ cho thấy hợp tác hai nước trong lĩnh vực vũ trụ sẽ không có nhiều thay đổi bất chấp những bất đồng, mâu thuẫn của chính phủ hai nước trong vấn đề Ukraine.

ISS đã được phóng lên quỹ đạo Trái đất gần một phần tư thế kỷ trước từ Kazakhstan thông qua một nền tảng do Nga thuê. Các thành phần tiếp theo đã tham gia vào nó từ các nền tảng khác từ Mỹ và cuối cùng làm thành ISS hoàn chỉnh, trở thành một nỗ lực chung giữa hai quốc gia. ISS có hai phần cấu thành, một phần do Mỹ vận hành có tên là United States Orbital Segment (USOS) và một phần khác dưới sự chỉ huy của Nga được gọi là Russian Orbital Segment (ROS). Nga hoàn toàn kiểm soát phân khúc của mình, trong khi Mỹ chia sẻ hoạt động với các quốc gia khác như Anh. Giám đốc điều hành kiêm giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu luật hàng không và vũ trụ của Đại học McGill, David Kuan-Wei Chen nói với Express.co.uk rằng phía Nga đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho trạm hoạt động. Phân khúc của Nga tồn tại để cung cấp "sức đẩy và kiểm soát độ cao" cho ISS. Những cơ chế này, được gọi là "giữ trạm", giữ cho nó bị khóa trong quỹ đạo. Nếu không có Nga và sự hợp tác của Nga, ông Kuan-Wei Chen cảnh báo rằng ISS "có thể trôi dạt và bị lực hấp dẫn kéo xuống Trái Đất".

Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin (từ trái sang phải) thăm gian hàng “Space” tại trung tâm triển lãm Thành tựu quốc tế (VDNH) ở Moscow năm 2018. Ảnh: Getty Images

Người đứng đầu Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin từng cảnh báo các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU nhằm vào Nga đã cản trở khả năng hoạt động của đất nước ông và "có thể gây ra sự diệt vong cho một số hoạt động hợp tác của Nga, trong đó có ROS". Tuy nhiên, sau đó, ông Dimitry Rogozin cũng vẫn trấn an rằng các hoạt động ở ISS đều thực hiện theo thỏa thuận hợp pháp và các bên phải tuân thủ các thông số của Hiệp định liên chính phủ ISS (ISS IGA). Nếu các quan chức Nga muốn, họ có thể chọn cách thoát khỏi thỏa thuận và ngừng hoạt động trên tàu nhưng sẽ mất một thời gian để Nga thực hiện được mục tiêu này.

“Như với bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào, một quốc gia có thể rút khỏi thỏa thuận bất cứ lúc nào. Nhưng ISS nói rõ rằng để rút lui, bất kỳ quốc gia nào cũng cần cung cấp thông báo bằng văn bản trước ít nhất một năm (theo điều 28). Vì vậy, ngay cả khi Nga rút ngay bây giờ, để đáp lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, vẫn có thời hạn một năm cho đến khi lệnh rút lui đó có hiệu lực. Cho đến lúc đó, Nga sẽ vẫn phải tiếp tục các nghĩa vụ của mình", ông Kuan-Wei Chen nói.

ISS tách biệt với chính trị

Trong khi đó, ông Scott Pace, người từng đảm nhiệm vị trí Thư ký điều hành của Hội đồng không gian dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện là Giám đốc của Viện Chính sách Không gian thuộc Đại học George Washington cho biết, ISS “gần như tách biệt” khỏi các sự kiện chính trị.

ISS do một số quốc gia vận hành (Ảnh: GETTY)

“Việc rạn nứt quan hệ với Nga sẽ gây nguy hiểm cho trạm vũ trụ, nhưng điều đó chỉ thực sự xảy ra trong trường hợp quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia chấm dứt, mà đây dường như là phương án cuối cùng nên tôi không thực sự nhìn thấy tương lai đó xảy ra, trừ khi xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn hơn”, ông Scott Pace phân tích.

Trên thực tế, hơn 1 tháng qua, bất chấp chiến sự ở Ukraine, NASA vẫn tiếp tục quan hệ đối tác vũ trụ với Nga. Các quan chức NASA cho biết họ đang theo dõi tình hình với Ukraine trước sự trở lại của phi hành gia Mark Vande Hei đồng thời kỷ niệm việc này như một cột mốc quan trọng khác cho một trong những chương trình thành công nhất của NASA, ISS.

Hồi trung tuần tháng 3, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ "làm suy giảm" chương trình không gian của họ, ông Dmitry Rogozin cũng đã đăng các dòng tweet hỏi liệu Mỹ có muốn phá hỏng mối quan hệ hợp tác giữa các nước trong việc hoạt động ISS. Phản ứng của NASA thì ít gây bức xúc hơn khi cho biết họ đang tiếp tục các hoạt động bay vũ trụ bình thường của mình trong quan hệ đối tác với Roscosmos "để có các hoạt động an toàn liên tục" và rằng “không có thay đổi nào được lên kế hoạch đối với sự hỗ trợ của cơ quan này đối với các hoạt động liên tục trên quỹ đạo và ISS".

ISS được chụp từ một cửa sổ trên SpaceX Crew Dragon Endeavour vào ngày 8-11-2021

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 21-3, Kathy Lueders, quản trị viên phụ trách các hoạt động không gian của NASA, cho biết: “Chúng tôi không nhận được bất kỳ dấu hiệu nào ở mức độ làm việc cho thấy các đối tác của chúng tôi không cam kết hoạt động liên tục trên ISS. Chúng tôi với tư cách là một đội đang hoạt động giống như chúng tôi đã hoạt động ba tuần trước”. Kathy Lueders cho biết NASA và các đối tác Nga vẫn đang nói chuyện với nhau. "Chúng tôi vẫn đang tập luyện cùng nhau. Chúng tôi vẫn đang làm việc cùng nhau. Rõ ràng, chúng tôi hiểu rõ tình hình toàn cầu và tình hình hiện tại, nhưng với tư cách là một đội chung, các hoạt động vẫn đang được tiến hành. Rõ ràng là chúng tôi cần tiếp tục theo dõi tình hình.… Chúng tôi đã từng hoạt động trong những tình huống như vậy trước đây và cả hai bên luôn hoạt động rất chuyên nghiệp, hiểu rõ tầm quan trọng của sứ mệnh tuyệt vời này cũng như việc tiếp tục duy trì quan hệ hòa bình giữa hai quốc gia trong không gian", Kathy Lueders nói thêm. Điều này có nghĩa là NASA tiếp tục làm việc để đưa các phi hành gia Nga bay trên tàu vũ trụ Mỹ và các phi hành gia Mỹ bay trên tàu vũ trụ Nga Soyuz, giống như tàu dự kiến đưa phi hành gia Mark Vande Hei về.

Nhiều năm qua, người Mỹ và người Nga đã làm việc cùng nhau trong không gian và trên mặt đất. Sau khi chương trình tàu con thoi bị ngừng hoạt động vào năm 2011, NASA phụ thuộc vào Nga để đưa các phi hành gia đến và đi từ trạm. Sự phụ thuộc đó đã ràng buộc các cơ quan không gian với nhau chặt chẽ hơn. “Khi ở Kazakhstan, chúng tôi hoạt động hiệu quả như một đội. Cho dù đó là phi hành gia châu Âu, phi hành gia NASA hay phi hành gia Nga ... mọi người đều đang hành động như một. Đó là một mối quan hệ hợp tác tuyệt vời”, Kenny Todd, cựu Phó giám đốc chương trình trạm vũ trụ của NASA, cho biết trong một podcast của NASA vào năm 2020. Gần đây, những căng thẳng về địa chính trị giữa các nước đã bắt đầu làm mối quan hệ hợp tác này trở nên phức tạp hơn. Dẫu vậy, các phi hành gia vẫn cố gắng vui vẻ làm việc cùng nhau vì một mục đích chung.

Những mối lo mới

Tuy nhiên, bắt đầu cũng có những mối rạn nứt sâu hơn trong vấn đề hợp tác ISS. Cụ thể, từ 27-2, người đứng đầu Roscosmos viết trên Telegram: "Để đáp lại các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với các công ty của chúng tôi, Roscosmos đang ngừng hợp tác với các đối tác châu Âu về các vụ phóng vào không gian từ Kourou và rút nhân viên kỹ thuật của mình khỏi Guiana thuộc Pháp". Sau đó 4 ngày, Roscosmos thông báo điều chỉnh hoạt động, ưu tiên tập trung phát triển vệ tinh dành cho mục tiêu quân sự, đồng thời ngừng bán động cơ rocket cho các sứ mệnh không gian của Mỹ, đặc biệt là động cơ RD-180 dùng cho dòng tên lửa đẩy Atlas và RD-181 được sử dụng cho tầng đầu tiên của tên lửa đẩy Antares. Đáng chú ý là trước nay, chương trình không gian Mỹ dựa vào động cơ RD-180 để cung cấp năng lượng cho tầng đầu tiên của tên lửa đẩy Atlas V, cũng là phương tiện duy nhất Mỹ hiện có mà dùng để đưa các lô hàng tiếp tế vào không gian. Chưa hết, Roscosmos cũng thông báo rút khỏi “các cuộc thí nghiệm chung trên ISS gồm cuộc thí nghiệm "Matryoshka-R" nghiên cứu về bức xạ vũ trụ và "Vampire", nhằm chế tạo tinh thể dùng cho các cảm biến hồng ngoại của vệ tinh.

Ba phi hành gia Mỹ-Nga vừa từ ISS trở về Trái Đất (từ trái sang phải): Mark Vande Hei, Anton Shkaplerov và Pyotr Dubrov. Ảnh: NASA

Roscosmos cũng đóng băng hợp tác với Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR) sau khi gửi thông báo tới người đứng đầu DLR, Anke Kaysser-Pyzalla rằng Nga chấm dứt tất cả các hoạt động hợp tác và sẽ không bắt đầu bất kỳ dự án hoặc sáng kiến mới nào.

Trong khi đó, công ty vệ tinh OneWeb của Anh tuyên bố tạm đình chỉ tất cả các vụ phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan sau khi cơ quan không gian Moscow yêu cầu đảm bảo rằng tàu vũ trụ của họ sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự.

Hiện một động thái khác của Nga đang khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây lo ngại chính là thông tin Moscow không loại trừ khả năng thiết lập một trạm vũ trụ mới “có khả năng quân sự”. Người đứng đầu Roscosmos nhấn mạnh, trạm vũ trụ mới của Nga sẽ là trạm vũ trụ quốc gia và cần phải “đơn giản nhất có thể”, cho phép các phi hành gia ở trên đó trong thời gian ngắn để thực thiện nhiệm vụ và sau đó nhanh chóng quay trở về Trái Đất.

Chi Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chien-su-o-ukraine-co-chia-tach-hop-tac-nga-my-tren-iss--i649278/