Chiến sự Nga-Ukraine: Tâm điểm vẫn là cuộc chiến tiêu hao

Sau gần 6 tháng, cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên thực địa, không còn các trận đánh quy mô lớn giữa hai bên nhưng hoạt động quân sự vẫn dữ dội để gây thiệt hại về khí tài và hậu cần của đối phương. Các bên hiện vẫn đang trong cuộc chiến tiêu hao, đọ sức về quân lực và kinh tế.

Rõ ràng là, chỉ khi nào một bên xuất hiện dấu hiệu hụt hơi, khi đó các cuộc đàm phán mới đi vào thực chất. Câu chuyện viện trợ phương Tây cho Ukraine, vì thế lại càng vấp phải những phản ứng trái chiều.

Nhà máy Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, hiện đang do quân Nga chiếm giữ. Ngày 10- 8, nhóm 7 cường quốc công nghiệp phát triển (G7) đã ra thông cáo yêu cầu Nga trao trả ngay lập tức toàn bộ quyền kiểm soát hợp pháp nhà máy điện này cho chính quyền Kiev.

Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế Rafael Grossi phân tích bên sơ đồ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia(Ukraine).

Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế Rafael Grossi phân tích bên sơ đồ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia(Ukraine).

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (AIEA), Rafael Grossi, đã thông báo với Hội đồng Bảo an về tình trạng hết sức nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân. Về phần mình, Tổng thống Ukraine cảnh báo nguy cơ xảy ra một tai nạn hạt nhân, như kiểu vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, miền Bắc Ukraine vào năm 1986. Mọi chuyện còn có thể tồi tệ hơn nhiều bởi Tchernobyl chỉ bị nổ 1 lò hạt nhân, còn nhà máy Zaporizhzhia thì có tới 6 lò hạt nhân. Trước đó, ngày 8-8, Kiev kêu gọi thiết lập vùng phi quân sự quanh nhà máy Zaporizhzhia và cho rằng cần có sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại khu vực này.

Bộ Quốc Phòng Anh hôm 6-8 cảnh báo rằng các lực lượng Nga "hầu như chắc chắn" là đã tập trung ở phía Nam để chuẩn bị đối phó với một cuộc phản công từ phía Ukraine. Các đoàn xe dài gồm xe vận tải quân sự, xe tăng và xe kéo pháo đang di chuyển về phía Tây Nam, ra khỏi khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine. Trong bản cập nhật tình báo công bố trên Twitter, Bộ Quốc phòng Anh nhận định: “Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sắp bước sang một giai đoạn mới, với cuộc giao tranh dữ dội nhất đang trải rộng về phía Tây Nam, trên một chiến tuyến dài khoảng 350 km từ khu vực gần Zaporizhzhia đến Kherson, song song với sông Dniepr”.

Bản cập nhật cho biết thêm là các nhóm tác chiến chiến thuật, gồm từ 800 đến 1.000 quân, đã được triển khai tại vùng Crimea để được tung ra hỗ trợ quân đội Nga ở Kherson. Thiết bị dường như đã được vận chuyển từ lãnh thổ Nga và các khu vực bị Moscow chiếm đóng – bao gồm Melitopol, Berdiansk và Mariupol - tới Crimea qua ngã cầu Kerch. Chính quyền Kiev thì đang tập trung đánh phá với tần suất ngày càng tăng các cây cầu, kho đạn và các tuyến đường sắt ở các khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, sử gia Michel Goya, nguyên đại tá pháo binh hải quân Pháp, trong bài phỏng vấn với Les Echos cho rằng, hiện cả Nga và Ukraine rất khó tổ chức các cuộc tấn công lớn vì phải huy động đông đảo lực lượng, nhưng lại rất dễ bị lộ và dễ bị oanh kích.

Thêm vào đó, cả hai bên đều đã có thời gian củng cố lực lượng phòng thủ. Ngoài ra, số vũ khí cấp cho chiến trường không kịp bù cho số bị thiệt hại. Sau khi chiếm được Severodonetsk và Lysychansk vào đầu tháng 7, Nga tạm dừng tấn công để khôi phục lực lượng và tái triển khai, chủ yếu đến vùng Donbass.

Về phía Ukraine, chính quyền Kiev nóng lòng chiếm lại Kherson vì Nga không giấu ý đồ sáp nhập vùng đất này thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, rất khó tái chiếm vùng này vì đó là vùng đồng bằng, có thể nhìn thấy đối phương từ xa, lại có nhiều làng mạc quanh các chốt phòng thủ. Tại khu vực này, Ukraine có ít quân và khí tài hơn Nga. Hơn nữa, Kiev không thể áp dụng chiến thuật càn quét chiếm làng mạc. Đến được Dnipro từ giờ đến tháng 9 đã là một thành tích vì vượt con sông rộng đến 500m sau thời điểm đó là việc rất khó khăn, do cầu bắc qua sông dường như đã bị phá hết, như vậy, chỉ còn cách vượt sông bằng cầu phao. Và, khi đã lập được tuyến đường này thì phải bảo vệ tránh oanh kích của Nga. Do đó, theo nhận định của chuyên gia Michel Goya, các chiến dịch sẽ chậm lại với các cuộc tấn công giảm dần cho đến khi một trong hai bên tham chiến có bước đột phá nhờ củng cố lực lượng tốt hơn, cải tổ trang bị, cách tổ chức và phương pháp. Đến lúc đó, các cuộc tấn công lớn có thể sẽ làm lung lay đối phương.

Chính quyền Mỹ ngày 7-8 thông báo quyết định viện trợ quân sự thêm 1 tỷ đô la cho Ukraine. Theo Lầu Năm Góc, đây là gói viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự lớn nhất xuất ra từ kho vũ khí của Mỹ kể từ đầu cuộc chiến tranh Nga[1]Ukraine đến nay. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, lô vũ khí và thiết bị lần này bao gồm các loại đạn dược cho các hệ thống pháo phản lực HIMARS, pháo 155 ly, súng cối 120 ly... cùng 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, 20 khẩu súng cối 120 ly, hàng trăm súng chống tăng AT-4, 50 xe bọc thép cứu thương M-113 và các loại trang bị khác. Đợt viện trợ mới này đã nâng tổng số viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine lên đến gần 10 tỷ đô la kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức năm ngoái, trong đó có hơn 9 tỷ được quyết định kể từ khi Nga mở cuộc chiến tại Ukraine vào cuối tháng 2. Theo ông Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, khoản viện trợ quan trọng này cần thiết để giúp Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của Nga ở phía Đông và cũng để xử lý tình hình ở phía Nam và các nơi khác.

Tuy nhiên, theo sử gia Goya, cho đến nay, tên lửa HIRMAS của Mỹ hay Caesar của Pháp cung cấp cho Kiev chưa đủ để quân Ukraine thay đổi cục diện. Nhìn rộng hơn, phương Tây đã cung cấp cho Kiev hầu hết các loại vũ khí hiện có.

Quân nhân với quân phục đính cờ Nga đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Phương Tây tính đến việc cung cấp cho Kiev máy bay trực thăng đổ bộ và chiến đấu cơ, đặc biệt là máy bay tấn công trên bộ, nhưng quá trình huấn luyện phi công cần rất nhiều thời gian.

Phía Nga gây ngạc nhiên khi vẫn còn tên lửa hành trình để bắn vì được cho là đã hết từ nhiều tuần qua. Nga thiếu vũ khí, moi hết cả vũ khí cổ như tên lửa chống hạm Ka22 của thập niên 1960. Tuy nhiên, pháo binh Nga vẫn còn khả năng kéo dài hoạt động dữ dội và đây là một trong những chìa khóa của cuộc xung đột. Tóm lại, chuyên gia Goya cho rằng Nga và Ukraine đang sa lầy trong cuộc chiến tiêu hao.

Thống kê sau cùng của Nga về số thương vong của mình là vào tháng 3 vừa qua, với 1.351 binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Tuy nhiên, ngày 7-8, tại Washington, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl ước tính: Sau gần 6 tháng tham chiến tại Ukraine, từ 70.000 đến 80.000 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.

Ngày 8-8, tờ Kommersant của Nga bất ngờ chính thức hóa những thông tin được lan truyền trước đó trên các kênh độc lập: Nga đang cấp tốc thành lập các đơn vị quân đội mới để tung vào chiến trường Ukraine. Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là việc bổ sung thêm lực lượng này phải chăng là nhằm bù đắp những tổn thất rất nặng nề mà quân đội Nga đã hứng chịu sau gần 6 tháng tham chiến tại Ukraine hay đang chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô lớn?

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chien-su-nga-ukraine-tam-diem-van-la-cuoc-chien-tieu-hao--i663878/