Chiến sự Libya: Tướng Haftar đứng khựng trước Tripoli

Tướng Khalifa Haftar một lần nữa đưa ra cam kết 'giương cao ngọn cờ chiến thắng' tại Tripoli, thủ đô của Libya.

Tướng Khalifa Haftar, chỉ huy của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) vừa qua đã gửi đi một đoạn thông điệp được phát sóng trực tiếp trên một kênh truyền hình địa phương khu vực phía Đông Libya hôm 24/7.

Đáng chú ý trong đó, tướng Haftar khẳng định: "Người dân và quân đội Libya sẽ sớm giương cao ngọn cờ chiến thắng ở trung tâm thủ đô (Tripoli). Chúng tôi đã giành chiến thắng trước những kẻ khủng bố, những kẻ cầm vũ khí chống lại nhân dân Libya và chúng tôi đang tiếp tục cuộc chiến chính nghĩa này. Tripoli sẽ sớm trở thành một thành phố an toàn và đất nước này sẽ được an toàn".

Tướng Haftar nhấn mạnh: "Nhiệm vụ duy nhất của LNA là đảm bảo rằng đất nước này sẽ không có một mảnh đất cho bất cứ tên khủng bố nào đặt chân lên".

Tuy nhiên, những tuyên bố của tướng Haftar cho thấy chiến cuộc tại Tripoli đã không được như mục tiêu mà ông đề ra.

Hồi tháng tư, chiến sự giữa LNA và lực lượng quân sự của Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) - được Liên Hợp Quốc công nhận chính thức nổ ra.

Chiến sự bên ngoài ngoại ô Tripoli

Chiến sự bên ngoài ngoại ô Tripoli

Đầu tháng 5/2019, tướng Haftar nhấn mạnh sẽ chiếm lại toàn bộ Tripoli, thành trì cuối cùng của GNA trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo (kết thúc vào đầu tháng 6/2019).

Song cho đến hiện tại, chiến sự Tripoli vẫn rất khắc nghiệt và chưa cho thấy mục tiêu của Tướng Haftar về việc lật đổ hoàn toàn chính phủ GNA sẽ sớm thực hiện.

Trong cuộc chiến này, quân đội LNA kể từ khi bắt đầu chiến dịch vào đầu tháng tư đã có những bước tiến thần tốc khi chiến trường chủ yếu tập trung vào chiến địa sa mạc, đồi núi, làng mạc ven đô. Nhưng bước tiến của LNA bắt đầu bị cản lại ở ngoại ô Tripoli, khi các nhánh quân bắt đầu tiến vào cửa ngõ của thành phố này.

Tháng 5/2019, Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj, nhà lãnh đạo của GNA tuyên bố trên sóng truyền hình: "Cuộc chiến của GNA với nhóm khủng bố tự xưng là quân đội quốc gia LNA đã bước sang một giai đoạn mới. Chúng tôi đang bị bao vây bởi thế lực độc tài man rợ của tướng Haftar, nhưng chúng tôi sẽ giành giật từng tòa nhà, từng khu phố".

Kể từ đó, LNA không có nhiều tiến bộ trong các hoạt động tấn công của mình. Họ có năng lực của không quân, thậm chí, LNA còn được không quân của UAE, Ai Cập bí mật giúp sức. Còn có tin đồn không quân Pháp đã huy động máy bay không người lái hỗ trợ các mặt đất của LNA.

LNA có sức mạnh của các dòng xe chiến đấu bộ binh hiện đại, bao gồm xe tăng, xe thiết giáp, phần lớn được quân đội Ai Cập tài trợ. Trong khi phía đối diện, GNA không có không lực, không có vũ khí bộ binh hiện đại bởi nhiều luật cấm sở hữu vũ khí mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên chính quyền này.

Như vậy, sức tấn công đánh càn dưới mặt đất phối hợp với yểm trợ không lực của LNA là rất đáng kể, song họ vẫn chưa thể sớm giải quyết bài toán đối đầu trong đô thị. Lúc này có thể thấy rằng lối đánh sử dụng vũ khí hỏa lực mạnh, đánh trực diện không phù hợp trong việc tác chiến với địa hình đô thị.

Dân quân của GNA chiến đấu trong một lô cốt phòng thủ chống càn

LNA đã phá sản chiến lược "nhanh như chớp" do đích thân tướng Haftar đề ra và đang phải lúng túng ứng phó trước cách đánh du kích lợi dụng địa hình địa vật của phe GNA.

Tuy nhiên, vẫn còn một hướng kiến giải khác về lợi thế mà GNA đang có được. Nếu LNA được nhiều quốc gia Bắc Phi và vùng Vịnh, thậm chí cả Pháp, Nga âm thầm hậu thuẫn thì GNA đang phải chiến đấu bằng cách sử dụng năng lực nội tại và đoàn kết các nhóm dân quân Tây và Tây bắc Libya.

Chuyên gia Alaeddin Saleh, thuộc phái đoàn giám sát đặc biệt Libya (SMM Libya) đã chỉ ra rằng GNA nhận được sự hậu thuẫn to lớn từ các nhóm dân quân đang kiểm soát các khu vực phía Tây, Nam và Tây Bắc Libya.

Saleh chỉ ra rằng sau khi đại dịch khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS kết thúc tại quốc gia này, Haftar là một trong những nhóm phiến quân nổi dậy và đã thâu tóm hàng loạt khu vực khác, dẫn đến việc kiểm soát hoàn toàn miền Đông quốc gia này lấy thủ phủ là Benghazi.

"Tất nhiên họ có sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài. Ai Cập, UAE, Arab Saudi và một loạt quốc gia khác muốn Haftar án ngữ ở miền Đông Libya. Điều này giúp cho làn sóng khủng bố cũng như tị nạn không đổ xô vào các quốc gia thuộc thế giới Ả Rập này" - Saleh nhận định.

Dân quân Libya tham gia vào hàng ngũ chiến đấu của GNA

Tuy nhiên, không chỉ có Haftar, còn nhiều nhóm dân quân khác đang tự do phát triển thế lực và chia nhau cát cứ quốc gia này. Quân đội LNA ngày càng phát triển với mục tiêu diệt toàn bộ các nhóm chống đối và thống nhất quyền kiểm soát Libya.

Còn GNA có phần buông lỏng và chỉ quản lý từ xa với các lực lượng nổi dậy khác. Thậm chí, nhiều đại diện của các nhóm dân quân có vị trí nghị sĩ hay là thành viên trong nội các của GNA.

Vì thế, phối hợp với GNA chống lại LNA là định hướng tất yếu của lực lượng dân quân. Cuối năm 2018, các nhóm mạnh nhất đã thành lập một liên minh, gọi là Lực lượng bảo vệ Tripoli. Liên minh này tạo thành nòng cốt của lực lượng thân GNA và có tính chiến đấu rất cao.

Alaeddin Saleh nhận định: "Nói một cách khác, GNA đã có cách ứng xử đối nội khôn khéo và tập hợp được một lực lượng đông đảo những nhóm vũ trang khác trên toàn quốc giúp đỡ mình. Còn LNA theo đuổi con đường quân sự hóa mạnh mẽ và không để ra cơ hội tồn tại cho các nhóm đối lập.

Vì thế, không có ý tưởng nào cho thấy có cơ hội cho một cuộc đàm phán, đình chến. Cuộc chiến có thể sẽ tiếp tục cho đến khi một trong hai phe bị đánh bại hoặc tự thừa nhận thất bại.

Nhưng trong hoàn cảnh dai dẳng hiện tại, hồi kết cho nội chiến Libya sẽ là cả một chặng đường dài".

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chien-su-libya-tuong-haftar-dung-khung-truoc-tripoli-3384440/