Chiến sĩ văn hóa mang quân hàm xanh thích ứng với cuộc chiến mới

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP có vai trò như những 'sứ giả văn hóa' đồng hành với các miền biên cương, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời hun đúc tình yêu quê hương đất nước, tô thắm bản sắc dân tộc. Xã hội càng trải qua nhiều biến động thì vai trò đó càng được phát huy hiệu quả, chưa kể ở các mặt trận an ninh phi truyền thống như phòng, chống dịch Covid-19, các chiến sĩ văn hóa mang quân hàm xanh lại có cơ hội đóng góp sức mình cho cuộc chiến mới.

Bức ảnh đoạt giải Ba hạng mục ảnh cổ động Cuộc thi ảnh “Việt Nam - những ngày không quên” của Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn.

Bức ảnh đoạt giải Ba hạng mục ảnh cổ động Cuộc thi ảnh “Việt Nam - những ngày không quên” của Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn.

Trong cuộc thi bình chọn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 mang tên “Việt Nam những ngày không quên” do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức cuối năm 2020, Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn, cán bộ huấn luyện chó nghiệp vụ của Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh đoạt giải Ba với tác phẩm ảnh có nội dung chiến sĩ Biên phòng chống dịch trên chốt gác đường biên. Việc một quân nhân trẻ đam mê nhiếp ảnh đoạt giải trong một cuộc thi ứng dụng văn hóa nghệ thuật vào công tác chính trị được coi là thành công của cuộc thi khi thu hút được sự tham gia của chính những chiến sĩ văn hóa thông tin ở những vùng xa xôi biên cương, hải đảo. Họ không chỉ hưởng ứng mà còn lan tỏa thông điệp chống dịch nhanh và hiệu quả nhất.

Hiện nay, Quốc Toàn đang sở hữu nhiều bộ ảnh với chủ đề sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số sinh sống trên miền biên cương nơi anh đã từng đóng quân. Những ngày tháng 2 lịch sử, khi các đoàn công tác dâng hương tưởng niệm liệt sĩ; cựu chiến binh và người dân, khách du lịch thăm di tích lịch sử Pò Hèn, Quốc Toàn đều ghi lại bằng những bức ảnh mang cảm xúc linh thiêng, tự hào. Ngoài giá trị thông tin - tuyên truyền, ảnh của Quốc Toàn có tinh thần trong sáng, chất lính và chân thực đúng như cuộc sống hằng ngày mà anh và các đồng đội đang trải qua.

Với yêu cầu mới của mặt trận văn hóa tư tưởng, chuyển hình thức tuyên truyền văn hóa từ trực tiếp sang trực tuyến, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Liên hoan văn nghệ với chủ đề “Lời ca dâng Đảng” trong tháng 2 vừa qua. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân viên VietinBank tại 44 tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo đã sản xuất các phim ngắn ca nhạc gửi về để dự thi. Các tác phẩm đều gây ấn tượng với công chúng vì giá trị nghệ thuật, đồng thời truyền tải thông điệp tình yêu quê hương đất nước, có tác dụng hiệu triệu toàn quân, toàn dân hướng về Đảng.

Những người lính xưa nay vốn có nhiều “tài lẻ”, cách thường gọi những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu sáng tác, trình diễn trong các bộ môn nghệ thuật. Trong cuộc sống, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, họ là những hạt nhân văn hóa - văn nghệ khiến cho đời sống quân ngũ trở nên thi vị, đầy màu sắc. Trải qua thực tiễn đồng hành với các miền biên giới, hải đảo trong xây dựng đời sống văn hóa mới, giai đoạn xã hội thông tin phát triển, càng cho thấy vai trò của người lính trên mặt trận văn hóa. Không ít những người lính phụ trách luôn việc viết, vẽ các pano, áp phích, biển bảng tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ, biểu diễn nhạc cụ, chụp ảnh, quay phim tuyên truyền.

Áp dụng quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Tư lệnh BĐBP, việc tổ chức hội diễn tuyên truyền văn hóa của BĐBP quy mô vùng miền cũng là một kênh duy trì và phát triển văn hóa thông tin cơ sở. Cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm Biên phòng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 cho hay, nhờ quen thuộc với các vở kịch thông tin - một loại hình tuyên truyền bằng văn nghệ sân khấu nên khi bắt tay vào xây dựng các tình huống tuyên truyền chống dịch Covid-19, mặc dù chưa có tiền lệ nhưng mọi việc trở nên dễ dàng khi tiếp cận. Đặc biệt là có sự phối hợp giữa cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm Biên phòng với cán bộ văn hóa cơ sở trong nhiều tình huống cụ thể ở khu vực biên giới.

Kết quả là các tình huống tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh ở biên giới thực sự có hiệu quả. Đối với đặc thù vùng sâu, miền núi và hải đảo chưa phổ cập internet và thiết bị đầu cuối toàn bộ thì cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn phải có mặt tận nơi, đi từng nhà, tuyên truyền từng người chủ trương, biện pháp chống dịch.

Ngay khi dịch bệnh xuất hiện, đối với các vùng dân cư giáp biên giới, công tác tuyên truyền đã được đưa lên hàng đầu. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP dùng loa lưu động gắn vào xe máy rồi tự lên kịch bản, đề cương, đọc trực tiếp rồi thu âm lại mang đi khắp các khu vực dân cư hẻo lánh xa xôi để tuyên truyền phòng, chống dịch. Ngạc nhiên hơn nữa là những kỹ thuật khó về xử lý âm thanh, nội dung tuyên truyền do chính những cán bộ chính trị ở các đồn Biên phòng đảm nhiệm. Cứ “tự biên - tự diễn” như thế nhưng trải qua nhiều đợt căng thẳng vì dịch bệnh, đồng bào và nhân dân biên giới vẫn yên tâm lao động sản xuất, đề cao ý thức chống dịch hơn rất nhiều dân cư ở các khu vực thành thị vốn thừa thãi nhưng khủng hoảng thông tin.

Chiến sĩ BĐBP Lai Châu vẽ tranh cổ động. Ảnh: Kim Nhượng

Có thể nói, công sức của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên mặt trận văn hóa không chỉ một giai đoạn, một thời điểm mà còn phát huy hiệu quả dài lâu trong công cuộc ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, vun đắp cộng đồng dân cư văn hóa đoàn kết. Lính Biên phòng xứng đáng là những “sứ giả văn hóa”, giải trừ tiêu cực xã hội.

Sau hiệu quả thiết thực này, công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tư lệnh BĐBP đến năm 2022 với việc làm cụ thể nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân biên giới, hải đảo đã có một cái nhìn mới về văn hóa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không phải mọi thứ cứ phải kỹ thuật tinh xảo, thiết bị hiện đại thì công tác tuyên truyền mới hiệu quả. Mấu chốt nằm ở việc phát hiện và vun đắp những hạt nhân có tài năng nghệ thuật, tôn vinh những con người có tình yêu sâu sắc với biên cương. Chính họ sẽ lan tỏa tình yêu ấy ra cộng đồng, ra công chúng bằng tác phẩm của mình, việc làm của mình.

Đảng và Nhà nước ta tạo mọi điều kiện để các vùng miền thúc đẩy văn hóa, tăng cường cơ chế cho thế hệ trẻ tiếp thu văn hóa và làm giàu cho quê hương mình, trong đó xây dựng nông thôn mới là một chủ trương quan trọng. Chính vì vậy, vai trò của các cá nhân ưu tú trong tuyên truyền văn hóa càng được đề cao, trong đó các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã tự vun đắp hình ảnh của mình trở nên tin cậy, thân thương.

Ở mỗi vùng quê, dù ở miền núi hay bờ biển, hải đảo, người lính mang quân hàm xanh đều là điểm tựa giải đáp pháp luật, văn hóa, thậm chí là những người tạo nên xu hướng, bảo tồn văn hóa và phát huy giá trị của các di sản tinh thần. Song hành với tiến trình phát triển văn hóa xã hội ở các địa phương, BĐBP cùng với ngành văn hóa, du lịch thường xuyên phối hợp đề ra cơ chế thông thoáng thuận lợi cho phát triển toàn diện văn hóa, kinh tế, xã hội tại các vùng biên giới, biển đảo.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-si-van-hoa-mang-quan-ham-xanh-thich-ung-voi-cuoc-chien-moi-post437590.html