Chiến sĩ tuyến đầu chống dịch: 'Bố bị tai biến, tôi không thể về chăm sóc'

Tham gia chống dịch ở khu cách ly huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được 1 ngày thì Đại úy Nguyễn Văn Nhã nhận được tin bố bị tai biến nhưng anh không thể về chăm sóc ông.

Khu cách ly tập trung Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) là nơi chăm sóc, theo dõi cho khoảng 400 người thuộc trường hợp F1, phần lớn là người thân, thường tiếp xúc gần với các ca mắc COVID-19 ở ổ dịch xã Mão Điền.

Lực lượng công an, quân đội, nhân viên y tế ở đây hàng ngày phải căng mình lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo an ninh, chống lây chéo và đáp ứng các nhu cầu cần thiết của người vào cách ly.

Bố lâm bệnh, con không thể về thăm

Chiều 12/5, khu cách ly tập trung Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân đón khoảng 40 trường hợp F1. Để chuẩn bị cho việc đón người dân đến cách ly y tế, các đội ngũ cán bộ phải chuẩn bị từ sáng.

Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn, bộ đội, công an, dân quân thì tất bật chuẩn bị phòng ở, chăn màn, đồ dùng thiết yếu để khi người dân đến, làm xong thủ tục có thể nhận đồ dùng và về phòng cách ly luôn, tránh tập trung đông người.

Giữ trời nắng nóng gần 40 độ C, lực lượng tuyến đầu chống dịch khoác lên mình bộ đồ bảo hộ màu trắng, kín mít, tất bật với công việc của mình. Không tiếng nói cười, hỏi han, thỉnh thoảng họ chỉ khẽ vội gật đầu khi đi lướt qua nhau. Không khí làm việc rất khẩn trương ở nơi tâm dịch của Bắc Ninh.

 Những người F1 được phun khử khuẩn trước khi vào khu cách ly .

Những người F1 được phun khử khuẩn trước khi vào khu cách ly .

Tranh thủ giữa giờ nghỉ trưa, Đại úy Nguyễn Văn Nhã, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện Thuận Thành dành ít phút trò chuyện với PV VTC News. Đại úy Nhã cho biết, đây là lần thứ 3 anh tham gia vào lực lượng chống dịch. Hai lần trước anh thực hiện nhiệm vụ ở các chốt kiểm dịch, đợt dịch này, anh được cấp trên phân công về khu cách ly tại Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân.

Anh Nhã kể, những ngày đầu nhận nhiệm vụ ở khu cách ly, anh và các đồng nghiệp gần như kiệt sức vì phải tiếp nhận người bệnh cả ngày lẫn đêm, luôn đối diện với nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Nói rồi, anh vội lấy tay lau mồ hôi lấm tấm trên trán rồi tiếp tục câu chuyện.

Không riêng gì anh Nhã mà các lực lượng khác cũng luôn lo lắng không biết mình có bị nhiễm hay không. Tuy nhiên, anh luôn được gia đình, người thân ủng hộ công việc của mình.

Đại úy Nguyễn Văn Nhã, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Dù xác định cuộc chiến phòng, chống dịch còn dài, anh Nhã luôn tâm niệm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, gia đình xin nhờ hậu phương chăm sóc. Nhưng vị đại úy Nhã không ngờ, ngày thứ 2 anh tham gia chống dịch ở khu cách ly thì bố anh ở nhà lâm trọng bệnh.

"Tôi đang trực thì ở nhà gọi điện báo bố tôi bị tai biến mạch máu não phải đi cấp cứu. Nghe xong tôi rất lo lắng. Tôi có báo cáo lại chỉ huy đơn vị và được lãnh đạo trực tiếp động viên.

Tôi là con trưởng, sống cùng bố mẹ, bình thường mọi việc trong nhà vợ chồng tôi đều quán xuyến nhưng do tôi đang thực thi nhiệm vụ ở vùng dịch, không thể về nhà chăm sóc bố được nên phải nhờ mẹ và vợ cùng anh em, họ hàng trông nom", anh Nhã ngậm ngùi chia sẻ.

Là con trai cả nhưng khi bố lâm bệnh lại không thể về nhà tận tay chăm sóc đấng sinh thành, khiến lòng anh luôn day dứt. Anh chỉ có thể tranh thủ lúc không trực để gọi điện, hỏi thăm, nghe được giọng của bố, biết ông sức khỏe đã khá hơn anh mới yên tâm.

Đại úy Nhã chia sẻ, do tình hình dịch bệnh nên theo quy định của bệnh viện, chỉ có mẹ anh được ở lại chăm sóc chồng. Vợ anh phải nghỉ làm ở nhà trông coi, chăm sóc các con do học sinh cũng đang nghỉ học để phòng dịch.

"Ngay từ lúc đầu tôi xác định cùng với cơ quan, đơn vị vào đây thực hiện nhiệm vụ. Bản thân tôi cùng với anh em sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, công việc gia đình ở nhà đã có người lo rồi, mình cũng yên tâm công tác", người đàn ông mặc áo lính vừa tỏ ra cứng rắn vừa chớp đôi mắt đỏ hoe để cố ngăn sự xúc động.

Những ngày này, danh sách các ca bệnh ở Bắc Ninh mỗi ngày lại dài thêm, mỗi khi có thêm F1 đến cách ly, lòng anh Nhã lại nặng trĩu, lo cho người dân và cũng đau đáu không biết đến bao giờ mình mới có thể trở về nhà, thăm bố và gia đình.

Có thể thành F0 bất cứ lúc nào

Trong lúc chờ xe ô tô đưa người dân đến, một số nhân viên y tế ngồi bệt xuống dưới nền đất, đây là những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của họ trong suốt cả ngày dài làm công tác chống dịch.

Nữ nhân viên y tế tranh thủ nghỉ ngơi trước khi đón người dân vào khu cách ly.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành) có dáng người nhỏ nhắn, làn da trắng, ánh mắt lúc nào cũng lấp lánh sau lớp tấm kính chăn giọt bắn.

Khi nhắc đến Nguyệt, cả lãnh đạo huyện Thuận Thành và chỉ huy của khu cách ly Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân đều dành những lời khen ngợi cho nữ bác sĩ trẻ, đầy nhiệt huyết.

Nguyệt kể, khi đại dịch ập tới quê nhà, chị liền viết đơn tình nguyện xin được đi tuyến đầu chống dịch.

"Người nhà, bạn bè rất lo lắng, khuyên ngăn tôi không nên vào tâm dịch nhưng thật ra mình là bác sĩ trẻ thì càng phải xông pha. Tôi là người có chuyên môn, hiểu và biết cách để phòng, chống dịch, tôi đi đầu để mọi người biết, mọi thứ cần bình tĩnh, cũng không nên lo lắng quá. Đội ngũ cán bộ chống dịch đang phối hợp cố gắng trong thời gian ngắn nhất để dập dịch, an toàn cho người dân", chị Nguyệt cho hay.

Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành.

Kể về công việc hàng ngày của mình, chị Nguyệt cho biết, huyện Thuận Thành đang là ổ dịch, những người được đưa vào cách ly tập trung hầu hết là F1, tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, nguy cơ lây cho cán bộ y tế rất cao.

"Bố mẹ lo cho tôi, gọi điện hỏi trong đó có an toàn không, tôi bảo với bố mẹ 'con có vấn đề gì đâu, bố mẹ cứ yên tâm'. Nhưng khi vào đây chúng tôi đều xác định mình sẽ trở thành F0 bất cứ lúc nào. Chúng tôi chỉ cố gắng làm sao để không lây lan cho người khác thôi, chứ lúc nào tôi cũng xác định mình là F0", chị Nguyệt nói.

Nữ bác sĩ mặc bộ đồ bảo hộ kín mít làm thủ tục cho các bệnh nhân F1 vào khu cách ly.

Nữ bác sĩ kể, khi mới vào khu cách ly người dân đều hoang mang, lo lắng. Vì vậy, chị cùng các nhân viên y tế phối hợp với công an, bộ đội vừa phải đảm bảo về cơ sở vật chất để người dân sinh hoạt thuận lợi, vừa động viên trấn an tinh thần để họ yên tâm cách ly, tránh sự lây chéo giữa các phòng.

Đồng thời, các y bác sĩ cũng theo dõi tâm tư nguyện vọng của người dân, ví dụ các cháu nhỏ thì ăn cháo, sư thầy thì ăn chay. Chị Nguyệt và đồng nghiệp luôn cố gắng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ.

"Chúng tôi ở đây không có khái niệm ngày và đêm, không có mốc thời gian bắt đầu công việc mỗi ngày bởi lúc nào cũng sẵn sàng 24/24. Khi bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, khó chịu, đau mỏi thì chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Chúng tôi gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Mùa hè nóng bức nhưng không được cởi đồ bảo hộ bởi nguyên tắc vô trùng. Có hôm tôi mặc đồ bảo hộ từ 16h đến 23h đêm mới được cởi ra để uống chút nước. Thậm chí trước khi mặc đồ bảo hộ, nhân viên y tế phải tranh thủ đi vệ sinh. Những ngày này thời tiết nóng nực, khi cởi đồ bảo hộ ra, quần áo, giầy dép ướt sũng mồ hôi.

Nhiều lúc chúng tôi cũng muốn gục ngã vì quá kiệt sức nhưng vì trách nhiệm người làm công tác y tế, giữa thời điểm nước sôi lửa bỏng thì mình phải cố gắng thôi...", chị Nguyệt tâm sự.

Trong những ngày cao điểm phòng chống đại dịch, những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 như Đại úy Nhã, bác sĩ Nguyệt gác lại trách nhiệm với người thân và gia đình, hạnh phúc riêng tư để giúp người dân đẩy lùi đại dịch.

Họ, những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch làm việc tận tụy, trách nhiệm, không ngại hiểm nguy, vất vả, chỉ mong đất nước sạch bóng COVID-19 để người dân được trở về với nhịp sống thường ngày, yên tâm tăng gia sản xuất.

Minh Tuệ - Văn Chương

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chien-si-tuyen-dau-chong-dich-bo-bi-tai-bien-toi-khong-the-ve-cham-soc-ar612070.html