Chiến sĩ mới làm 'ảo thuật gia'

Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) luôn trầm trồ, thán phục tài năng làm ảo thuật của chiến sĩ mới Hà Đình Thịnh ở Trung đội 12, Đại đội 4, quê ở xã Ngọc Phụng (Thường Xuân, Thanh Hóa).

Thịnh đã biểu diễn nhiều tiết mục ảo thuật cho mọi người xem như: Biến khăn thành chim bồ câu, biến gậy thành chiếc ô, đưa điện thoại vào trong chai nhựa, rút đúng lá bài khán giả đã chọn hay ghép những chiếc vòng lại với nhau… Nhìn Thịnh biểu diễn rất chuyên nghiệp với các dụng cụ trên tay, trong giây lát anh thể hiện thành công các màn ảo thuật nên mọi người đặt cho anh biệt danh là Thịnh “ảo thuật gia”.

Gặp chúng tôi, Thịnh kể: “Em đến với nghề ảo thuật rất tình cờ. Mùa hè năm 2014, ở xã có hội chợ, ban ngày họ bán hàng, tối đến biểu diễn ca nhạc, múa, xiếc và ảo thuật. Tối nào em cũng xem, từ đó thần tượng các anh chị trong đoàn ảo thuật. Những ngày sau đó, em lân la gặp gỡ mọi người để học, nhưng học được mấy hôm thì hội chợ kết thúc. Từ đó, em tìm sách báo, tài liệu trên internet về đọc, mở youtube xem các màn ảo thuật, rồi làm theo các trò đơn giản, càng học em càng mê. Để làm được những màn ảo thuật phức tạp, em xin tiền gia đình đăng ký học tại các câu lạc bộ ảo thuật trên huyện và tỉnh Thanh Hóa”. Cũng theo Thịnh, để trở thành một ảo thuật gia thực thụ, ngoài một phần nhỏ về năng khiếu thì người chơi phải có đam mê, vì ảo thuật là sự kết hợp của nhiều thứ đơn giản lại với nhau, và người nào kiên nhẫn kết hợp từng cái đơn giản đó sẽ có những màn biểu diễn hay. Bên cạnh đó cần sự đầu tư nhiều về đạo cụ và các tiết mục lớn phải có người hỗ trợ.

 Hà Đình Thịnh biểu diễn ảo thuật phục vụ đồng đội.

Hà Đình Thịnh biểu diễn ảo thuật phục vụ đồng đội.

Được biết, sau gần hai năm khổ luyện, Thịnh đã có ít vốn liếng về “nghề ảo thuật”. Trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, liên hoan ở thôn, xã, Thịnh đến biểu diễn miễn phí cho người dân xem. Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều người biết đến Thịnh hơn. Từ đó, sau những giờ học văn hóa ở trường, Thịnh đã nhận các “show diễn” trên huyện, trên tỉnh để vừa trau dồi kiến thức và kỹ năng, vừa quảng bá khả năng ảo thuật của mình. Học hết lớp 12, Thịnh không thi vào đại học mà quyết tâm theo nghề ảo thuật. Khi được các đoàn ảo thuật ở Hà Nội mời về cộng tác thì những chuyến biểu diễn của Thịnh ngày càng nhiều và cho thu nhập khá.

Khi chúng tôi hỏi tại sao không tiếp tục theo nghề mà lại quyết định nhập ngũ, Thịnh tâm sự: “Thực hiện nghĩa vụ quân sự là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Do vậy, khi có giấy đi khám và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, em rất vui mừng. Trong ba lô của em ngoài quân tư trang còn có đồ nghề làm ảo thuật. Đến giờ nghỉ giải lao hay ngày nghỉ, sinh nhật đồng đội em lại biểu diễn ảo thuật cho cán bộ, chiến sĩ xem, đây cũng là cách mình rèn luyện nghề”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Trần Xuân Toàn, Chính trị viên Đại đội 4, cho biết: “Nhập ngũ đợt này có nhiều đồng chí chiến sĩ mới có tài lẻ, nhưng biết làm ảo thuật thì chỉ có đồng chí Thịnh. Mỗi lúc Thịnh biểu diễn luôn mang đến tiếng cười rộn rã, xua tan những mệt mỏi sau giờ huấn luyện căng thẳng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần ở đơn vị”.

Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/chien-si-moi-lam-ao-thuat-gia-569135