Chiến sĩ biên phòng căng mình gìn giữ biên cương

SPL - Nơi biên cương đất nước, mỗi cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh đang ngày đêm góp sức mình đẩy lùi dịch bệnh, tội phạm, gìn giữ bình yên cho Nhân dân.

Lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang đi tuần tra. (Ảnh: BĐBP Kiên Giang)

Lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang đi tuần tra. (Ảnh: BĐBP Kiên Giang)

Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện đơn vị quản lý 14 km đường biên giới trên bộ và 26 km tuyến biển. Riêng tại khu vực cửa khẩu luôn có khoảng 26 chiến sĩ túc trực đến 23 giờ hàng ngày để cùng với các đơn vị chức năng làm công tác tiếp nhận, cách ly đối với công dân Việt Nam về nước.

Thế nhưng, người dân vẫn còn tâm lý lo ngại do có tin đồn thất thiệt rằng sẽ phải chịu chi phí khá cao để được cách ly tập trung nên mới phát sinh tình trạng nhập cảnh trái phép theo các đường mòn, lối mở ở đôi bên cánh gà thuộc khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên.

Chiến sĩ bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) dán thông báo chốt Biên phòng hướng dẩn người Việt Nam ở nước ngoài vào tại cửa khẩu. (Ảnh: BĐBP Kiên Giang)

Phải chống chọi với cái giá lạnh vùng biên nhưng không làm nao núng những chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm túc trực ngăn chặn tình trạng người nhập cảnh trái phép cũng như chống buôn lậu.

Không giấu nỗi mệt nhọc sau rất nhiều ngày liên tục phải thức cùng chiến sĩ canh giữ từng tuyến đường biên, trung tá Nguyễn Văn Tùng ngập ngừng chia sẻ: “Thời tiết ở vùng biên này thật sự là khắc nghiệt vì ngày nắng nóng như cháy da cháy thịt nhưng đêm xuống thì vô cùng lạnh lẽo. Có nhiều đêm anh em phải căng thêm tấm bạt phía trước chốt canh để ngăn bớt gió lùa từ biển vào hoặc từ bên kia biên giới sang. Muỗi và côn trùng cũng thì nhiều vô số kể do ở đây vẫn còn nhiều ao tù nước đọng. Chúng tôi không ngại khó khăn gian khổ nhưng mong người dân địa phương không được tiếp tay cho buôn lậu hay nhập cảnh trái phép để giữ bình yên cho quê hương đất nước trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay”.

Đang lái xe tuần tra qua các nẻo đường biên trong đêm tối mịt mù, thượng úy Huỳnh Minh Hùng tâm sự với từng câu đứt đoạn giữa chừng do xe liên tục vấp “ổ gà”: “Tôi tham gia lái xe trong ngành đã được 22 năm rồi nhưng chưa bao giờ vất vả như thời điểm này. Bắt đầu từ 18 giờ hằng ngày, tôi phải lái xe chở cán bộ, chiến sĩ đi tuần tra liên tục qua các cung đường ven biên cho đến sáng hôm sau mới được nghỉ ngơi để lấy lại sức. Có khi “mùi” quá thì tôi ngã lưng ra phía sau rồi nhắm mắt đỡ được 5-10 phút để tiếp tục hành trình. Mình lái xe liên tục như thế là để cho những người muốn vượt biên hoặc vận chuyển hàng lậu thấy vậy mà từ bỏ ý định thôi. Cho nên, dù có vất vả đến mấy thì tôi cũng quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Khi xe dừng lại tại chốt chính số 27 trên tuyến biên giới thuộc khu vực Đường Xuồng thuộc khóm Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên thì cũng là lúc nhiều chiến sĩ đang canh trực nơi đây nhóm lửa để sưởi ấm. Tiếp chuyện với chúng tôi, trung úy Lê Văn Trí (Đội Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Kiên Giang) liên tục se đôi bàn tay lại với nhau rồi rung rung nói: “Biết chắc thời tiết rất lạnh về đêm nên anh em trong chốt cử người đi tìm củi từ rất sớm để đêm xuống cả nhóm rồi quây quần sưởi ấm. Bản thân em đêm nào cũng mặc đến 3 lớp áo nhưng cũng không đủ ấm nếu như không có đống lửa như thế này. Em được đơn vị điều động về khu vực biên giới này cũng đã tròn một năm để hỗ trợ cho các anh bên biên phòng trong công tác chống người nhập cảnh trái phép cũng như chống buôn lậu. Tuy có vất vả nhưng tụi em xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu nên phải gác lại những chuyện tình cảm riêng tư hay gia đình để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Các chiến sĩ phải đi chở từng can nước về chốt để sử dụng.

Tiếp lời lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, trung úy Nguyễn Sư Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ (gọi tắt Trạm Sa Kỳ) cho biết đơn vị quản lý các chốt từ mốc 308 đến mốc 311 với 15 chốt chính kiểu nhà tiền chế và 4 chốt phụ được dựng lên bằng tre lá.

Do xác định đây là điểm nóng nhất về tình trạng buôn lậu và nhập cảnh trái phép nên Trạm Sa Kỳ vừa được bổ sung gần 40 chiến sĩ cùng với 26 cảnh sát cơ động của tỉnh Kiên Giang điều động về hỗ trợ. Bởi trước đây, bà con ở khu vực này thường xuyên qua lại biên giới để thăm nom họ hàng nhưng từ khi có dịch Covid-19 xảy ra thì hoạt động này không còn nữa.

Tuy nhiên, điều mà những người lính biên phòng lo ngại nhất chính là bọn buôn lậu luôn rình rập bên kia biên giới. Họ có cả nhiều nhóm người làm nhiệm vụ canh đường và sẵn sàng tấn công lại lực lượng chức năng để giành giật lại hàng.

Lực lượng Biên phòng tuần tra trên tuyến biên giới. (Ảnh: BĐBP Kiên Giang)

Gác lại tình riêng, dẫn chúng tôi men theo con đường đất vừa được san lấp để phục vụ công tác tuần tra, trung úy Long nói rằng ở đây vẫn còn 2 chốt thường xuyên bị nước biển dâng lên gây ngập nên nhiều chiến sĩ chỉ có thể mắc võng nằm đỡ sau những ca trực mệt mỏi. Đối với những đoạn vừa được san lấp thì trở nên lầy lội mỗi khi mưa xuống.

Trong khi đó, cách biên giới khoảng vài trăm mét là những vạt rừng dừa đước um tùm và đồng năn ngút ngàn cũng gây khó khăn cho chiến sĩ vì bị che khuất tầm nhìn. Lợi dụng đêm tối hoặc trời mưa mù mịt, những đối tượng vận chuyển hàng lậu thuê thường kéo các thùng hàng dưới nước rồi lặn trốn mỗi khi có đèn pha của lực lượng chức năng soi qua. “Nhiều chiến sĩ khi mới nhận nhiệm vụ đến đây đều có chút vấn đề về sức khỏe nhưng bằng sự quyết tâm nên tất cả rồi cũng quen dần. Đặc biệt, do khu vực này có rất nhiều trâu, bò thả rông qua biên giới tìm thức ăn nên mỗi chốt lúc nào cũng có 1 chiến sĩ phải ngồi suốt cả ngày canh giữ vì sợ có người có ý định nhập cảnh trái phép giả dạng là người chăn trâu, bò”- trung úy Long nói đùa.

Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên cho biết luôn bám rất sát tư tưởng cũng từng chiến sĩ nơi tuyến đầu nên động viên kịp thời để cũng nhau làm tròn trách nhiệm với quê hương đất nước. Tuy nhiên, đơn vị cũng mong muốn các doanh nghiệp cùng mạnh thường quân hỗ trợ cho các chiến sĩ về nhang muỗi, mì gói và một ít nhu yếu phẩm khác. Bởi ngoài 2 bữa cơm chính thì các chiến sĩ túc trực tại các chốt cố định không có gì để ăn thêm chống đói về đêm. “Khó khăn nhất hiện nay của chúng tôi vẫn là thiếu nguồn nước ngọt phục cho sinh hoạt cũng như ăn uống vì phần lớn khu vực này đều là nước phèn. Nhiều chiến sĩ phải sử dụng các loại can nhựa chở nước từ các trạm, đồn biên phòng đến để sử dụng. Có một số điểm có nguồn nước máy nhưng lại nằm ở cuối đường ống nên lượng nước chảy ra cũng chỉ mang tính nhỏ giọt. Tuy công tác hậu cần luôn được đảm bảo để anh em đủ sức chiến đưng cũng rất mong chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ cho chúng tôi những suất ăn tối với mì gói cùng với một số nhu yếu phẩm khác như nhang chống muỗi hay bộ áo mưa linh hoạt hơn”- trung tá Tùng chia sẻ.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cùng ngồi sưởi ấm với các chiến sĩ trong trong đêm giá lạnh.

Duy trì thực hiện thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vùng biển, bảo vệ rừng và phòng chống dịch Covid – 19. Từ đầu năm 2020 đến nay đơn vị đã tổ chức tuần tra được 3072 lượt/13.024 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia; phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia tổ chức tuần tra song phương 04 lần/96 lượt người tham gia (48 người Việt Nam, 48 người Campuchia); kết quả đường biên, cột mốc giữ nguyên hiện trạng.

Cùng với toàn quân, toàn dân chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã ngày đêm căng sức, là lá chắn vững chắc trên tuyến đầu ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả với dịch bệnh và tội phạm nơi biên cương.

Câu chuyện của các chiến sĩ ở Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên hấp dẫn nên chúng tôi chẳng ai muốn về. Nhưng cuộc gặp mặt nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Chúng tôi về, còn các anh - những người lính nơi biên cương lại tiếp tục hành trình thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biên giới của tổ quốc, tiếp tục làm “lá chắn” vững chắc để các y bác sĩ – những "chiến sĩ áo trắng" ở hậu phương yên tâm chống dịch.

Sẽ chẳng có đủ những ca từ nào để nói hết về những hi sinh của các anh - những người lính trên mọi miền tổ quốc và của những cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến vẫn còn gian nan này.

Khánh Thùy

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/chien-si-bien-phong-cang-minh-gin-giu-bien-cuong-16806/