Chiến lược vaccine nào cho VN sau làn sóng Covid-19 thứ 4?

Một số chuyên gia nhận định chiến lược vaccine của Việt Nam cần được đầu tư chủ động và bài bản hơn để đối phó với Covid-19 trong dài hạn.

Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử với 150 triệu mũi tiêm cho 70% dân số nhằm hình thành miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế cho biết. Chiến dịch được kích hoạt trong lúc Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, với TP.HCM, trung tâm kinh tế, là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong tọa đàm trực tuyến do Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) tổ chức ngày 19/6, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Quốc gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney, Australia - nhận định quá trình triển khai mua vaccine của Việt Nam còn chậm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - nói tại buổi tọa đàm: “Dù ban đầu có chiến lược tính toán, có tổ chức, Việt Nam đang rơi vào thế bị động trong quá trình tiếp cận vaccine”.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần một chiến lược đầu tư vaccine trong dài hạn, không chỉ cho Covid-19 mà nhiều dịch bệnh sau này.

 Việt Nam đang phải thay đổi cách tiếp cận khi chống dịch Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

Việt Nam đang phải thay đổi cách tiếp cận khi chống dịch Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

Vaccine vẫn đang nhỏ giọt

Nhằm sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, thời gian qua Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine.

Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và COVAX Facility - cơ chế thiết lập bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, từ khi bắt đầu có vaccine Covid-19, đa số quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, đều chọn cách triển khai chiến lược: nhà nước đóng vai trò chủ đạo tiếp cận với các tổ chức sản xuất vaccine; nhà nước đóng vai trò độc quyền để mua và cung cấp vaccine; trong nước thiết lập một danh sách ưu tiên và cung cấp theo đúng trình tự ưu tiên này cho người dân.

“Tại thời điểm đó, tôi đánh giá chiến lược này là hợp lý”, ông Thành nhận định bởi chiến lược này sẽ đảm bảo tính công bằng khi tiêm chủng theo nhóm ưu tiên, sau đó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua triển khai tiêm chủng đại trà.

Tuy vậy, ông nhấn mạnh rằng chiến lược này đang khiến Việt Nam rơi vào thế bị động trước những biến động trên thị trường vaccine toàn cầu. Các nước giàu hiện vẫn tích trữ vaccine sản xuất được, trong khi đó các hãng dược chưa đáp ứng cam kết hỗ trợ vaccine thông qua chương trình COVAX.

Ngày 1/6, Việt Nam mới nhận gần 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 từ COVAX, trong tổng số 38,9 triệu liều vaccine thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021.

“Số lượng vaccine theo đúng chương trình mà Việt Nam nhận được vẫn đang nhỏ giọt vào thời điểm dịch bùng phát”, ông Thành khẳng định.

Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng 3 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong quý 3. Ảnh: Chí Hùng.

Đến nay, mới có 2 lô vaccine của AstraZeneca từ chương trình COVAX về tới Việt Nam. Trong đó, lô đầu tiên của với 811.200 liều (về ngày 1/4) và lô thứ 2 với 1,682 triệu liều (về ngày 16/5).

Cũng tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh cho rằng “chúng ta đã hơi chủ quan khi tin tưởng hoàn toàn vào cơ chế COVAX”. Bà khẳng định COVAX ưu tiên cho các quốc gia có nhiều ca bệnh, trong khi Việt Nam đã kiểm soát thành công trong các đợt dịch trước, do vậy không nằm trong diện ưu tiên.

Việt Nam đã phê duyệt khẩn cấp 4 vaccine phòng Covid-19 là AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm và Pfizer. Bộ Y tế đặt mua 5 triệu liều của Moderna, 31 triệu liều của Pfizer, 20 triệu liều Sputnik V (Nga), 30 triệu liều từ AstraZeneca, 38,9 triệu liều từ chương trình Covax...

Đến ngày 3/6, Bộ Y tế cho biết đã đàm phán được 170 triệu liều trong năm nay.

Ngày 15/6, Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX.

Ngoài ra, từ nay đến hết quý 3, Việt Nam cũng sẽ nhận 2 triệu liều vaccine của AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua công ty VNVC. Bên cạnh đó, theo thông báo của Pfizer, trong quý 3, hãng dược này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vaccine, số còn lại sẽ tập trung trong quý 4 tùy tình hình thực tế.

Xây dựng chiến lược vaccine trong dài hạn

Theo thông tin của Bộ Y tế, hiện nay Bộ khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine Covid-19 vào Việt Nam, nếu có ủy quyền chính thức của nhà sản xuất.

Phân tích về một số khả năng gây tranh cãi trong chương trình tiêm chủng tương lai gần, ông Nguyễn Xuân Thành nêu vấn đề hai luồng đưa vaccine về Việt Nam, bao gồm luồng chính thức của nhà nước và luồng của các doanh nghiệp tư nhân.

Chuyên gia này cho rằng thứ tự đối tượng ưu tiên tiêm chủng được quy định trong văn bản pháp lý chỉ áp dụng với luồng chính thức của nhà nước. Còn đối với luồng tư nhân, người lao động cần chấp nhận sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau trong chương trình tiêm vaccine của riêng mỗi doanh nghiệp.

“Để tránh tranh cãi về sau, cần phải làm rõ nguồn vaccine tư nhân không cạnh tranh với nguồn vaccine chính thức. Không để xảy ra tình trạng lấy nguồn vaccine đáng nhẽ ưu tiên cho các đối tượng chính thức để tiêm cho các đối tượng tư nhân, vì nguồn này vốn để bổ sung thêm cho nguồn chính thức”, ông Thành nhấn mạnh.

Người dân nhận tư vấn trước khi tiêm chủng. Ảnh: Chí Hùng.

Tạm bỏ qua những vấn đề nổi cộm trước mắt để nhìn về một chiến lược vaccine dài hơn trong tương lai, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh khẳng định Việt Nam cần đầu tư bài bản vào chiến lược này.

Cụ thể, chính phủ cần đầu tư bền vững cho nghiên cứu khoa học để phát triển các loại vaccine mới. Một khi chế tạo vaccine thành công, cần có sẵn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đi kèm để có thể sản xuất vaccine nhanh chóng.

Chuyên gia này đề xuất nên tập trung đầu tư vào các công nghệ mới, như vaccine mRNA, hoặc các loại vaccine chỉ cần một liều nhưng phòng được nhiều bệnh.

“Vaccine mRNA là loại vaccine có hiệu quả rất cao, có thể phát triển vaccine trong khoảng thời gian ngắn, có khả năng mở rộng quy mô sản xuất cũng trong thời gian ngắn, điều chỉnh nhanh theo các biến chủng mới. Chúng ta nên tập trung vào những công nghệ này”, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh khuyến nghị.

Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia tại Mỹ (được công bố ngày 23/4 trên trang medrxiv.org), đối với những người được tiêm chủng đầy đủ ở nước này, các loại vaccine mRNA có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nhập viện và hiệu quả 98,7% trong việc ngăn ngừa ca tử vong liên quan đến Covid-19.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, một yếu tố khác cần được chú trọng là hệ thống giám sát bệnh dịch mới nổi. Ngoài giám sát ca bệnh, hệ thống này cần có năng lực để giải trình tự gene của vi khuẩn và virus gây bệnh. Từ đó ngành nghiên cứu khoa học và phát triển vaccine có cơ sở, căn cứ phát triển loại vaccine mới.

“Việc phát triển vaccine có tỷ lệ thất bại khá cao nên cần có chương trình đầu tư rất lớn, khuyến khích khối tư nhân tham gia và tiếp cận với đầu tư công để có thể phát triển được vaccine”, bà Thu Anh giải thích.

Hương Ly - Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-luoc-vaccine-nao-cho-vn-sau-lan-song-covid-19-thu-4-post1229117.html