Chiến lược SVIMM củng cố vị thế của Ấn Độ tại Đông Nam Á

Pankaj Jha, Giáo sư tại Khoa Quốc tế thuộc Đại học O P Jindal Global (Ấn Độ), mới đây có bài bình luận về vai trò của một số quốc gia Đông Nam Á trong chiến lược SVIMM (Singapore, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Malaysia) và tầm quan trọng của chiến lược này đối với chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặc biệt chú trọng đến Chính sách Hành động phía Đông. (Nguồn: IISS)

Nhiều kết quả cụ thể hơn

Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ thường được viện dẫn là sự tiếp nối của chính sách Hướng Đông, hướng đến hành động và kết quả cụ thể nhiều hơn. Có thể cảm nhận được hiệu ứng của sự thay đổi này này từ việc Ấn Độ ký kết các thỏa thuận đối tác chiến lược với Malaysia và Singapore cũng như đặt nền móng cho các sáng kiến mang định hướng kinh tế hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy tiến độ dự án Đường cao tốc 3 bên (Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan) dự kiến hoàn tất vào năm 2020 và Hàng lang kinh tế Mekong - Ấn Độ (MIEC). Tất cả nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư.

Ấn Độ cũng sẵn sàng hạ thấp hàng rào thuế quan trong nỗ lực trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhiều khả năng sẽ được ký kết vào cuối năm nay hoặc đầu 2020. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặc biệt chú trọng đến các khía cạnh mang lại kết quả và đã công du nhiều quốc gia tham gia khuôn khổ này trong nhiệm kỳ vừa qua của mình. Ông đã phê chuẩn việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam, Singapore và Malaysia và cũng như can dự với Indonesia một cách chủ động hơn thông qua những tương tác cá nhân với Tổng thống Indonesia Joko Widodo bên lề các diễn đàn quốc tế quan trọng.

Để theo đuổi các mục tiêu trong chính sách Hành động phía Đông và can dự với những bên tham gia then chốt ở Đông Nam Á, Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự tại quần đảo Andaman và Nicobar, và bổ nhiệm cựu Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc D K Joshi làm Phó Thống đốc vùng lãnh thổ này. Rõ ràng, những động thái này là nhằm phát huy tối đa tính hữu dụng của Andaman và Nicobar như một tiền đồn, cũng như để can dự đầy đủ với các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia nằm dọc sườn phía Tây khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Ấn Độ thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập hải quân với Singapore cũng như thực hiện các chuyến thăm các cảng thuộc Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam trong thời gian qua với tần suất ngày càng lớn.

Tàu Hải quân Ấn Độ INS Kolkata thăm cảng Cam Ranh, tháng 4/2019. (Nguồn: VnExpress)

Tại sao là SVIMM?

Như vậy, câu hỏi lớn hơn được đặt ra là tại sao lại là chiến lược SVIMM và vì sao Ấn Độ muốn theo đuổi chiến lược này để đáp ứng các mục tiêu chiến lược và kinh tế của mình?

Chiến lược SVIMM có một số mục đích cố hữu theo quan điểm của Ấn Độ. Singapore, Malaysia và Indonesia là những bên liên quan đến an ninh eo biển Malacca, và Ấn Độ muốn cung cấp thông tin và sự hỗ trợ cần thiết cho 3 nước này.

Trong khi đó, Myanmar và Việt Nam rất quan trọng đối với Ấn Độ bởi Myanmar là cửa ngõ vào lục địa Đông Nam Á, còn Việt Nam có vai trò trọng yếu về các mục đích quốc phòng và hoạt động thăm dò khí đốt của Ấn Độ ở Biển Đông.

Hơn nữa, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia cùng chí hướng khác đã triển khai các dự án ở Myanmar, và Ấn Độ muốn hỗ trợ và hợp tác với các nước này để chống lại sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Indonesia đang là một động lực thúc đẩy việc xây dựng sự đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này cũng gần với các tham vọng chiến lược của Ấn Độ.

Chiến lược SVIMM sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh 3 đối tác khác thuộc nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản và Australia) cũng đang cho thấy những dấu hiệu của việc triển khai các dự án hợp tác hình mẫu tại các nước trong khu vực này. Hàng lang kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đề xuất sẽ tích hợp các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á, và chiến lược SVIMM sẽ đóng vai trò như một cỗ máy thúc đẩy mục tiêu đó.

(theo Modern Diplomacy)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-luoc-svimm-cung-co-vi-the-cua-an-do-tai-dong-nam-a-96037.html