Chiến lược quốc gia phát triển ngành TN&MT giúp hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của ngành

(ĐCSVN) – Theo Bộ TN&MT, dự thảo đề cương Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 26 giải pháp thực hiện, trong đó các nhiệm vụ trong tâm tập trung vào hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường; phát triển hạ tầng kỹ thuật và thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường; tích cực và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Thủy Nguyễn)

Ngày 28/8, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa liên bang Đức tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia “Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, ngành tài nguyên và môi trường đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan mật thiết đối với sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững của đất nước.

Thứ trưởng cho rằng, vấn đề này lại càng trở nên quan trọng và phức tạp hơn từ sức ép gia tăng dân số, sức chịu tải của môi trường ở nhiều nơi đã tới ngưỡng giới hạn cho phép và tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm. Do vậy, rất cần thiết phải xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn tới để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động kiểm soát các vấn đề môi trường và ứng phó hiệu quả với những tác động của biến đổi khí hậu.

Báo cáo Đề cương Chiến lược tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đơn vị được giao chủ trì xây dựng Chiến lược cho biết, Đề cương Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường được xây dựng trên cơ sở kế thừa các Chiến lược của các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường đã được phê duyệt và định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Đề cương Chiến lược đề ra các mục tiêu chính như: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế; Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường được tiếp tục cải cách theo hướng tối giản và minh bạch hóa trên cơ sở đề cao tính tự chịu trách nhiệm và tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng; Các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được phát triển để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững; Hạ tầng kỹ thuật thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường được hiện đại hóa ngang tầm khu vực, được kết nối liên thông giữa trung ương với địa phương; Tổ chức, bộ máy ngành tài nguyên và môi trường được kiện toàn theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, tăng cường vai trò các đơn vị sự nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công; Các nguồn tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ, được khai thác và sử dụng hiệu quả; Ô nhiễm và suy thoái môi trường được đẩy lùi; các giá trị của thiên nhiên và đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng hiệu quả; chất lượng môi trường sống được cải thiện; Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng cao để hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, thiệt hại đối với con người và hệ sinh thái; Tài nguyên, môi trường biển được quản lý tổng hợp, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển.

Dự thảo đề cương Chiến lược cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 26 giải pháp thực hiện, trong đó các nhiệm vụ trong tâm tập trung vào hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường; Phát triển hạ tầng kỹ thuật và thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường; Tích cực và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua phát triển nền kinh tế ít phát thải, xây dựng hạ tầng cơ sở và các hệ thống sản xuất thích ứng dựa vào tự nhiên, sinh thái...

Tại hội thảo nhiều đại biểu cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vài thập kỷ qua tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững, phát triển bền vững được ví như ngôi nhà dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường nhưng môi trường ở Việt Nam đang nghiêng lệch thấp hẳn về trụ cột môi trường. Bởi vậy, vai trò của ngành tài nguyên và môi trường trong 10 năm tới và tầm nhìn đến 2040 thể hiện trong sứ mệnh làm cho trụ cột tài nguyên và môi trường trở lên cân đối, hài hòa với 2 trụ cột kinh tế và xã hội, tạo thế vững chắc cho ngôi nhà phát triển bền vững của đất nước.

Các đại biểu cũng thảo luận và cho ý kiến thẳng thắn và có trọng tâm vào các vấn đề về phạm vi và đối tượng của Dự thảo đề cương Chiến lược. Đặc biệt các ý kiến về phạm vi và nội hàm ngành tài nguyên và môi trường, tính cấp thiết trong việc xây dựng Chiến lược. Đồng thời, đây cũng là những ý kiến nhằm giúp cơ quan chủ trì xây dựng Chiến lược, đồng thời hoàn thiện Đề cương xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/khoa-giao/chien-luoc-quoc-gia-phat-trien-nganh-tnmt-giup-hoan-thien-the-che-chinh-sach-phap-luat-cua-nganh-533323.html