Chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ nhắm vào Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố chiến lược phòng thủ tên lửa cải tiến của Mỹ trong ngày 17-1 (giờ địa phương), xem xét các biện pháp tăng cường an ninh của đất nước.

Theo chiến lược, Mỹ có thể triển khai một tầng cảm biến trên không gian để phát hiện và theo dõi tên lửa của kẻ thù.

Báo cáo cũng khuyến khích nghiên cứu các công nghệ mang tính thử nghiệm, trong đó có khả năng triển khai vũ khí trên không gian có thể bắn hạ tên lửa của đối phương – khơi gợi lại sáng kiến "chiến tranh giữa các vì sao" của cố Tổng thống Ronald Reagan trong những năm 1980.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump giấu tên cho biết trước khi tài liệu trên được công bố: "Tôi cho rằng không gian là yếu tố chính của bước tiến mới trong phòng thủ tên lửa. Tầng cảm biến trên không gian là điều chúng tôi đang cân nhắc để giúp đưa ra cảnh báo sớm và theo dõi cũng như phân biệt các loại tên lửa khi chúng được phóng".

Chính quyền ông Trump sẽ thông báo về chiến lược phòng thủ tên lửa mới trong ngày 17-1. Ảnh: Reuters

Quan chức này nhấn mạnh triển vọng về loại vũ khí phòng thủ tên lửa trong không gian chỉ đang được nghiên cứu và vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra. Dự án phát triển này là ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch từng được công bố trước đây của Mỹ nhằm tăng cường hệ thống đánh chặn trên mặt đất trong vài năm tới, trong đó tăng số lượng tên lửa đánh chặn đặt tại cơ sở quân sự Fort Greely, bang Alaska từ 44 lên 64.

Các quan chức quân sự Mỹ từ lâu nhấn mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chủ yếu được chế tạo để chống lại các cuộc tấn công từ các quốc gia có kho vũ khí hạn chế hơn, như Triều Tiên. Trong khi đó, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang thúc đẩy chương trình hạt nhân bất chấp đã ngừng phóng tên lửa hồi năm ngoái.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho hay hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ quá ít nên gặp khó khi đối phó cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào lãnh thổ mình từ một cường quốc hạt nhân lớn như Nga hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington hy vọng kho vũ khí hạt nhân của mình có thể là công cụ răn đe các nước có ý định tấn công Mỹ.

Nga xem những bước tiến về phòng thủ tên lửa của Mỹ là mối đe dọa và báo cáo của chính quyền ông Trump có thể sẽ gây thêm căng thẳng với Moscow.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng khiến Lầu Năm Góc lo ngại bởi những cải tiến trong công nghệ siêu thanh có thể cho phép Bắc Kinh phóng tên lửa khó phát hiện hơn.

Các quan chức Mỹ, trong đó có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu kỹ thuật, ông Michael Griffin, cho rằng tầng cảm biến được lắp đặt trên không gian có thể giúp phát hiện tên lửa di chuyển ở tốc độ siêu thanh tương tự loại Bắc Kinh đang phát triển.

Xuân Mai (Theo Reuters)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chien-luoc-phong-thu-ten-lua-moi-cua-my-nham-vao-trung-quoc-20190117103940674.htm