Chiến lược phát triển ngành cơ khí: Đầu tư dàn trải là thất bại

Dù được xem là ngành nghề đóng vai trò xương sống trong nền kinh tế, nhưng trong suốt 30 năm qua, ngành sản xuất cơ khí Việt Nam lại có xu hướng tụt hậu. Đó là ý kiến mà giới chuyên gia đưa ra trong một hội thảo do Bộ Công thương tổ chức sáng ngày 5/9 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Phát triển ỳ ạch

Phát biểu tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Văn Thụ - nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam – nói rằng trong hơn 15 năm qua, dòng sản phẩm cơ khí lắp ráp, hàng kết cấu thép, thiết bị nâng hạ, lắp ráp ô tô được đầu tư nhiều nên phát triển nhanh chóng. Ngược lại, khu vực chế tạo máy do ít được đầu tư nên chậm phát triển. Sau hơn 15 năm, chưa có thêm một nhà máy mới nào về chế tạo máy được xây dựng. Điều này dẫn đến thực trạng ngành cơ khí nước ta phát triển lệch và phần chính yếu, quan trọng lại chưa được nhà quản lý tập trung đầu tư, phát triển…

Tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương - cũng chỉ ra một loạt điểm yếu của ngành cơ khí Việt Nam. Đầu tiên là hạn chế về thị trường. Ngành cơ khí nước ta khá đa dạng về sản phẩm, nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Ngay cả tại thị trường nội địa, các DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu là do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.

Hai là, ngành cơ khí hạn chế về trình độ khoa học công nghệ. Đại diện Cục Công nghiệp thẳng thắn: “Ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam”.

“Trong bối cảnh CMCN 4.0, các công nghệ mới đã ra đời, làm thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn trong đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ mới trong các DN cơ khí” - ông Tuấn Anh nói.

Cần sự đầu tư có lựa chọn, có trọng điểm

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam – đã đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan tới những hạn chế của ngành cơ khí, từ đó khẳng định rằng: Ngành cơ khí của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, những lợi thế của cuộc CMCN 4.0 có thể giúp chúng ta bỏ qua khoảng cách với các nước phát triển.

Trước những điểm nghẽn đang khiến cho ngành cơ khí nước nhà phát triển ỳ ạch và có nguy cơ khó bắt kịp với CMCN 4.0, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, trong chiến lược phát triển ngành cơ khí giai đoạn tới cần lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại sản phẩm… như thế mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, nguyên Chủ tịch Hiệp Hội DN Cơ khí - ông Nguyễn Văn Thụ - đề xuất Chính phủ nên tập trung soát xét lại một số sản phẩm cơ khí trọng điểm vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để phát triển và được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt. Đơn cử, ngành đóng tàu biển, ô tô bus, ô tô khách và tải nhẹ 5T.

Bên cạnh đó, các ý kiến chuyên gia tại Hội thảo cũng cho rằng, các tập đoàn công nghiệp lớn nên quan tâm hơn nữa đầu tư cho lực lượng cơ khí của mình. Đơn cử, ngành dầu khí tập trung làm giàn khoan biển, đóng tàu chờ cỡ lớn. Đồng thời tiếp tục đầu tư các cơ sở sản xuất chế tạo vật liệu cho ngành dầu khí như đường ống áp lực, thiết bị bồn bể áp lực cao, bơm, van công nghiệp… Hay Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam thì cần tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm máy khai thác quặng, tuyển khoáng…

“Đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí dứt khoát không thể không có bàn tay hữu hình của Nhà nước tác động, nuôi dưỡng bằng tạo đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí này. Chính phủ cần có một hệ thống chính sách đồng bộ tư vốn, quy hoạch, lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh và kết hợp kinh tế quốc phòng, không thể đầu tư tràn lan và không theo quy hoạch phát triển chung của quốc gia” – ông Nguyễn Văn Thụ - nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam đề xuất.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/chien-luoc-phat-trien-nganh-co-khi-dau-tu-dan-trai-la-that-bai-tintuc414760