Chiến lược 'né thuế' của giới siêu giàu Mỹ

Một số tỷ phú giàu nhất nước Mỹ đã không hề trả đồng thuế thu nhập nào trong một vài năm qua. Phát hiện gây chấn động này được đưa ra trong báo cáo điều tra do tổ chức báo chí phi lợi nhuận ProPublica có trụ sở tại New York (Mỹ) công bố ngày 8-6 trong bối cảnh Washington đang cân nhắc các đề xuất mới nhằm đối phó với vấn nạn trốn thuế của các cá nhân và công ty giàu có.

Tỷ phú Warren Buffett (trái) và Jeff Bezos. Ảnh: CNBC

Tỷ phú Warren Buffett (trái) và Jeff Bezos. Ảnh: CNBC

Chiến lược "vượt tầm của những người bình thường"

ProPublica cho biết báo cáo này dựa trên các bản khai thu nhập của giới siêu giàu Mỹ nộp cho Sở Thuế vụ Mỹ trong hơn 15 năm. Trong báo cáo, ProPublica cho biết một số người giàu nhất nước Mỹ đã "trả rất ít thuế thu nhập so với khối tài sản khổng lồ của họ và thậm chí đôi khi không trả đồng nào" khoảng thời gian từ 2014-2018. Những cái tên trong danh sách này có tỷ phú ngành truyền thông kiêm cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, tỷ phú đầu tư Carl Icahn, cùng nhà từ thiện kiêm tỷ phú tài chính George Soros. Đặc biệt, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cũng nằm trong danh sách trên khi không đóng thuế thu nhập trong năm 2007 và 2011, trong khi Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX Elon Musk đã "né" toàn bộ các khoản thuế trong năm 2018.

Cụ thể, trong 5 năm trên, tổng giá trị tài sản của 25 người giàu nhất tại Mỹ tăng thêm 401 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng số thuế thu nhập liên bang mà họ phải nộp chỉ là 13,6 tỷ USD, tương đương thuế suất thực chỉ 3,4%. "Ngược lại, những năm gần đây, các hộ gia đình Mỹ trung bình kiếm khoảng 70.000 USD mỗi năm và phải trả thuế thu nhập liên bang 14%. Những gia đình nằm trong khung thuế thu nhập cao nhất phải trả tới 37% cho mức thu nhập trên 628.300 USD", ProPublica thông tin.

Theo ProPublica, những tỉ phú này không có sai phạm trong việc kê khai thuế, nhưng có các chiến lược trốn thuế "vượt tầm của những người bình thường". Họ còn được hưởng lợi từ cách tính thu nhập chịu thuế trong bộ luật thuế của Mỹ, khi không tính giá trị tăng trưởng của các tài sản như cổ phiếu và bất động sản mà chỉ tính thuế từ việc bán các tài sản này.

Theo tính toán của ProPublica, "thuế suất thu nhập thực" của tỷ phú Warren Buffett chỉ là 0,1%, tương đương 23,7 triệu USD, cho tổng giá trị tài sản tăng thêm 24,3 tỷ USD trong 5 năm. Trong khoảng thời gian này, số thu nhập chịu thuế của ông Buffett là 125 triệu USD. Trong khi đó, Jeff Bezos chỉ phải nộp thuế 973 triệu USD, tức chưa tới 1% tổng giá trị tài sản tăng thêm 99 tỷ USD từ 2014-2018. Thu nhập chịu thuế của ông Bezos trong giai đoạn này là 4,22 tỷ USD. ProPublica cho biết, năm 2007 và 2011, ông Bezos thậm chí không phải nộp đồng thuế thu nhập liên bang nào. Còn người giàu thứ hai thế giới, Elon Musk chịu thuế suất thu nhập thực chỉ 3,27%, tương đương 455 triệu USD, cho giá trị tài sản tăng thêm 13,9 tỷ USD từ năm 2014-2018. Trong khoảng thời gian này, thu nhập chịu thuế của ông Musk là 1,52 tỷ USD. Ông thậm chí không phải nộp thuế thu nhập liên bang vào năm 2018. Trong khi đó, Michael Bloomberg chỉ chịu thuế suất thu nhập thực 1,3%, tương đương 292 triệu USD. Trong 5 năm trên, thu nhập chịu thuế của ông là 10 tỷ USD. Trong khoảng thời gian từ năm 2016-2018, George Soros không phải nộp thuế thu nhập liên bang. Theo người phát ngôn của ông Soros, ông không phải nộp thuế thu nhập liên bang do chịu lỗ từ các khoản đầu tư. Một nhà đầu tư khác, Carl Icahn, cũng không phải nộp thuế liên bang trong năm 2016 và 2017. Chia sẻ với ProPublica, ông Icahn cho biết không phải nộp thuế trong hai năm này do phải trả hàng trăm triệu USD cho các khoản vay của mình.

Ủng hộ tăng thuế

Các tỷ phú có phản ứng khác nhau khi hồ sơ thuế của mình bị ProPublica công bố. Ông Buffett cho biết sẽ chuyển 99,5% tài sản cho thuế và từ thiện sau khi qua đời. Người đại diện của George Soros nói ông bị thua lỗ trong đầu tư, Elon Musk thì bình luận bằng một dấu chấm hỏi. Trong khi đó, phát ngôn viên của tỷ phú Bloomberg tuyên bố sẽ "sử dụng tất cả các biện pháp pháp lý" để xác định cá nhân hoặc tổ chức chính phủ nào đã làm rò rỉ những thông tin này và "đảm bảo rằng họ phải chịu trách nhiệm".

Hiện Bộ Tài chính Mỹ đang điều tra về việc hồ sơ thuế của các tỷ phú bị rò rỉ như thế nào. Người phát ngôn Bộ Tài chính Lily Adams nhấn mạnh: "Việc tiết lộ trái phép các thông tin mật của chính phủ là phi pháp". Vấn đề này cũng đã được chuyển đến Chánh thanh tra bộ, cũng như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các công tố viên liên bang.

Vụ rò rỉ hồ sơ thuế các tỷ phú giàu nhất diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang muốn tăng thuế suất tối đa thuế thu nhập cá nhân từ 37% hiện nay là 39,6%. Một số nhà lập pháp như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng viên Dân chủ của Massachusetts, thậm chí còn ủng hộ ý tưởng đánh thuế 2% đối với giá trị tài sản ròng của cá nhân có tài sản trên 50 triệu USD - bao gồm giá trị cổ phiếu, nhà cửa, tàu thuyền và bất kỳ thứ gì khác mà một người sở hữu, sau khi trừ đi các khoản nợ. Viện dẫn báo cáo của ProPublica, bà Warren chỉ trích hệ thống thuế của Mỹ dường như chỉ phục vụ cho các tỷ phú vốn không tạo tài sản thông qua thu nhập, tương tự như các gia đình lao động. Bà cho rằng đã đến lúc Mỹ cần một bộ luật thuế để buộc giới siêu giàu phải đóng thuế công bằng. Bà Warren nói rằng những tiết lộ của báo cáo là "gây sốc sâu sắc" và càng củng cố thực tế là các nhà lập pháp nên cân nhắc về việc đánh thuế tài sản hơn là thu nhập.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_244387_chien-luoc-ne-thue-cua-gioi-sieu-giau-my.aspx