Chiến lược kích cầu tiêu dùng của Ai Cập

Chính phủ Ai Cập đã khởi động một sáng kiến trên quy mô toàn quốc nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này nỗ lực vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ai Cập cũng cố gắng bù đắp những thiệt hại đối với ngành du lịch, vốn là trụ cột của nền kinh tế.

Chính phủ Ai Cập đã khởi động một sáng kiến trên quy mô toàn quốc nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này nỗ lực vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ai Cập cũng cố gắng bù đắp những thiệt hại đối với ngành du lịch, vốn là trụ cột của nền kinh tế.

Sáng kiến của Ai Cập có tên "Không bao giờ quá đắt với bạn", quy tụ sự tham gia của hơn 1.170 thương hiệu hỗ trợ giảm giá khoảng 20% đối với 4.231 sản phẩm được sản xuất trong nước. Chiến dịch này kéo dài ba tháng và có thể được gia hạn. Theo Bộ trưởng Tài chính Ai Cập M.Ma-ít, sáng kiến nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, tăng tiêu dùng và thúc đẩy thị trường nội địa. Doanh số bán các sản phẩm nằm trong sáng kiến dự kiến có thể đạt 120 tỷ bảng Ai Cập (khoảng 7,53 tỷ USD). Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng và công ty tài chính như Ngân hàng quốc gia Ai Cập, Banque Misr, Banque du Caire hay Ngân hàng Thương mại quốc tế (CIB) sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho khách hàng có nhu cầu mua sắm hàng hóa nằm trong sáng kiến tiêu dùng. Nhiều sản phẩm sẽ được giảm giá như đồ điện tử, thiết bị gia dụng, quần áo may sẵn, sản phẩm da, đồ nội thất, hàng thủ công cùng nhiều mặt hàng khác.

Sáng kiến kích cầu tiêu dùng nội địa được đưa ra trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất, kinh doanh ở Ai Cập đối mặt sức ép nghiêm trọng trong thời gian qua, nhất là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Thành viên Hiệp hội Kinh doanh Ai Cập (EBA), ông M.Man-da-la-uy cho rằng, chiến lược kích cầu tiêu dùng sẽ giúp tạo đà cho ngành công nghiệp Ai Cập. Sáng kiến được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà máy tăng sản lượng và doanh số, thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ người dân bằng các sản phẩm chất lượng và có giá cạnh tranh. Trên cơ sở đó, nhà sản xuất và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Cùng với sáng kiến nêu trên, Ai Cập đã mở cửa trở lại các sân bay để thực hiện những chuyến bay quốc tế, thu hút khách du lịch. Bộ trưởng Du lịch Ai Cập cho mở cửa Bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cai-rô, một địa điểm vốn thu hút nhiều du khách quốc tế tới tham quan. Dự kiến, quốc gia Bắc Phi này sẽ tiếp tục mở cửa trở lại nhiều điểm đến cho du khách quốc tế. Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE) cho biết, doanh thu của ngành du lịch Ai Cập đã giảm 11,5% (tương đương 300 triệu USD), xuống chỉ còn 2,3 tỷ USD trong quý I-2020. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo mức thiệt hại của ngành du lịch Ai Cập có thể vượt ngưỡng 2% GDP trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch.

Trước đại dịch Covid-19, Ai Cập từng đặt kỳ vọng vào ngành du lịch và dự kiến đón 15 triệu lượt khách trong năm 2020, tăng hai triệu lượt so năm 2019. Tuy nhiên, mọi kế hoạch đổ bể khi các chuyến bay quốc tế bị hủy và các điểm du lịch phải đóng cửa do đại dịch. Nhằm giảm thiệt hại cho ngành du lịch, Ngân hàng trung ương Ai Cập cho biết sẽ cung cấp các khoản tín dụng trị giá ba tỷ USD, với lãi suất giảm còn 5%. IMF đã thông báo đạt thỏa thuận sơ bộ với Ai Cập về khoản vay trị giá 5,2 tỷ USD có thời hạn 12 tháng nằm trong Thỏa thuận tín dụng dự phòng (SBA) của IMF. Với giải pháp hỗ trợ tài chính mà IMF dành cho các kế hoạch chính sách của quốc gia Bắc Phi, cùng nỗ lực của chính phủ, Ai Cập đang hướng tới duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế.

Bảo Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/chien-luoc-kich-cau-tieu-dung-cua-ai-cap-619541/