Chiến lược hoạt động của UNESCO Việt Nam trong giai đoạn mới

Tại Hội nghị thông tin về hội nhập và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Mai Phan Dũng - Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) đã chia sẻ về những khởi sắc và trọng tâm hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Mai Phan Dũng, trong năm 2018, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các thể chế đa phương gặp nhiều thách thức nhưng các nước vẫn coi trọng vai trò của UNESCO không chỉ trong năm lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa và thông tin mà còn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Mặc dù việc Mỹ và Israel chính thức rút khỏi UNESCO từ 31/12/2018 có gây ra những khó khăn không nhỏ nhưng không gây ra các xáo trộn lớn trong việc thực hiện sứ mạng của UNESCO.

Thực tế, UNESCO với Tổng Giám đốc và đội ngũ lãnh đạo mới của Ban Thư ký, đang bước vào giai đoạn triển khai các kế hoạch chiến lược trung hạn với ưu tiên lớn nhất hiện nay là xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi nhằm tiếp tục duy trì vai trò, uy tín của UNESCO. Chiến lược có 4 mục tiêu lớn: Củng cố các chương trình và ưu tiên của UNESCO; Tăng cường các chương trình toàn cầu, hợp tác quốc tế; Tìm kiếm các đối tác mới; Tăng cường hiệu quả của UNESCO.

Ở Việt Nam, các lĩnh vực UNESCO vẫn luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ông Mai Phan Dũng cho rằng, việc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, được Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp là 1 trong 10 sự kiện đối ngoại và văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2018, là một đánh giá có ý nghĩa đối với công tác UNESCO.

"Năm qua, chúng ta cũng đạt được sự đồng thuận cao hơn, cả trong nhận thức và hành động về yêu cầu đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị và vai trò của di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ tại các khu di sản có tốc độ tăng trưởng nhanh về số lượng du khách như Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long và Khu danh thắng Tràng An, Cao nguyên đá Đồng Văn...", ông Mai Phan Dũng nói.

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Mai Phan Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trọng Vũ)

Đặc biệt, Việt Nam luôn tích cực, chủ động và thể hiện vai trò, trách nhiệm tại diễn đàn UNESCO, đóng góp vào công việc chung thông qua các vị trí Việt Nam đang là thành viên. Chúng ta tham gia và đóng góp tích cực tại Kỳ họp 42 của Ủy ban Di sản thế giới tại Bahrain (tháng 7/2018), Kỳ họp 12 Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ, phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (12/2018), Kỳ họp 7 Đại hội đồng Công ước 2003 (6/2018), Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về Công viên Địa chất Toàn cầu (9/2018), cuộc họp các UBQG UNESCO các nước Châu Á Thái Bình Dương tại Hàn Quốc...

Ông Mai Phan Dũng cho biết, Việt Nam hiện có đại diện đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các tổ chức chuyên môn của UNESCO như Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; Phó Chủ tịch chương trình Hải dương học Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng Hải dương học khu vực Tây Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Việt Nam có các chuyên gia là thành viên của các cơ chế như Ban Tư vấn Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, Ban tư vấn của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, Hội đồng điều phối quốc tế của Chương trình Con người và Sinh quyển MAB ICC, Phó Chủ tịch hội đồng khoa học hội nghị KHQT Hải dương học khu vực Tây Á-Thái Bình Dương. Vai trò Việt Nam cùng với sự đánh giá cao của UNESCO hẳn sẽ đóng góp tích cực vào những thành quả trong thời gian tới.

Mũi nhọn vẫn là di sản - văn hóa

Nhìn vào thực tế, mỗi năm Việt Nam đều có từ 2-3 danh hiệu di sản mới được UNESCO công nhận. Di sản của chúng ta đến từ địa phương đã vươn lên tầm nhân loại, đóng góp cho kho tàng văn hóa của thế giới. Theo ông Mai Phan Dũng, mục tiêu quan trọng của Ủy ban Quốc gia UNESCO vẫn là tăng cường hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động của UNESCO, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO, các mô hình phát triển của UNESCO tại địa phương; Phối hợp, hỗ trợ với các địa phương trong công tác chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận di sản, bảo tồn và quản lý di sản; Tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý di sản thế giới tại Việt Nam; Tiếp tục làm quyết liệt hơn trong công tác xử lý các sai phạm trong quản lý tại các di sản ...

Ông Nông Quốc Thành – Tiểu ban Văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết thêm, đối với Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với đối tác nước ngoài trong việc tu bổ, phục chế một số di tích, di sản tại Việt Nam. Đối với công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản phi vật thể, Việt Nam sẽ bảo vệ hồ sơ “Then: Tày, Nùng, Thái” để UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại vào tháng 12/2019, triển khai hồ sơ “Tranh dân gian Đông Hồ”... Đối với Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ, phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, Việt Nam đang xây dựng Quy chế sơ tuyển các dự án xin tài trợ của Quỹ Quốc tế về đa dạng văn hóa (IFCD)...

Việt Nam sẽ bảo vệ hồ sơ “Then: Tày, Nùng, Thái” để UNESCO công nhận là di sản. (Nguồn: VOV)

Đổi mới trong giáo dục

Ông Nguyễn Quang Hưng – Tiểu ban Giáo dục, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thể hiện niềm tin vào những bước tiến mới trong hoạt động giáo dục UNESCO giai đoạn 2019 - 2020. Nếu như trước 2018, hợp tác giáo dục giữa UNESCO và Việt Nam tập trung vào các khóa học bồi dưỡng trao đổi kinh nghiệm quốc tế, nâng cao trình độ quản lý và năng lực cá nhân, thì trong thời gian tới, hợp tác giáo dục với UNESCO sẽ mở rộng bằng những hoạt động chuyên sâu và tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn.

Cụ thể, Diễn đàn toàn cầu về phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7. Việt Nam cũng đang hợp tác với UNESCO trong hoạt động về bình đẳng giới cho trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số, hoạt động khảo sát năng lực số của trẻ em khu vực châu Á – Thái Bình Dương; hợp tác với Hàn Quốc, Bangladesh và Tunisia thực hiện khảo sát giáo dục giới tính để xây dựng Đề án giáo dục giới tính.

“Ủy ban Quốc gia UNESCO sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ chỉ số giáo dục Việt Nam; (Phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội kết nối giáo dục Việt Nam với hệ thống giáo dục thế giới; Lập kế hoạch hành động triển khai và giám sát việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 4 về giáo dục đến năm 2030, trong đó thực hiện một hội thảo tham vấn quốc gia để phân tích các chỉ tiêu; Thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tổ chức của Liên hợp quốc nhằm tranh thủ sự hỗ trợ trong các công tác nâng cao chất lượng cuộc sống cho nữ giáo viên, nâng cao tầm vóc, thể lực cho học sinh góp phần phát triển giáo dục toàn diện, khắc phục hạn chế bạo lực học đường, nâng cao quản lý giáo dục ở mọi cấp và trình độ đào tạo từ mầm non đến đại học”, ông Mai Phan Dũng nói.

Trọng điểm di sản địa chất

Gần đây, Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) là một danh hiệu UNESCO hấp dẫn, luôn được đánh giá cao. Việc tham dự hội nghị quốc tế UNESCO lần thứ 8 về CVĐCTC tổ chức tại Italy của các địa phương và đại diện Ban thư ký UBQG cùng với việc tổ chức các cuộc họp thường kỳ hàng tháng với các Ban Quản lý CVĐC Việt Nam (Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Nông) nhằm học tập kinh nghiệm thế giới, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp công tác đã và đang góp phần tích cực và hiệu quả trong việc củng cố vững chắc hoạt động của mạng lưới CVĐCTC Việt Nam, đồng thời hỗ trợ xây dựng mới các CVĐCTC và phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nâng cao vai trò, phát huy giá trị của các CVĐC tại Việt Nam.

Công viên địa chất Đắk Nông. (Nguồn: UBND tỉnh Đắk Nông)

Theo bà Đỗ Thị Yến Ngọc – Giám đốc Trung tâm KARST di sản địa chất, Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, từ năm 2015, mạng lưới quốc gia CVDCTC đã được nâng lên vị thế mới, tích cực tiếp cận xu hướng phát triển từ các nước. Bên cạnh việc vận động hồ sơ, việc nghiên cứu khoa học từ các công viên địa chất không chỉ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, mà còn tìm ra sinh kế mới cho cuộc sống của người dân.

Ông Mai Phan Dũng cũng khẳng định, Ủy ban Quốc gia UNESCO sẽ tiếp tục quan tâm triển khai việc xây dựng và phát triển mạng lưới quốc gia CVDCTC, tranh thủ chuyên gia quốc tế hình thành kế hoạch phát huy giá trị của các CVĐCTC tại Việt Nam, cũng như tích cực vận động UNESCO công nhận hồ sơ CVĐCTC Đắk Nông và triển khai xây dựng một số hồ sơ mới như CVĐCTC Lý Sơn. Thành quả của Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang và Công viên Non nước Cao Bằng là những ví dụ sinh động mà danh hiệu của UNESCO mang lại cho Việt Nam. Nhiều người tin rằng sắp tới, CVĐC Đắk Nông sẽ tiếp tục đáp ứng được yêu cầu của UNESCO để trở thành CVDCTC cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng.

Đương nhiên, chiến lược cho những thành công mới của hoạt động UNESCO tại Việt Nam không thể thiếu việc tăng cường quảng bá về UNESCO trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam cũng nhấn mạnh thời gian tới, cần chú trọng nâng cao năng lực cho phóng viên đưa tin về công tác, chương trình của UNESCO; hình thành cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa các Tiểu ban, Ban thư ký với Tiểu ban thông tin, cũng như tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, lưu trữ, thư viện nghiên cứu về các di sản tư liệu của Việt Nam để xem xét về việc xây dựng hồ sơ.

Trọng Vũ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-luoc-hoat-dong-cua-unesco-viet-nam-trong-giai-doan-moi-95520.html