Chiến lược gồng lỗ

Nếu không có Luật công bằng tài chính (FFP), e rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp chạy đua bằng chiến lược đốt tiền để đánh bại đối thủ.

Điều này có nguy cơ dẫn tới một thị trường cạnh tranh bằng độ dày vốn, chứ không phải bằng sự phát triển bền vững.

WeWork đang sử dụng chiến lược gồng lỗ để đánh bại đối thủ, nhưng cuối cùng cũng rơi vào thất bại.

WeWork đang sử dụng chiến lược gồng lỗ để đánh bại đối thủ, nhưng cuối cùng cũng rơi vào thất bại.

Hoạt động kinh doanh của các câu lạc bộ bóng đá Châu Âu chính là một mô hình đại diện cho các công ty chịu lỗ, chấp nhận rủi ro một cách không bền vững để chiếm thị trường và thu lợi nhuận trong dài hạn. Sự ra đời của FFP đặt ra một câu hỏi cấp bách: Liệu có nên tạo một “luật công bằng tài chính” ở các thị trường mà cạnh tranh bằng cách chịu lỗ không hồi kết đang diễn ra nảy lửa hơn bao giờ hết?

Cấu trúc doanh thu bóng đá

Nhằm mục đích minh họa, chúng ta sẽ xét cấu trúc doanh thu của một câu lạc bộ thuộc giải Ngoại hạng Anh và “định giá” giá trị của một lần thăng hạng từ Giải hạng Nhất lên Ngoại hạng.

Một trong những nguồn thu lớn nhất của các câu lạc bộ chính là tiền bản quyền phát sóng. Tổng lượng tiền phát sóng tại Anh gồm: Với phần bản quyền phát sóng ở Anh, 50% tổng số tiền được chia đều cho các câu lạc bộ, 25% tùy theo số lần trận đấu họ tham gia được phát sóng trực tiếp, và 25% dựa trên thứ hạng cuối cùng của câu lạc bộ.

Ở mùa giải gần nhất (2018- 2019), Huddersfield Town nhận được 98 triệu GBP tiền phát sóng từ ban tổ chức giải Ngoại hạng. Các nguồn doanh thu khác (bản quyền giải khác, bán vật phẩm, hợp đồng thương mại, tiền vé...) mang về cho họ thêm hơn 27 triệu GBP, nâng tổng doanh số của Huddersfield Town lên 125 triệu GBP.

Để so sánh, ở mùa giải trước đó, khi Huddersfield Town còn thi đấu ở Giải hạng Nhất, tiền bản quyền phát sóng của họ chỉ vỏn vẹn 7,5 triệu GBP, tổng doanh thu đạt 15,8 triệu GBP.

Để đạt được cú nhảy vọt lên hạng, vào mùa giải 2017- 2018, Huddersfield Town đã chịu lỗ 17 triệu GBP, so với chỉ 1-5 triệu GBP những năm trước. Sau khi lên hạng, vào mùa giải 2018- 2019, họ đã có lợi nhuận hơn 25 triệu GBP dù đã mạnh tay chi hơn 50 triệu GBP để đưa về những cầu thủ giá trị cao hơn. Tuy nhiên, nếu kế hoạch thăng hạng không thành công, thì 17 triệu GBP đó trở thành vấn đề lớn với Huddersfield Town...

Nhà vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2018-2019, Manchester City đã bị UEFA cấm thi đấu tại Champions League trong hai mùa giải vì vi phạm luật công bằng tài chính.

Cuộc chạy đua đốt tiền

Dĩ nhiên, không chỉ Huddersfield Town, mà bất cứ câu lạc bộ nào cũng hy vọng thực hiện một cú lên hạng hứa hẹn nhiều triệu GBP doanh thu và lợi nhuận tăng thêm. Kết quả là hầu như câu lạc bộ nào cũng có tham vọng cũng đều bạo chi.

Tuy nhiên, suất thăng hạng là có hạn, và những kẻ thất bại sẽ tiếp tục phải gánh chịu những khoản lỗ. Leeds United, sau khi chịu lỗ 10 triệu GBP, đã thất bại trong việc tranh suất lên hạng vào cuối mùa giải 2016-2017, đã tiếp tục phải gồng lỗ trong những năm tiếp theo.

Chính cuộc chay đua lên hạng này đã hủy hoại nhiều câu lạc bộ có truyền thống lâu đời. Chẳng hạn như Leeds United những năm đầu 2000 vốn là một câu lạc bộ có hạng ở Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, thất bại trong cuộc chạy đua vào Champion League mùa giải 2001- 2002 (hạng 5 Ngoại hạng Anh) đã đưa Leeds United tới rắc rối về tài chính, và liên tục xuống hạng ở những mùa giải sau.

Cuộc chạy đua gồng lỗ này ngày càng khốc liệt với nhiều ông chủ có tham vọng. Đặc biệt hơn, khi bóng đá trở thành ngành kinh doanh phụ, mang tính đánh bóng tên tuổi dưới tay các tập đoàn lớn, cuộc chiến gồng lỗ ngày càng “đẫm máu”. Cuộc chiến này trở thành nơi chôn vùi những kẻ mỏng vốn.

Đó là lý do FFP ra đời, đặt hạn mức tối đa cho số lỗ lũy kế, nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua đốt tiền, bảo vệ những câu lạc bộ nhỏ, và giảm sự ảnh hưởng của nguồn lực tài chính trong cuộc chơi thể thao. Họ hy vọng, những cuộc chiến giành giật siêu sao sẽ giảm bớt, hướng các câu lạc bộ tập trung hơn vào hoạt động đào tạo tài năng trẻ, gia tăng sự bền vững cho ngành công nghiệp bóng đá.

FFP trong các ngành nghề khác?

Tương tự thị trường bóng đá Châu Âu, rất nhiều ngành nghề cũng đang gặp phải tình trạng chạy đua gồng lỗ, và kẻ chiến thắng là kẻ dày vốn nhất. Đến khi độc chiếm thị trường, lượng lợi nhuận thu về sẽ bù đắp hết những phí tổn đã bỏ ra. Còn kết cục của những kẻ đứt gánh giữa đường sẽ tương tự các câu lạc bộ không thể lên hạng: sa vào rắc rối tài chính, một vòng xoáy không hồi kết.

Đầu năm 2020, sau một thời gian từ nhiệm hãng gọi xe be, Trần Thanh Hải đã có ít phút trải lòng về vấn đề gồng lỗ: “Năm nay bọn tôi có bỏ ra 1.000 - 2.000 tỷ đồng, đối thủ sẽ “vứt” vào thị trường 3.000 tỷ đồng. Lúc đó, cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, cực kỳ khó khăn. Tôi không ủng hộ bảo hộ, cái quan trọng chúng ta đề cập tới là sân chơi công bằng, nhưng thế nào là công bằng? Không thể nói thị trường công bằng khi một ông cầm 1 tỷ USD vào thị trường, tổng các ông trong nước cầm 500 triệu USD.”

Sự mất cân bằng về nguồn lực tài chính dẫn đến một thị trường cạnh tranh bằng độ dày vốn, chứ không phải bằng sự phát triển chất lượng dịch vụ bền vững. Tham chiếu thị trường bóng đá Châu Âu, liệu sự ra đời của FFP tương tự như Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA, sẽ giải quyết được vấn đề cạnh tranh về vốn trong ngắn hạn, để hướng các doanh nghiệp tập trung hơn vào chất lượng hoạt động thực sự?.

Có lẽ, đây là một câu hỏi khó trả lời, nhưng vô cùng cấp bách trước thực trạng rất nhiều ngành nghề chủ đạo đang đối diện với những nguồn vốn khủng thiếu bền vững. WeWork và OYO đang sử dụng chiến lược gồng lỗ này để đánh bật hết đối thủ, nhưng rồi chính bản thân họ cũng không ổn định nổi, vì mọi sự phát triển đều không bắt nguồn từ gốc rễ chất lượng. Nếu không có Luật công bằng tài chính, chắc chắn rất nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ nối gót theo...

Tử Kì

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chien-luoc-gong-lo-169541.html