Chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ: Thất bại được định sẵn?

Dù cùng lúc dùng các đòn tấn công từ trừng phạt, cô lập ngoại giao và thậm chí đe dọa chiến tranh nhưng Mỹ không thể khiến Triều Tiên và Iran đầu hàng.

Tấn công dồn dập nhằm gây sức ép tối đa

Tuần trước, tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chính quyền của ông đã đạt được những tiến triển trong việc đàm phán với Triều Tiên và cho biết sẽ sử dụng chiến thuật tương tự như vậy với Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rời cuộc họp báo của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump rời cuộc họp báo của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters

Dành những lời khen ngợi Triều Tiên và liên tục chỉ trích Iran, ông Trump tuyên bố với báo giới: “Những gì các nhà lãnh đạo thế giới nghĩ về Iran không quan trọng. Iran sẽ quay lại gặp tôi và họ sẽ có một thỏa thuận tốt". Rõ ràng, Tổng thống Trump tin rằng chiến lược gây sức ép tối đa bằng các lệnh trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao và thậm chí đe dọa chiến tranh sẽ đưa đến những thỏa thuận lịch sử với Triều Tiên và Iran. Nhưng ngay cả khi những tiến triển trong vấn đề Triều Tiên cho ông Trump lý do để hy vọng thì bấy nhiêu vẫn chưa đủ để làm nên một chiến lược thành công.

Có một sự thật rõ ràng là những điều ông Trump kỳ vọng sẽ đạt được qua chiến lược gây sức ép tối đa không thống nhất với tầm nhìn của đội ngũ phụ trách an ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Mỹ. Dựa vào những động thái của ông Trump với Triều Tiên và tuyên bố của Tổng thống Mỹ với Iran, mục tiêu của ông là đưa Triều Tiên và Iran ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, các quan chức trong chính phủ Mỹ thì lại muốn các quốc gia này đầu hàng trước các đòi hỏi của Washington. Bình Nhưỡng và Tehran hiểu rất rõ điều này.

Tại Liên Hợp Quốc vào tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho từ chối tiếp tục thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trừ khi Mỹ có những nhượng bộ thực tế. Nói cách khác, sức ép có thể thuyết phục ông Kim phải tham gia đàm phán nhưng nếu chỉ với mình sức ép thì Tổng thống Trump sẽ không thể đạt được một thỏa thuận mà ông mong muốn. Bất chấp chiến lược của Tổng thống Trump, các quan chức trong chính quyền Mỹ dường như vẫn tiếp tục theo đuổi cái mà Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton gọi là "mô hình Libya" – ám chỉ đến thỏa thuận 2003 khi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tuyên bố từ bỏ các chương trình hạt nhân.

Thất bại đã được định sẵn?

Triều Tiên và Iran dường như không quá ngần ngại để có thể chấp nhận đàm phán với ông Trump nhưng kiên quyết không đầu hàng trước những đòi hỏi của Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu của hai quốc gia này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiến lược gây sức ép tối đa sẽ suy giảm giá trị qua thời gian. Thực tế thì nếu đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Trump tiếp tục gây sức ép tối đa buộc các quốc gia này phải khuất phục, họ sẽ vấp phải sự chống cự từ Iran và Triều Tiên. Chờ đợi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump kết thúc hoặc hy vọng chính sách này của chính quyền Mỹ sẽ thất bại dường như sẽ là lựa chọn ưu tiên hơn của Triều Tiên và Iran thay vì thỏa hiệp ngay từ đầu.

Những điều Triều Tiên mong muốn là tiến trình ngoại giao được thực hiện theo từng bước với việc Mỹ phải đưa ra một số nhượng bộ như tuyên bố hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, đội ngũ về an ninh quốc gia của Tổng thống Trump lại đòi hỏi về một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở Triều Tiên trước khi đáp ứng bất cứ yêu cầu gì khác. Mỹ cũng đang có những tính toán tương tự khi giải quyết trường hợp của Iran.

Trước thực tế này, Bình Nhưỡng và Tehran đều có thể thấy được những lợi ích nhất định khi từ chối tuân theo chính sách gây áp lực của Washington. Ông Kim Jong Un sẵn sàng tham gia Thượng đỉnh nhưng lại đáp ứng hầu như rất ít đòi hỏi của Mỹ khi Washington buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vô điều kiện các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Đối với Iran, việc đàm phán thành công với Tổng thống Trump sẽ "giết chết" Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 mà Mỹ đã rút khỏi hồi tháng 5/2018. Iran không đạt được lợi ích kinh tế trong thỏa thuận này nhưng lại càng không đạt được gì hơn nếu rút khỏi thỏa thuận, thậm chí cả khi quốc gia này chấp nhận đàm phán với Mỹ. Nếu Iran rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015 thì cũng đồng nghĩa với việc quốc gia này từ bỏ quyền sở hữu chương trình hạt nhân. Đó có thể lý do tại sao Tổng thống Iran Rouhani khẳng định vào tuần trước rằng Mỹ phải tham gia lại vào thỏa thuận, trước khi ông chấp nhận đàm phán với Tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo Iran cho rằng: Nếu Mỹ quay lại thỏa thuận, chính quyền Tổng thống Trump sẽ không còn coi "mô hình Libya" như một mục tiêu nữa và sẽ phải đàm phán dựa trên thỏa thuận 2015.

Dĩ nhiên, không chỉ có Triều Tiên và Iran phải chịu các đòn gây sức ép tối đa của Mỹ. Chính sách này dường như được Mỹ sử dụng với bất kỳ quốc gia nào không tuân thủ các yêu cầu của Washington. Vào tuần trước, tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ gần như bị cô lập khi cố gắng kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia khác về chính sách của Mỹ với Iran. Chiến lược gây sức ép tối đa hầu như nhận được rất ít sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Ban đầu, chiến lược này từng nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng sự ủng hộ này bắt đầu suy giảm dần sau khi Triều Tiên đồng ý tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang đe dọa trừng phạt các đồng minh EU nếu châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran. Mỹ còn buộc Ấn Độ phải từ bỏ việc đầu tư vào cảng Chabahar ở đông nam Iran - cửa ngõ với Afghanistan và Trung Á cho phép Ấn Độ cân bằng ảnh hưởng khu vực với Trung Quốc. Chính sách gây sức ép của Mỹ không những không giải quyết được vấn đề Triều Tiên và Iran mà còn khiến EU, Trung Quốc và Nga tìm mọi cách để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Washington.

Có vẻ như chính việc liên tục sử dụng chiến lược gây sức ép tối đa đang khiến Washington tạo nên một thế giới mà ở đó, các sức ép của Mỹ không còn nhiều tác dụng nữa./.

Kiều Anh/VOV.VN
Theo The Atlantic

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/chien-luoc-gay-suc-ep-toi-da-cua-my-that-bai-duoc-dinh-san-822055.vov