Chiến lược đầu tư theo dấu dòng tiền

Chiến lược đầu tư theo sát dòng tiền của các quỹ chuyên nghiệp vẫn là chiến lược phù hợp trong năm 2020.

Theo dấu dòng tiền

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều bất định và lãi suất huy động liên tục giảm, thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao. Theo đó, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh đầu tư cổ phiếu, bất chấp các số liệu kinh tế vĩ mô không thực sự khả quan.

Số liệu về nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán được công bố mới đây cũng phần nào thể hiện sức hút của thị trường chứng khoán đang dần trở lại. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tại ngày 31.8, trên hệ thống của VSD có hơn 2,564 triệu tài khoản giao dịch trong nước, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Trong tháng 8, có hơn 28.362 tài khoản của nhà đầu tư trong nước được mở mới, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, so với tháng 7, tốc độ tham gia vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư mới có phần cải thiện, tăng 4,4%.

Một điểm đáng chú ý, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8 đạt mức cao nhất kể từ tháng 2.2020. Cụ thể, trên hệ thống của VSD tại ngày 31.8 có hơn 33.829 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, mở mới 229 tài khoản, tăng hơn 11% so với tháng trước.

Ngoài ra, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh kể từ cuối tháng 7 cho thấy sự “hào hứng” của các nhà đầu tư hiện tại trên thị trường (ước tính sơ bộ của VDSC ghi nhận cho vay ký quỹ vào cuối tháng 8 đã tăng 40% so với tháng 6).

Liên quan đến khối ngoại, VDSC đánh giá dòng tiền mới đã chảy vào các quỹ chuyên nghiệp hàm ý tín hiệu tích cực đối với các chỉ số chứng khoán. Mặc dù một phần lượng tiền mặt này có thể được giải ngân vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình, nhóm vốn hóa lớn vẫn được ưa chuộng hơn do cơ bản tốt và tính minh bạch. Điều đó có thể đẩy VN-Index lên mức cao hơn trong tháng 9.

P/E của nhóm VN30 đang thấp hơn so với quá khứ. Nguồn: VDSC.

P/E của nhóm VN30 đang thấp hơn so với quá khứ. Nguồn: VDSC.

“Khi xem xét P/E của nhóm VN30, VN70 (nhóm vốn hóa trung bình) và VNSML (nhóm vốn hóa nhỏ), chúng tôi thấy rằng chỉ có P/E của VN30 còn thấp hơn so với quá khứ”, VDSC nhận định.

Trong khi đó, mặc dù nhóm VN70 và VNSML trông có vẻ rẻ hơn VN30 nhưng không còn hấp dẫn hơn khi xem xét P/E lịch sử của các nhóm này. Do vậy, VDSC cho rằng chiến lược đầu tư theo sát dòng tiền của các quỹ chuyên nghiệp vẫn là chiến lược phù hợp trong năm 2020. Từ danh sách các cổ phiếu theo dõi của mình, VDSC đưa ra các cổ phiếu vẫn còn tiềm năng tăng giá ở hiện tại bao gồm MWG, VRE, PNJ, KDH, HPG, REE, FPT, VPB và MBB.

Công ty chứng khoán này cũng lưu ý rằng triển vọng của cổ phiếu được đưa ra dựa trên việc xem xét triển vọng kinh doanh và yếu tố cơ bản của các Công ty. Nhu cầu cao từ các nhà đầu tư có thể đẩy giá cổ phiếu lên mức cao hơn so với giá trị nội tại của cổ phiếu.

Thận trọng trong quyết định giải ngân mới

Phiên giao dịch 9.9 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra trong tâm lý khá thận trọng của nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,82 điểm và chốt tại mức 889,32 điểm. Thanh khoản trên thị trường tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước với hơn 271,6 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương với giá trị khớp lệnh hơn 5.127 tỉ đồng.

Trong phiên giao dịch vừa qua, nhóm cổ phiếu VN30 có mức độ điều chỉnh sâu hơn thị trường chung khi nhóm này có tới 20 mã giảm giá và chỉ 8 mã tăng giá. Ngoài nhóm VN30, sắc xanh chiếm ưu thế ở các nhóm còn lại, cho thấy nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có phiên giao dịch sôi động. Nổi trội trong nhóm này là GIL (7%), MHC (7%), CSV (6,7%), BFC (6,3%), DGW (5,8%)...Ở nhóm giảm giá, các cổ phiếu có mức giảm giá lớn đa phần là các cổ phiếu có thanh khoản thấp, ngoại trừ VGC có mức giảm 5,9% và HAP giảm 5,5%.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE, với giá trị 169,2 tỉ đồng, trong đó họ tập trung vào các mã vốn hóa lớn như HPG, VNM và VHM. Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 là mã chứng khoán được khối này mua ròng nhiều nhất.

Theo đánh giá của VDSC, mặc dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sôi động nhưng nhìn chung VN-Index vẫn đang thận trọng trước tín hiệu suy yếu từ vùng 906 điểm gần đây. Thị trường đang dao động trong biên độ hẹp, khó xác định động thái tiếp theo nhưng rủi ro phân phối vẫn đang hiện hữu. Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng trong quyết định giải ngân mới và có thể xem xét hạ dần tỉ trọng cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro của danh mục.

Song Luân

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/chien-luoc-dau-tu-theo-dau-dong-tien-3337000/