Chiến lược của ông Trump ở Châu Âu: Chia để trị?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cấp phó của ông Mike Pence dự định đến Châu Âu trong tuần này trong một chuyến công du hiếm hoi của cả hai nhà lãnh đạo nước Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh rằng trong khi chính quyền Mỹ hoài nghi sâu sắc về liên minh siêu quốc gia EU, họ nhận ra lợi ích của lục địa này, ở cả hai phía đông và phía tây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cấp phó của ông Mike Pence dự định đến Châu Âu trong tuần này trong một chuyến công du hiếm hoi của cả hai nhà lãnh đạo nước Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh rằng trong khi chính quyền Mỹ hoài nghi sâu sắc về liên minh siêu quốc gia EU, họ nhận ra lợi ích của lục địa này, ở cả hai phía đông và phía tây.

Tổng thống Trump thân thiết với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị G7 vừa qua. Ảnh: AFP

Tổng thống Trump thân thiết với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị G7 vừa qua. Ảnh: AFP

Trong khi ông Trump và ông Pence đều coi trọng mối quan hệ của Mỹ với hầu hết các nước Châu Âu, Tổng thống Mỹ nói riêng vẫn rất hoài nghi EU. Trong khi ông lo ngại về mức chi tiêu quốc phòng tương đối thấp của lục địa này so với Washington, kinh tế là lĩnh vực gây thất vọng sâu sắc nhất đối với ông chủ Nhà Trắng khi mức thặng dư hàng hóa của Châu Âu so với Mỹ là rất lớn. Và cuối năm nay, Washington có thể sẽ áp mức thuế mới nhằm vào xe hơi đối với lục địa này.

Động thái tiềm năng này diễn ra trong bối cảnh ông Trump và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker vào mùa hè năm ngoái đã nhất trí về một "thỏa thuận thương mại" tại Nhà Trắng. Theo thỏa thuận này, Washington và EU đưa ra cam kết "cùng nhau hướng tới thuế quan bằng 0, hàng rào phi thuế quan và không trợ cấp" đối với hàng hóa phi xe hơi. Dù căng thẳng đã giảm xuống ngay lập tức sau đó, những dấu hỏi lớn vẫn xuất hiện về việc liệu những tham vọng này sẽ được thực hiện hay không. Một phần lý do khiến thỏa thuận có thể sụp đổ là bản chất “đồng bóng” của tổng thống Mỹ, người có thái độ ngoại giao không mấy thiện cảm đối với EU, vượt xa đáng kể so với bất kỳ người tiền nhiệm nào.

Năm ngoái, ông Trump đã gây chú ý bằng tuyên bố: “Tôi nghĩ EU là một kẻ thù, qua những gì họ làm với chúng tôi trong thương mại”. Trong khi một số người cho rằng, nhận xét này chỉ là sự “bùng nổ” nhất thời của tổng thống vào thời điểm đó, thì ông Anthony Gardner - cựu Đại sứ Mỹ tại EU dưới thời Tổng thống Barack Obama - đã cảnh báo rằng: "Châu Âu cần phải thức tỉnh: Mỹ muốn chia rẽ EU... Hãy nhớ phương châm “Đoàn kết tạo ra sức mạnh” của Bỉ".

Lo ngại hội nhập Châu Âu

Rõ ràng, sự tương phản giữa chiến lược của ông Trump, thể hiện bằng lời kêu gọi có thêm nhiều nước rời khỏi EU, với chính sách của Mỹ khi bắt đầu quá trình hội nhập Châu Âu ngày càng rõ nét.

Thể hiện trong bài phát biểu Đối tác Đại Tây Dương năm 1962 của cố Tổng thống John Kennedy, quan điểm cốt lõi của Mỹ khi đó là một Châu Âu thống nhất sẽ khiến các cuộc chiến trong tương lai ở lục địa này ít xảy ra hơn; tạo ra một đối tác mạnh mẽ hơn cho Mỹ; và cung cấp một thị trường sôi động hơn để xây dựng sự thịnh vượng xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, thái độ của Mỹ dần trở nên mơ hồ hơn khi hội nhập Châu Âu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là trong các chính quyền do đảng Cộng hòa lãnh đạo gần đây.

Trước ông Trump, chính quyền của Tổng thống George W Bush đã tiến gần nhất đến việc đặt ra câu hỏi về giá trị của hội nhập Châu Âu. Chẳng hạn, cuộc tranh cãi về xung đột ở Iraq đã chứng kiến Washington truy vấn lợi ích của sự hợp tác với EU trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Trước thềm cuộc rà soát quốc phòng của NATO năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Donald Rumsfeld thậm chí đã phân biệt giữa "Châu Âu cũ" và "Châu Âu mới" với những gì được coi là có lợi hơn cho lợi ích của Mỹ.

Đây cũng là chủ đề trở nên nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump khi ông chủ Nhà Trắng quan tâm đến Đông Âu hơn so với các quốc gia Tây Âu. Tuy nhiên, trong ông Bush cuối cùng đã nhận ra sự cần thiết phải rút lại cách tiếp cận này, có vẻ như ông Trump không sẵn sàng làm điều tương tự. Bằng cách đó, một trong những đặc điểm của cách tiếp cận của tổng thống Trump là nỗ lực chia rẽ Đức và Pháp, hai “động cơ” truyền thống của hội nhập EU.

Chia rẽ Đức và Pháp

Mối quan hệ của ông Trump với Thủ tướng Đức Angela Merkel đặc biệt xuống dốc và quan hệ Mỹ-Đức là một trong những mối quan hệ đã bị đóng băng ở Châu Âu từ năm 2017. Ông Trump mô tả mối quan hệ với Đức là "rất tệ" vì thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ, và chi tiêu quốc phòng tương đối thấp.

Ngược lại, ông Trump có mối quan hệ nồng ấm hơn với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, như đã thể hiện tại Hội nghị G7 vào tháng trước. Trong bối cảnh này, có thông tin cho rằng hồi năm ngoái ông Trump đã khuyên ông Macron rằng Pháp tốt hơn nên rời khỏi EU để có được thỏa thuận thương mại tốt hơn với Washington. Gợi ý đáng chú ý này không có cơ hội thành công và cho thấy khả năng hiểu biết về tình hình chính trị châu Âu rất kém của ông Trump.

Mặc dù những cố gắng của Nhà Trắng trong việc chia rẽ Đức và Pháp sẽ không thành công, nhưng điều đó nhấn mạnh đến quan điểm của Mỹ đối với vấn đề hội nhập châu Âu dưới thời ông Trump. Giới quan sát cho rằng, trong khi rõ ràng ông Trump rất coi trọng mối quan hệ với một số quốc gia Châu Âu, ông là tổng thống Mỹ đầu tiên dường như muốn EU không chỉ suy yếu mà còn chia rẽ.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_212127_chien-luoc-cua-ong-trump-o-chau-au-chia-de-tri-.aspx