Chiến lược biên cương của Lê Thái Tổ

Thư tịch cổ chữ Hán nước ta xưa nói nhiều đến câu thơ nổi tiếng về chiến lược biên cương của vua Lê Thái Tổ 'Biên phòng hảo vị trù phương lược/Xã tắc ưng tu kế cửu an' được khắc trên vách đá trong cuộc chinh man Tây Bắc năm 1432. Bài viết này xin khái quát hoàn cảnh ra đời, nội dung bài thơ và tư tưởng chiến lược biên cương của vua Lê Thái Tổ nửa đầu thế kỷ XV với bạn đọc.

Bài thơ trên vách đá của Lê Thái Tổ trưng bày trong khu đền thờ Lê Lợi, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu. Ảnh: Thụy Văn

Sau khi quét sạch quân xâm lược Minh ra khỏi bờ cõi, vào nửa đầu thế kỉ XV, vùng đất ở Đông Bắc nước ta tương đối ổn định, nhưng vẫn còn một dải lãnh thổ rộng lớn phía Tây Bắc (từ tỉnh Nghệ An đến Lai Châu ngày nay) Nhà nước chưa quản lý được. Vì vậy, bên cạnh việc bắt tay xây dựng lại đất nước hoang tàn sau nhiều năm chiến tranh, vị vua sáng nghiệp triều Lê là Lê Thái Tổ rất quan tâm đến việc bảo vệ nền độc lập dân tộc và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Mặc dù vào thế kỉ XV, nhà Lê đã thi hành nhiều chính sách vỗ về thổ tù nơi biên giới để cho họ tự cai quản lấy vùng đất của mình. Tuy nhiên, một số người được chọn trông nom các phủ, châu nơi đây thường dựa vào rừng núi hiểm trở, xa xôi, ngầm nuôi ý phản loạn, cát cứ như thổ tù Mỗi Châu (sau là Lai Châu) là Đạo Quỵ; tù trưởng Bồn Man (châu Quỳ Hợp) là Cầm Lư; thổ tù Mường Lễ là Đèo Cát Hãn (sau là Lai Châu)... Vua Lê cho rằng, đằng sau các cuộc nổi loạn đó, rõ ràng có bàn tay của ngoại bang. Vì vậy, vua Lê đã nhiều lần đích thân cầm quân chinh phạt hoặc cử tướng đi đánh dẹp các thế lực cát cứ ở các miền đất này.

Đối với trường hợp Đèo (Điêu) Cát Hãn - là tù trưởng Mường Lễ, tức châu Ninh Viễn, sau đổi ra châu Phục Lễ (sau này thuộc tỉnh Lai Châu), sau khi nhà Trần mất, năm 1404, viên thổ tù châu Ninh Viễn này đã cấu kết với bọn quan lại phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam kiện lên vua Minh rằng vùng đất Lai Châu giáp biên giới vốn là đất của tổ tiên hắn sau bị nước Nam đánh cướp và nhờ nhà Minh can thiệp. Khi quân Minh kéo sang xâm lược nước ta, Cát Hãn đầu hàng nhà Minh, được giữ chức Tri châu châu Ninh Viễn.

Cát Hãn đã giúp quân Minh đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống Minh của các dân tộc thiểu số vùng Thao, Đà, trong đó, cuộc đàn áp đẫm máu đáng chú ý nhất là trấn áp nghĩa quân “áo đỏ”. “Áo đỏ” là khởi nghĩa của các dân tộc thiểu số, hoạt động rất mạnh ở khắp vùng rừng núi từ Tuyên Quang đến Gia Hưng. Nhà Minh rất lo lắng, vì hoạt động của nghĩa quân không phải chỉ đóng khung trong phạm vi nước Đại Việt, mà còn lan rộng sang cả Vân Nam - Trung Quốc.

Đèo Cát Hãn đã cùng tướng nhà Minh là Trần Trí nhiều lần đem quân đàn áp nhưng không dập tắt được. Tháng 4 năm 1426, nhà Minh phái Mộc Thạnh một “lão tướng xâm lược” điều ngót 2 vạn quân cùng Trần Trí mở một cuộc trấn áp lớn sang Đại Việt. Đèo Cát Hãn đã đem quân của mình cùng Mộc Thạnh và Trần Trí đi đàn áp nghĩa quân và đã “lập được chiến công”.

Mãi đến tháng 10 năm 1427, sau những chiến thắng lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn như Tốt Động, Chúc Động, trước thất bại không thể nào cứu vãn nổi của quân Minh; trước chính sách thu phục và khoan hồng của Lê Lợi để tập trung khối đại đoàn kết dân tộc đánh thắng kẻ thù chung của đất nước, Đèo Cát Hãn mới chịu ra hàng Lê Lợi.

Năm 1427, mặc dù Cát Hãn đã đem quân đến xin quy phục, Lê Lợi cho cai quản mọi việc trong châu như cũ và vỗ về, “ưu thưởng cho tước phong đẹp đẽ, ban cho ơn dày không tiếc”. Nhưng chưa được bao lâu, năm 1431, Cát Hãn lại nhờn theo thói cũ, không chịu vào chầu, hắn với Phạm Văn Xảo hợp mưu làm phản, lại liên kết với phản thần Ai Lao là Kha Lại, cho người sang cầu cứu nhà Minh để chống nhà Lê, xâm phạm châu Mường Mỗi, nổi lên chiếm giữ vùng biên giới và đánh chiếm cả đất Ai Lao.

Đứng trước tình hình toàn vẹn lãnh thổ, biên giới Tây Bắc bị đe dọa; để khẳng định chủ quyền quốc gia Đại Việt thống nhất, Lê Thái Tổ phải dấy quân tiễu trừ Đèo Cát Hãn. Cuộc Tây chinh này hết sức quan trọng, vừa nhằm quét sạch những tay sai của quân xâm lược Minh trước đây khi xâm lược nước ta, vừa triệt tiêu những âm mưu cầu cứu ngoại bang “rước voi giày mả tổ” của Cát Hãn, để quân Minh không có cơ hội quay lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Mặt khác, do Cát Hãn lại cát cứ trên vùng đất giáp ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, vì vậy, nếu một ngày hắn còn tồn tại sẽ là nguy cơ khôn lường cho toàn vẹn lãnh thổ của cõi bờ Tây Bắc đất nước, nên âm mưu phản loạn này phải được dập tắt ngay từ trong trứng nước.

Mặc dù sức khỏe của vua không được tốt, cần tránh xông pha nơi lam chướng nghìn trùng; mặc dù trước đó đã sai thân vương Tư Tề, Tư đồ Lê Sát đem quân thảo phạt Đèo Cát Hãn, nhưng sau đó vua phải hạ chiếu đích thân mang quân từ trấn Gia Hưng chia hai đường thủy bộ tiến thẳng vào sào huyệt của Cát Hãn. Đồ đảng của Cát Hãn là Kha Lại cũng bị người Mường Lư giết chết.

Cát Hãn trốn thoát. Nhà vua sai Lê Sát tiến quân vào Mường Địch, Tư Tề đem quân đóng ở Mường Tô, rồi các tướng tiến vào núi rừng hiểm trở bắt được vợ con Cát Hãn, hơn 3 vạn người trong bộ lạc... Nhà vua cho xếp đặt châu huyện, sát nhập vào vùng đất này vào bản đồ, rồi đem quân về.

Để ghi nhớ cuộc Tây chinh này, Lê Thái Tổ làm một bài thơ ngũ ngôn và cho khắc vào vách đá, sau gọi là Hoài Lai cổ bi để làm răn các thế lực phản loạn. Bài thơ được cán bộ bảo tồn, bảo tàng của khu Tây Bắc tìm thấy năm 1967 trên núi Pú Huổi Chỏ ở tả ngạn sông Đà, thuộc bản Trang, xã Lay Tơ, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu. Toàn văn bài bia chữ Hán có một lời tựa và một bài thơ luật thất ngôn, kể cả hai dòng lạc khoản, tất cả gồm 132 chữ.

Tạm dịch là: Lời tựa bài thơ nói: Di địch quấy rối ở ngoài biên từ xưa đã có như Hung nô đời Hán, Đột quyết đời Đường và các man Mường Lễ nước Việt ta, đấy là chứng cớ. Trước đây, nhà Trần, nhà Hồ chính lệnh suy đồi, quan lại biên giới lăng loàn, Đèo Cát Hãn quen theo thói cũ, dựa nơi hiểm trở nảy lòng gian ác không chừa. Nay ta đem quân đi đánh, đường thủy đường bộ song song tiến lên, đánh một trận liền bình định được.

Sau khi đánh thắng Đèo Cát Hãn trở về, đến Chợ Bờ - Hòa Bình, tháng 3 năm Nhâm Tý (1432), Lê Thái Tổ lại làm một bài thơ thất ngôn bát cú và cho khắc vào vách đá để ghi nhớ lại chiến công trên. Tấm bia này do Ty Văn hóa tỉnh Hòa Bình và Vụ Bảo tồn bảo tàng - Bộ Văn hóa phát hiện được tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình năm 1965. Văn bia này gồm 135 chữ Hán.

Tạm dịch như sau: Ta đi đánh Đèo Cát Hãn về qua đây, làm thơ một bài, để báo cho đời sau biết: Trên đường đi đánh dẹp rợ nhung địch, các người man ở Mường Lễ, mặt người dạ thú, như có ý chống lại giáo hóa của ta, thì lập tức tiêu diệt ngay, đừng sợ vì lam chướng hiểm trở, phải nên nghĩ đến những sinh linh trong thiên hạ làm trọng, thì cái kế lược đi đánh dẹp ở hai trấn Thao, Đà này, nên tiến quân đường thủy là hơn vậy. Hiện nay, Bảo tàng Biên phòng đã phục chế như nguyên bản, trưng bày tại Bảo tàng Biên phòng, số 2 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Gập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan,

Già vẫn nguyên còn sắt đá gan,

Hào khí nghìn mù đều sạch quét,

Tráng tâm muôn núi cũng bằng san,

Biên phòng tất khéo mưu phương lược,

Xã tắc nên trù kế cửu an.

Ghềnh thác ba trăm đừng nói nữa,

Như nay dòng thuận chỉ xuôi nhàn.

Ngày trong sáng về thượng tuần tháng 3,

Năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432).

Bài thơ khắc trên vách đá của Lê Thái Tổ không chỉ để làm răn cho những âm mưu cát cứ, mà còn khẳng định chủ quyền lãnh thổ nước ta ở Tây Bắc thế kỷ XV. Bài thơ đã truyền lại cho muôn đời sau tầm nhìn chiến lược biên cương cũng như “kế cửu an” cho xã tắc của vua Lê Thái Tổ.

PGS.TS. Cao Thanh Tân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chien-luoc-bien-cuong-cua-le-thai-to/