Chiến lược bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới của Trung Quốc

Trung Quốc biết rằng nếu nước này thất bại trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo có thể sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Trang mạng eastasiaforum.org mới đây đăng bài viết của học giả Gordon C K Cheung, thuộc trường Đại học Durham, Vương quốc Anh.

Một thập kỷ trước đây, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR) là một chủ đề bị ngăn cấm tại Trung Quốc. Nạn làm giả và sao chép cực kỳ phát triển - một thực tế phiền toái cho quảng đại quần chúng và khiến chính quyền từ trung ương đến địa phương lúng túng. Mặc dù tại thời điểm hiện tại, sự vi phạm IPR vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, song những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bắt đầu nhận ra việc bảo vệ IPR như chiếc chìa khóa thành công cho các mục tiêu kinh tế lớn hơn của nước này.

Chính phủ Trung Quốc đã công bố Dự thảo Chiến lược quyền sở hữu trí tuệ quốc gia 2018 khi Thế vận hội Olympic diễn ra tại Bắc Kinh. Bản dự thảo kế hoạch chỉ ra rằng IPR đã trở thành một “chiến lược quốc gia." Những kẻ làm giả mạo và sao chép sản phẩm phải đối mặt với các biện pháp bảo vệ IPR mới của chính phủ. Những biện pháp này nhằm bảo vệ những lợi ích kinh tế của Trung Quốc bởi sự đổi mới và sáng tạo được ấn định như những nhân tố đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai.

Có 3 lý do lý giải thích tại sao Trung Quốc phải chú trọng đến IPR. Thứ nhất, Trung Quốc cần sử dụng IPR để thúc đẩy sự chuyển đổi từ một “công xưởng của thế giới” thành một “công xưởng của kiến thức và ý tưởng."

Thứ hai, với nhiều hệ thống IPR mạnh mẽ hơn Trung Quốc có thể duy trì nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào nước này.

Thứ ba, việc bảo vệ IPR mạnh mẽ hơn có thể khôi phục lòng tin của các đối tác thương mại của Trung Quốc.

Theo Báo cáo công nghiệp sở hữu trí tuệ 2016 do trường Đại học Tsinghua công bố, 61 trong 100 sản phẩm truyền thông sở hữu trí tuệ thành công nhất tại Trung Quốc trong năm 2016 là những cuốn tiểu thuyết phát hành trên mạng Internet. Một dòng sản phẩm IPR mới đã phát triển, cho phép tác giả của những cuốn tiểu thuyết phát hành trên mạng Internet và website chia sẻ hình ảnh thu lợi khá nhiều từ sự phát triển mới trong không gian IPR.

Ví dụ, cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng trên mạng Internet “Journey of Flower” (tạm dịch “Hành trình của bông hoa”) do truyền thông Ci Wen Trung Quốc mua bản quyền. Lợi nhuận từ việc bán quyền phát sóng cho Kênh truyền hình Wunan và quyền phát hành cho iQiyi là khoảng 24,5 triệu đô la Thu nhập phát sinh từ trò chơi điện tử ước tính lên đến 43,8 triệu đô la.

Do tốc độ tăng trưởng chậm của Trung Quốc, người dân nước này đang ngày càng dựa nhiều hơn vào những sản phẩm xa xỉ như phim truyện, phim truyền hình và trò chơi trên Internet. Duy trì khả năng mua bản quyền của các bộ phim “bom tấn” và chương trình truyền hình là một trong những cách dễ dàng nhất để đáp ứng việc bảo vệ IPR.

Bước tiếp theo là sản xuất và phát triển các chương trình truyền hình và phim truyện với công nghệ và tài năng của Trung Quốc. Dường như Trung Quốc đang đi theo chiều hướng đó - Trường quay Hengdian World đã sẵn sàng tạo ra những bộ phim bom tấn và Trường quay Wando đang muốn trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất phim.

Trong thập kỷ trước, Trung Quốc đã đối mặt với ngày càng nhiều vụ kiện về vi phạm bản quyền. Trong 10 năm tính tới năm 2016, gần 87.000 vụ kiện liên quan đến vi phạm bản quyền đã được thụ lý. Để bảo vệ IPR, 3.908 trang web đã bị đóng cửa để chống lai việc sao chép trong 5 năm qua.

Trung Quốc đã xác định sẽ tạo nên những thương hiệu toàn cầu của riêng mình, vì vậy bảo vệ IPR đã trở nên cấp thiết. Do Trung Quốc đẩy mạnh việc bảo vệ IPR, các công ty nước ngoài phải hành động kịp thời để theo kịp tiến trình mới này.

Hơn thế nữa, việc bảo vệ IPR đã được đưa vào chiến lược cải cách kinh tế dài hạn của Trung Quốc. 40 năm tăng trưởng “nóng” vừa qua đã mở đường cho sự "bình thường mới" đòi hỏi phải có chính sách nhạy bén công nghệ và chất lượng hơn.

Ưu tiên đổi mới công nghệ quốc gia trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 chú trọng ý nghĩa của việc phát triển công nghệ cao như một mục tiêu chính của Trung Quốc. Bên cạnh đó, kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) - đã được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố tháng 5/2015 - là một kế hoạch công nghệ được thiết kế để chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đang ngày càng giảm sự phụ thuộc vào sản xuất. Thay vào đó, sự đổi mới và công nghệ sẽ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nước này trong 10 năm tới.

Một trong những thông điệp quan trọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là vấn đề vi phạm IPR. Trung Quốc hiện vẫn nằm trong Danh sách theo dõi ưu tiên của Báo cáo đặc biệt 301 năm 2018. Mỹ là một trong những nước lớn tiếng nhất về vấn đề này, có lẽ vì nước này vẫn là nước sáng tạo nhất thế giới và do đó có quyền lợi lớn nhất trong vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, Mỹ cần hiểu rằng Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi quan điểm. Bắc Kinh đang nghiêm túc trong việc bảo vệ IPR. Trung Quốc biết rằng nếu nước này thất bại trong việc bảo vệ IPR, giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo có thể sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.

Theo Vietnamplus

TH

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280267/chien-luoc-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-moi-cua-trung-quoc-.html