Chiến lược an ninh mới của Trump: Thúc đẩy hòa bình bằng sức mạnh

Chiến lược an ninh mới của Trump nhấn mạnh rằng cạnh tranh toàn cầu không có lợi nhiều cho quốc tế, trừ khi chính Mỹ trực tiếp hưởng lợi.

Học thuyết của Tổng thống Trump, dự kiến được đưa ra đầu tuần tới khi ông công bố chiến lược an ninh quốc gia, nhấn mạnh rằng cạnh tranh giữa các quốc gia là vĩnh viễn và Mỹ phải chiến đấu trên tất cả các mặt trận để bảo vệ chủ quyền của mình trước cả "bạn bè" lẫn "kẻ thù".

Trong khi chính quyền Trump thường nói rằng "Nước Mỹ trên hết" không có nghĩa là "nước Mỹ đơn độc", chiến lược an ninh được ông Trump trình bày vào thứ hai tới sẽ chỉ rõ rằng Mỹ sẽ đứng lên vì chính mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa hành động đơn phương hoặc xa lánh những bên khác trong các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu và nhập cư.

Tổng thống Donald Trump trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Capitol, ngày 20/1. Ảnh: Getty.

Tổng thống Donald Trump trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Capitol, ngày 20/1. Ảnh: Getty.

Cách tiếp cận khác

Nếu được thực hiện đầy đủ, chiến lược có thể là sự thay đổi sâu sắc từ cách tiếp cận truyền thống các vấn đề toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh mà chính quyền của cả hai đảng chính trị đã thực hiện trong ba thập kỷ qua. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, các chính quyền Mỹ trước đây đã chấp nhận hoặc cố gắng nắm bắt sự hợp tác và cam kết đa phương.

Bản dự thảo mà AP tiếp cận được cho thấy chiến lược này chủ yếu được rút ra từ các chủ đề mà Trump đã miêu tả trong các bài phát biểu và dựa trên bốn trụ cột: bảo vệ quê hương, kích thích sự thịnh vượng của Mỹ, thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường vai trò lãnh đạo của Washington.

Điều đó bắt nguồn từ niềm tin của Trump rằng cạnh tranh định hình môi trường toàn cầu hiện nay hơn là hợp tác, AP dẫn các nguồn tin cho biết. Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster vạch ra bốn trụ cột của chiến lược trong một bài phát biểu hồi đầu tuần, trong đó ông tuyên bố rằng "địa chính trị đã trở lại và trở lại cùng sự trả thù".

Theo McMaster, chiến lược an ninh đầu tiên của chính quyền Trump sẽ xem xét các mối đe dọa và lợi ích cho nước Mỹ từ Nga, Trung Quốc, Iran hay Triều Tiên, cũng như từ các nhóm khủng bố và doanh nghiệp hình sự.

Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên nhấn mạnh rằng an ninh quốc gia Mỹ chính là an ninh kinh tế và an ninh kinh tế phải được đảm bảo bằng sức mạnh quân sự. Họ cũng cho hay chiến lược sẽ nhấn mạnh Mỹ chỉ quan tâm đến mối quan hệ với các nước khác và các liên minh như NATO nếu như quan hệ đó công bằng và có qua có lại.

Chi tiêu quốc phòng của Mỹ ở mức vượt trội. Nguồn: Peter Peterson Foundation.

Hành động vì nước Mỹ

"Tăng cường kiểm soát biên giới và hệ thống nhập cư là trọng tâm của an ninh quốc gia, sự thịnh vượng kinh tế, và pháp quyền", bản dự thảo viết. "Những kẻ khủng bố, buôn bán ma túy và các nhóm tội phạm khai thác biên giới, đe dọa an ninh của Mỹ và an toàn công cộng. Những nhân tố này thích ứng nhanh chóng để vượt qua các biện pháp phòng thủ của chúng ta. Mỹ khẳng định quyền chủ quyền của mình bằng cách xác định ai nên vào đất nước của chúng ta và trong hoàn cảnh nào".

Bản dự thảo đầu tiên của chiến lược phàn nàn rằng Mỹ đã tự gây bất lợi bằng cách ký kết các thỏa thuận đa quốc gia, ví dụ như chống lại biến đổi khí hậu, và đưa ra các chính sách trong nước để thực hiện chúng. Bản dự thảo này đã làm giảm nguy cơ an ninh quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu và nhấn mạnh đến chi phí của kinh tế Mỹ cho lĩnh vực này.

Các nguồn tin cho biết tài liệu này sẽ xác định những "kẻ săn mồi" và cam kết rằng Mỹ sẽ đối xử với họ như vậy. Ví dụ, Trung Quốc sẽ bị buộc tội thao túng trật tự kinh tế quốc tế dựa trên các quy tắc vì lợi ích riêng của Bắc Kinh và Nga bị cáo buộc thực hiện các chiến dịch phá vỡ quá trình dân chủ ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Châu Âu và Mỹ.

Ngoài ra, chiến lược sẽ nói rằng giữ vững được chủ quyền và duy trì khả năng cạnh tranh, Mỹ phải bắt đầu bằng việc bảo vệ biên giới và kiểm soát những người có thể vượt qua.

Hashtag tuần qua: TT Trump đau đầu vì tên lửa Triều Tiên tái xuất Triều Tiên tuyên bố đạt được năng lực hạt nhân toàn diện trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đối diện với tình thế không có nhiều lựa chọn để ngăn chặn mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Hoa Hạ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chien-luoc-an-ninh-moi-cua-trump-thuc-day-hoa-binh-bang-suc-manh-post804174.html