Chiến khu Ngọc Trạo vang mãi lời thề hang Treo

Dưới cờ đỏ sao vàng, 21 chiến sỹ đội du kích chiến khu Ngọc Trạo hô vang lời thề: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lời thề hang Treo vẫn còn vang mãi.

Địa linh sinh anh kiệt

Về lịch sử chiến khu Ngọc Trạo, cụ Tôn Viết Năng, 74 tuổi hiện đang sinh sống tại làng Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) được ví như một kho tư liệu sống.

 Làng Ngọc Trạo, nơi đặt bia tưởng niệm các chiến sĩ chiến khu Ngọc Trạo. Ảnh: Võ Dũng.

Làng Ngọc Trạo, nơi đặt bia tưởng niệm các chiến sĩ chiến khu Ngọc Trạo. Ảnh: Võ Dũng.

Cụ Năng cho biết, cụ sinh ra khi chiến khu Ngọc Trạo đã được thành lập. Dù không phải chiến sĩ của đội du kích chiến khu Ngọc Trạo năm xưa nhưng cụ sống gần cụ Bùi Oanh, bí thư chi bộ Ngọc Trạo lúc bấy giờ nên thuộc lòng trang sử vẻ vang về vùng đất này.

Năm 1940, phong trào phản đế phát triển rộng khắp trong các huyện, thị tại Thanh Hóa, từ Hà Trung đến thị xã Thanh Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành...

Cuộc khởi nghĩa của các sỹ phu yêu nước đều thất bại do không tập trung được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, phòng trào đấu tranh của nhân dân huyện Thạch Thành vẫn không ngừng phát triển. Riêng tại làng Ngọc Trạo, phong trào đấu tranh cách mạng đã phát triển mạnh trong thời kỳ mặt trận dân chủ 1936-1939 với việc thành lập các hội đọc sách báo, học chữ Quốc ngữ, hội tương tế ái hữu...

Tháng 5/1940, huyện Thạch Thành thành lập huyện ủy phản đế do ông Nguyễn Trí Đạo, người ở xã Thành Hưng làm Bí thư. Đây cũng là lúc tinh thần giác ngộ cách mạng dâng cao; đội ngũ ngũ hương (lý trưởng, kỳ hào, hương kiểm, hương bạ, hương lâm) làng Ngọc Trạo và nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng.

Lý trưởng làng Ngọc Trạo bấy giờ là ông Bùi Oanh cùng các ông Tôn Viết Nhiệm, Tôn Viết Hồng trở thành ủy viên ban chấp hành huyện ủy phản đế huyện Thạch Thành.

Làng Ngọc Trạo thuộc tổng Trạc Nhật, huyện Thạch Thành là vùng đất bán sơn địa, sau lưng án ngự bởi cánh rừng già chạy dài từ đông bắc lên tây bắc tạo thành vòng cung rất thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển và bảo toàn lực lượng.

Có thể nói, Ngọc Trạo hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để thành lập chiến khu cách mạng.

Tháng 2/1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ tại làng Phong Cốc (nay thộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân). Hội nghị phân tích, đánh giá tình hình và quyết định dựa vào vùng núi để xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Vang mãi lời thề hang Treo

Tháng 7/1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập chiến khu Ngọc Trạo tại làng Ngọc Trạo.

Đêm 19/9/1941, dưới sự chỉ đạo của ông Đặng Châu Tuệ, đặc phái viên xứ ủy Bắc Kỳ về Thanh Hóa, 21 chiến sỹ yêu nước trong tỉnh đã về hang Treo tổ chức lễ thành lập đội du kích chiến khu Ngọc Trạo. Tại hang Treo, 21 chiến sỹ yêu nước hô vang lời thề: Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

Hang Treo (nay một phần thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hóa) nơi đội du kích chiến khu Ngọc Trạo hô vang lời thề: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ảnh: Võ Dũng.

Sau khi thành lập chiến khu Ngọc Trạo, toàn bộ lực lượng rút về đồi Ma Màu, cách làng Ngọc Trạo 1.500m để dựng lán trại, đào hầm hào, xây dựng căn cứ, lập bản doanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, đội du kích chiến khu Ngọc Trạo tăng lên 80 người từ khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình và phân thành các mảng hậu cần, võ thuật, công tác chính trị và trinh sát. Chiến khu Ngọc Trạo phát triển rộng khắp các vùng phụ cận. Riêng làng Ngọc Trạo đã thành lập 2 đội tự vệ nam, nữ.

Với âm mưu tiêu diệt đội du kích chiến khu Ngọc Trạo, thị uy lực lượng, đêm 18, rạng sáng 19/10/1941, đồn trưởng đồn Bỉm Sơn Đuy-mô-ra chỉ huy 500 lính khố xanh trang bị vũ khí tối tân, lợi dụng đêm tối, trời mưa tiến vào làng Ngọc Trạo.

Tuy nhiên, chúng vấp phải sự chống trả quyết liệt của tổ trinh sát do cụ Phạm Văn Hinh chỉ huy. Tên Ba cát đã bị chiến sỹ Cao Ngọc Oanh dùng mã tấu chém cụt cánh tay. Kẻ địch hốt hoảng không dám tiến sâu vào làng Ngọc Trạo mà chỉ nổ những phát súng vu vơ vào cánh rừng phía trước rồi rút quân.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức, 3 chiến sỹ gồm Phạm Văn Hinh, Đỗ Văn Tước, Hoàng Văn Môn đã hi sinh anh dũng.

Sau trận đánh này, chiến khu Ngọc Trạo chịu sự vây ráp của thực dân Pháp, trai làng Ngọc Trạo và những người liên quan lần lượt bị bắt giam tại nhà lao Thanh Hóa khiến phong trào lắng xuống một thời gian.

Đến năm 1943, ông Hoàng Tiến Trình, cán bộ tỉnh ủy Thanh Hóa được cử về trực tiếp gây dựng lại phong trào, huấn luyện dân quân tự vệ.

Ngày 12/8/1945, các chiến sỹ trong đội tự vệ làng Ngọc Trạo được chi viện cho đại đội chủ lực bảo vệ cuộc diễn thuyết của Tổng bộ Việt Minh tại chợ Kim Tân.

Cụ Tôn Viết Năng thắp hương tưởng nhớ 3 chiến sỹ đội du kích chiến khu Ngọc Trạo đã ngã xuống trong trận đánh chống lại thực dân Pháp rạng sáng 19/10/1941. Ảnh: Võ Dũng.

Đúng một tuần sau (19/8/1945), toàn huyện Thạch Thành đứng lên lật độ chế độ phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, chiến khu Ngọc Trạo trở thành an toàn khu, nơi tiếp nhận lực lượng công an các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội; thành ủy Hà Nội về sơ tán.

Nhận thấy vị trí quan trọng trong con đường vận nhu yếu phẩm ra chiến trường phía Bắc, đi qua huyện Thạch Thành, ngày 18/10/1953, thực dân Pháp đánh vào Thạch Thành. Tuy nhiên âm mưu của chúng đã bị quân dân Thạch Thành, Ngọc Trạo phối hợp với bộ đội chủ lực chặn đứng.

Trại Khậu - vùng đất còn nhiều gian khó

Sau ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi, khu di tích chiến khu Ngọc Trạo được xây dựng gần ngã tư làng Ngọc Trạo. Đây vừa là trung tâm của xã và cũng là nơi an nghỉ của 3 chiến sỹ đội du kích Ngọc Trạo đã ngã xuống năm xưa.

Với cụ Tôn Viết Năng, chiến tích ở chiến khu Ngọc Trạo là niềm kiêu hãnh, tự hào của các thế hệ con cháu nơi đây. Chúng ta ôn lại chuyện xưa cũng là để tự nhắc nhở mình sống sao xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước.

Sau đổi mới, bằng bàn tay cần cù, chịu khó, cuộc sống người dân Ngọc Trạo đã thay da đổi thịt. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, kinh tế người dân tại chiến khu Ngọc Trạo vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Theo cụ Năng, Ngọc Trạo (tiếng Mường là Ngọc Trào) trước đây còn có tên là Trại Khậu (làng trồng ngô). Dân số Ngọc Trạo có đến 65% là dân tộc Mường với các dòng họ nổi tiếng như Quách Công, Quách Văn, Tôn, Bùi.

Đây là vùng đất còn nhiều gian khó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp eo hẹp trong khi đất lâm nghiệp đa phần đồi dốc dựng đứng. Tìm ra cây con phù hợp để phát triển kinh tế vùng đất này là điều các thế hệ, các cấp chính quyền xưa nay còn nhiều trăn trở.

Sau đổi mới, nhiều hộ dân đã tự tìm con đường để phát triển kinh tế nhưng vùng đất nghèo tiềm năng nay chỉ độc mỗi cây ngô cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, cây ngô cũng dần thất thế, nhiều lao động rời làng đi làm công nhân cho các công ty, một số ở nhà làm ruộng, chăn nuôi phát triển kinh tế.

Nói về sự đổi thay của vùng đất này, cụ Tôn Viết Năng thẳng thắn: “So với mặt bằng chung trên toàn huyện thì Ngọc Trạo còn nghèo lắm. Nhưng nếu so với những năm trước đây, nhìn lại mới thấy Ngọc Trạo đã có những đổi thay rất lớn. Điều quan trọng là mỗi người dân Ngọc Trạo khi nhớ về lịch sử quê hương vẫn luôn tự hào và không ngừng phấn đấu để xứng đáng với bao thế hệ cha anh đi trước”.

Trăn trở của cụ Năng cũng chính là trăn trở của lãnh đạo xã Ngọc Trạo. Tính đến nay, Ngọc Trạo cũng mới chỉ hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới.

“Ngọc Trạo nằm ở vị trí, địa hình hiểm trở, thuận lợi cho xây dựng, bảo toàn lực lượng bao nhiêu thì nghèo tiềm năng phát triển kinh tế bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua, bằng bàn tay cần cù và khối óc luôn muốn thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người của người dân Ngọc Trạo đã đạt trên 40 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5%. Chúng tôi mong muốn nhận được các nguồn lực để xây dựng khu di tích chiến khu Ngọc Trạo và phát triển kinh tế xứng với tầm vóc cha ông năm xưa đã xây dựng” – ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo chia sẻ.

Năm 1963, UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng bia tưởng niệm chiến khu Ngọc Trạo; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Trạo được Chính phủ trao Kỷ niệm chương và Bằng có công với nước. Năm 1994, chiến khu Ngọc Trạo được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2000, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Trạo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nay khuôn viên khu di tích được mở rộng, khu tượng đài được nâng cấp, trang nghiêm, bề thế.

Võ Văn Dũng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chien-khu-ngoc-trao-vang-mai-loi-the-hang-treo-d289260.html