Chiến hạm thời Liên xô đủ sức đánh bại Zumwalt

Sau khi USS Michael Monsoor bất ngờ chết máy trong lần đầu thử nghiệm, siêu hạm này chỉ được xếp ngang hàng với tuần dương hạm thời Liên xô Kirov.

Theo USNI News, siêu hạm USS Michael Monsoor (DDG-1001) chiếc số 2 thuộc lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ đã bị buộc phải dừng toàn bộ các cuộc thử nghiệm và quay trở về nhà máy đóng tàu General Dynamics Bath Iron Works ở Maine để khắc phục sự cố mất điện trước đó khi lần đầu ra biển thử nghiệm.

Sự cố chiếc DDG-1001 gặp phải đã khiến chuyên gia quân sự Mỹ xếp con tàu này ngang hàng, thậm chí sẽ bại trận nếu đối đầu với tuần dương hạm Kirov do Liên xô phát triển. Nhận định này được Tạp chí The National Interest dẫn phân tích của chuyên gia quân sự cao cấp Kyle Mizokami cho biết.

Mỹ thử nghiệm siêu hạm Zumwalt.

Hiện nay, chiến hạm mặt nước thế hệ mơi nhất, hiện đại nhất của Hải quân Mỹ là siêu khu trục hạm tối tân được tung hô là số 1 thế giới, thuộc lớp Zumwalt, còn đại diện cho hạm đội hải quân hùng mạnh của Nga sẽ là tàu mặt nước lớn nhất thế giới thuộc lớp Kirov.

Siêu tuần dương hạm này được chế tạo trong khuôn khổ dự án 1144, có lượng giãn nước gần 30.000 tấn. Hiện chiếc tàu lớn nhất của Hải quân Nga thuộc lớp này là tuần dương hạm Peter Đại đế, mang số hiệu 099, được trang bị động cơ hạt nhân hạng nặng.

Trong khi đó, USS Michael Monsoor được thiết kế theo quan niệm rằng, tàu chiến cần tàng hình đối với radar nhờ vào hình dạng đặc biệt của nó nên hình dáng của con tàu giống dạng kim tự tháp cụt, thượng tầng trơn nhẵn, các hệ thống radar hoàn toàn đưa vào trong, làm giảm diện tích phản xạ hiệu dụng của radar đối phương.

Siêu hạm Zumwalt này còn được trang bị các công nghệ đem lại nhiều lợi thế, nổi bật nhất là Hệ thống máy tính tích hợp trên toàn bộ con tàu và một mạng lưới kiểm soát mọi hệ thống tác chiến từ radar đến vũ khí, cho phép hạm trưởng có thể kiểm soát mọi hệ thống từ bất kì nơi nào trên tàu.

Còn "Peter Đại đế" đã ra đời gần 30 năm, nên vẫn thiết kế theo kiểu cũ với cấu trúc thượng tần cao và rườm rà. Tuy nhiên, tác giả Kyle Mizokami cho rằng, trang bị vũ khí của nó vẫn rất hiệu quả, đặc biệt là 20 quả tên lửa chống hạm tầm xa và hệ thống phòng không tuyệt vời của tàu tuần dương này.

Các tàu lớp Kirov là chiến hạm vũ trang mạnh nhất thế giới hiện nay với dàn vũ khí đồ sộ gồm có: 20 tên lửa chống hạm P-700 Granit, 96 tên lửa tầm xa S-300F hoặc S-300FM, 128 tên lửa phòng không tầm thấp 9K95 Tor, 40 tên lửa phòng không Osa-MA.

Với sức mạnh vừa kể trên thì hiện nay chưa có chiến hạm nào vượt qua được Kirov về hỏa lực kể cả siêu khu trục hạm Zumwalt. Theo tác giả, trong trận hải chiến giả định Kirov được thiết kế để tập trung sức mạnh tấn công, hệ thống phòng không mạnh nhưng hệ thống chỉ huy, kiểm soát, điện tử, radar đã có tuổi đời 30 năm nên việc phát hiện và tìm kiếm mục tiêu không thể nào bằng radar trên Zumwalt.

Cho nên trong một trận đánh solo, siêu khu trục tối tân của Mỹ cũng như tàu tuần dương Nga xây dựng gần 30 năm trước đều không có lợi thế quyết định. Chiến hạm Kirov có thể phát hiện được Zumwalt, ngược lại, chiến hạm Mỹ sẽ khó tấn công được tàu Nga.

Giả sử rằng các tàu sẽ chiến đấu với nhau trong vùng biển rộng ở khoảng cách tối đa bằng vũ khí chống hạm, trong tình huống không xác định vị trí chính xác của đối phương, tàu Mỹ với ưu điểm tàng hình sẽ có lợi thế hơn đối thủ vũ trang xuất sắc của Nga.

Tuy nhiên, thiết kế dạng này lại có quá nhiều điểm yếu về hệ thống vũ khí, điều đó mang lại ít lợi thế cho tàu Mỹ, trong khi đo, tàu Nga có thể bổ khuyết điểm yếu về radar bằng các phương tiện trinh sát bổ trợ như máy bay trinh sát, vệ tinh… Với những phương tiện này, Zumwalt sẽ không thể tàng hình nổi.

USS Michael Monsoor không có hệ thống tên lửa chống hạm, vì nó được thiết kế để tàng hình, mà tên lửa Harpoon được phóng từ ống phóng nghiêng và thường nằm phía trước tàu, làm giảm mức độ tàng hình của tàu - điều mà các kĩ sư thiết kế tàu không muốn.

Vì vậy nhiệm vụ chống tàu phó thác cho 2 tháp pháo AGS 155mm (ở ngay trước tháp chỉ huy), bắn đạn có điều khiển tầm xa LRLAP (Long Range Land Attack Projectile), đạt tầm bắn tới 154km với cơ số đạn lên tới 750 viên; hoặc sẽ được giao cho các tàu khu trục Arleigh Buker, tàu tuần dương Ticonderoga hay tàu ngầm tấn công.

Nếu cần có các tàu yểm trợ thì tính năng tàng hình của Zumwalt sẽ hoàn toàn vứt đi, Mỹ chẳng cần lao tâm khổ tứ thiết kế Zumwalt để làm cảnh, mà chỉ cần nhiều khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga.

Còn nếu dựa vào tính năng tàng hình để tác chiến đơn độc thì siêu hạm Mỹ không thể làm gì nổi chiến hạm Nga, bởi khi đó Zumwalt sẽ phải tiến tới khoảng cách gần nhất là 130km để có thể sử dụng đạn pháo tầm xa LRLAP. Với khoảng cách như vậy, siêu khu trục hạm Mỹ gần như không thể bắn trúng tàu Nga bằng đạn pháo điều khiển siêu xa nhưng bay chậm.

Hơn nữa, nếu tiến tới khoảng cách này, dù có tàng hình đến mấy thì Zumwalt cũng sẽ cac phương tiện trinh sát khác của Nga hoặc bị chính radar cổ lỗ của lão tướng Kirov phát hiện ra và tiêu diệt, trước khi nó đạt tới khoảng cách hiệu dụng của đạn pháo.

Có chuyên gia đã nhận định rằng, điểm yếu về khả năng chống hạm đã khiến cho Zumwalt giống như một võ sĩ học hết võ của thiên hạ nhưng tiếc thay, anh ta lại bị liệt, còn lão tướng Kirov võ công chẳng quá siêu việt nhưng có cú đấm hủy diệt đối thủ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chien-ham-thoi-lien-xo-du-suc-danh-bai-zumwalt-3348901/