Chiến hạm Nhật - Ấn khai hỏa gần Eo biển Malacca

Để tăng cường khả năng phản ứng nhanh trên biển, Hải quân Nhật Bản và Ấn Độ vừa tiến hành cuộc diễn tập gần bắn đạn thật gần Eo biển Malacca.

Theo tờ Times of India, các tàu chiến của Ấn Độ và Nhật Bản cuối tuần qua đã tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật. Tham gia cuộc diễn tập phía Ấn Độ có các tàu lớp Rajput INS Rana và tàu hộ vệ tên lửa lớp Kora INS Kulish.

Trong khi đó, phía Nhật Bản có các tàu JS Shimayuki và JS Kashima thuộc hạm đội huấn luyện của Lực lượng phòng vệ trên biển.

Chiến hạm Ấn Độ.

Chiến hạm Ấn Độ.

Một cách ngẫu nhiên, ba tàu sân bay Mỹ là USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz hiện cũng được triển khai ở Thái Bình Dương lần đầu tiên trong những năm gần đây.

Kể từ năm 2015, Nhật Bản đã thường xuyên tham gia cuộc tập trận tác chiến hải quân Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ, trong bối cảnh 3 nước quan ngại về các hoạt động phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông.

Dù chỉ với quy mô nhỏ nhưng trong cuộc diễn tập, chiến hạm hai bên cũng đã có màn khai hỏa và diệt thành công mục tiêu trên biển.

Trong đó, tàu JS Shimayuki đã khai hỏa tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon - loại tên lửa có thể diệt mọi mục tiêu trên biển cách 130km.

Cùng với đó, bệ phóng rocket săn ngầm RUR-5 ARSOC có tầm bắn 19km (lắp ngư lôi hạng nhẹ Mark 46 hoặc đầu thuốc nổ mạnh) cũng đã diệt thành công mục tiêu giả định.

Được biết, Mk 46 là ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ giữ vai trò xương sống trong Hải quân Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh, có thể trang bị cho các loại tàu chiến mặt nước và máy bay tuần tra săn ngầm.

Trong khi đó, khu trục hạm INS Rana của Ấn Độ đã phối hợp với tàu Nhật Bản và phóng tên lửa AShM diệt mục tiêu trên biển.

"Cuộc diễn tập đã hoàn thành mục tiêu đề ra khi tất cả những mục tiêu giả định đều bị tiêu diệt. Đồng thời lực lượng 2 bên đã phối hợp tốt khi thực hiện nhiệm vụ", một vị đại diện của Hải quân Ấn Độ tuyên bố.

Theo giới chuyên gia, tiếp sau đụng độ biên giới, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đối đầu trên biển và đây chính là lý do khiến Hải quân Ấn Độ trrieern khai tàu chiến diễn tập với Nhật vào lúc này.

Theo tạp chí The Strategist, với đà leo thang, cuộc xung đột, hiện chỉ giới hạn ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể thúc đẩy các chiến trường khác, ví dụ như ở Ấn Độ Dương.

Không giống như trên biên giới đất liền, nơi Trung Quốc có lợi thế tương đối về địa hình, cơ sở hạ tầng quân sự và sức mạnh quân đội, Ấn Độ trên biển có tư thế tốt hơn.

Ở đông Ấn Độ Dương, nơi hầu hết các lô hàng năng lượng và hàng hóa của Trung Quốc đi qua, hải quân Ấn Độ là lực lượng thống trị.

Trong những năm gần đây, Hải quân Ấn Độ đã tìm cách củng cố sức mạnh ở các vùng biển gần nhà. Kể từ năm 2017, các tàu chiến Ấn Độ đã tuần tra các tuyến đường biển Ấn Độ Dương và các điểm nút cổ chai, tiếp cận eo biển Malacca.

Trong nỗ lực theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc ở đông Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ cũng đã triển khai máy bay tuần thám biển P-8I từ Quần đảo Andaman.

Một chuỗi các trạm radar dọc bờ biển Ấn Độ đã giúp cung cấp thông tin tốt hơn về các luân chuyển hàng hải, và một trung tâm hợp nhất ở Gurgaon gần New Delhi đang giúp quản lý thông tin chiến thuật ở vùng biển gần.

Trung Quốc cũng vậy, đã và đang thăm dò các vùng ven biển trong khu vực. Kể từ năm 2013, khi lần đầu tiên cử một chiếc tàu ngầm đến Sri Lanka, Hải quân Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã mở rộng đáng kể các hoạt động thăm dò quân sự và dân sự ở Nam Á.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã phái đi tàu tình báo và khảo sát, nghiên cứu tới biển Andaman, cố gắng theo dõi hoạt động của hải quân Ấn Độ trong khu vực.

Mặc dù cho đến nay vẫn chưa thách thức Hải quân Ấn Độ, nhưng mô hình triển khai của Trung Quốc cho thấy khát vọng hiện diện lâu dài ở khu vực có lợi ích chồng chéo với Ấn Độ và nguy cơ xảy ra đụng độ là hoàn toàn hiện hữu.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/chien-ham-nhat--an-khai-hoa-gan-eo-bien-malacca-3409709/