Chiến hạm Mỹ ở Biển Đông mang theo phi đội F-35B lớn chưa từng thấy

Tàu đổ bộ tấn công USS Wasp mang theo ít nhất 10 tiêm kích tàng hình F-35B đến Biển Đông để tập trận với Philippines, một động thái nhằm thể hiện sức mạnh với Trung Quốc.

Mỹ, Philippines và Australia đang tiến hành cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan 2019 ở thành phố Quezon, trên đảo Luzon, Philippines. Điểm nổi bật của cuộc tập trận năm nay là lần đầu tiên tàu đổ bộ tấn công USS Wasp (LHD-1) mang theo tiêm kích tàng hình F-35B đến Đông Nam Á để phối hợp tác chiến.

Mỹ, Philippines và Australia đang tiến hành cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan 2019 ở thành phố Quezon, trên đảo Luzon, Philippines. Điểm nổi bật của cuộc tập trận năm nay là lần đầu tiên tàu đổ bộ tấn công USS Wasp (LHD-1) mang theo tiêm kích tàng hình F-35B đến Đông Nam Á để phối hợp tác chiến.

Ngoài việc F-35B lần đầu tiên đến Đông Nam Á, vấn đề được các chuyên gia quân sự quan tâm là số lượng F-35B mà tàu đổ bộ tấn công USS Wasp mang theo. Các hình ảnh chụp tàu LHD-1 trong quá trình tiến vào Vịnh Subic, Philippines cho thấy ít nhất 10 tiêm kích tàng hình F-35B neo trên boong, 4 máy bay cất cánh thẳng đứng MV-22 và 2 trực thăng MH-60S Seahawk.

10 chiếc F-35B là số lượng lớn nhất mà tàu đổ bộ tấn công Wasp từng mang theo. Trong khi đó, cấu hình khoang hàng không tiêu chuẩn của tàu thường chỉ mang theo 6 chiếc F-35B. Tuy nhiên, đó không phải là cấu hình cứng nhắc mà có thể thay đổi tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.

10 chiếc F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ ở Philippines phản ánh sự phát triển của lực lượng hỗn hợp để đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau, từ xung đột lớn tiềm tàng đến thảm họa nhân đạo đã diễn ra từ năm 2012. Việc F-35B đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2015 chính là thành phần cốt lõi của khái niệm này.

Theo Thedrive, Thủy quân lục chiến Mỹ đã phác thảo 2 cấu hình cơ bản của Yếu tố chiến đấu hàng không (ACE) cho các đơn vị viễn chinh (MEU) triển khai hoạt động trên các tàu đổ bộ lớp Wasp. Cấu hình một gồm 6 tiêm kích F-35B, 12 MV-22 và 4 trực thăng hạng nặng CH-53.

Cấu hình hai gồm 8 tiêm kích F-35B, 6 MV-22 và 4 CH-53. Trong một bản cập nhật cấu hình ACE mới vào năm 2017, Thủy quân lục chiến Mỹ đưa ra thêm 3 tùy chọn thiết bị khác, trong đó tăng số lượng F-35B và MV-22 trên mỗi tàu đổ bộ tấn công.

Cấu hình mà Thủy quân lục chiến Mỹ đang hướng đến là 10 F-35B, 10 MV-22 và 5 trực thăng CH-53. Các chuyên gia quân sự cho rằng sự kết hợp giữa 10 F-35B, 4 MV-22 trên tàu đổ bộ USS Wasp hiện tại là bước đệm hướng tới khái niệm tàu sân bay hạng nhẹ.

Khả năng cao là Thủy quân lục chiến Mỹ đang hướng tới khái niệm tàu sân bay Lightning, một tham chiếu đến tên gọi Lightning II của F-35. Cấu hình này dựa trên kinh nghiệm trước đó với việc biến tàu đổ bộ lớp Wasp thành tàu sân bay Harrier với hàng chục máy bay chiến đấu AV-8B Harrier.

Khái niệm về tàu sân bay Lightning có thể được hoàn thiện trên tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6). Đối với cấu hình tàu sân bay Lightning có thể mang theo từ 16-20 tiêm kích F-35B, cùng 4 MV-22.

Khi đó, 4 chiếc MV-22 sẽ hoạt động với vai trò tiếp nhiên liệu trên không, cho phép mở rộng phạm vi chiến đấu của F-35B so với tàu mẹ. Với số lượng 16-20 chiếc F-35B đem lại sức mạnh chiến đấu tương đương với một tàu sân bay hạng trung, thậm chí, nó còn nắm lợi thế hơn nhờ khả năng tàng hình và công nghệ tiên tiến của F-35.

Tuy nhiên, tàu đổ bộ USS Wasp không thể cấu hình thành tàu sân bay Lightning vì không gian vật lý và hệ thống bảo trì trên tàu không đủ khả năng đáp ứng cho 16-20 chiếc F-35B. Nhưng ngay cả chỉ với 10 chiếc F-35B, con tàu có thể cung cấp khả năng tấn công mạnh mẽ.

Giới phân tích quân sự cho rằng không phải ngẫu nhiên mà USS Wasp đến Philippines với cấu hình mạnh nhất. Wasp và F-35 đại diện cho sự gia tăng năng lực quân sự cũng như cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong thông báo về hoạt động của tàu USS Wasp, Hải quân Mỹ nói rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực "tự do và mở". Tuyên bố này dường như đặc biệt nhằm vào Trung Quốc, đất nước ngày càng trở nên quyết đoán trong các yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chien-ham-my-o-bien-dong-mang-theo-phi-doi-f-35b-lon-chua-tung-thay-post931887.html