Chiến hạm 40 tuổi Pytlivy đủ sức diệt mọi tàu ngầm Mỹ

Dù đã hoạt động gần 40 năm nhưng chiến hạm săn ngầm Pytlivy 868 vừa được Nga điều đến Syria vẫn đủ sức diệt mọi tàu ngầm thế hệ mới hiện nay.

Ngày 15/3 trang Al-Masdar News đã đăng tải thông tin và hình ảnh về việc chiến hạm săn ngầm Nga mang tên Pytlivy 868 lớp Krivak II đang âm thầm vượt qua Eo biển Bosphorus để thẳng tiến đến Syria.

Việc triển khai tàu Pytlivy 868 tới Syria diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang tăng cao liên quan đến những vấn đề còn bất đồng sâu sắc giữa hai cường quốc trong xử lý cuộc khủng hoảng tại Syria. Đặc biệt là có thông tin Mỹ điều tàu ngầm đang bí mật tuần tra ngoài khơi Syria.

Trước những diễn biến mới tại Syria, tờ Al-Masdar News nhận định rằng, việc Nga tăng cường chiến hạm Pytlivy 868 đến Syria là biện pháp rất cần thiết để tăng sức mạnh chống ngầm sau khi Moscow đã triển khai thêm hệ thống S-400 và nhiều loại vũ khí bí mật khác hồi cuối năm 2017.

Theo nguồn tin này, dù đã có thời gian hoạt động gần 40 năm nhưng Pytlivy 868 vẫn đủ sức tung ra những cú đòn diệt mọi tàu ngầm tối tân nhất của Mỹ. Để hoàn thành được nhiệm vụ của mình, tàu Nga được trang bị hệ thống RBU-6000.

Hệ thống được kết cấu với giàn phóng với ống cỡ 213mm bắn các quả bom chống tàu ngầm (gắn động cơ đẩy) RGB-60 nặng 110kg, lắp đầu nổ nặng 25kg đạt tầm bắn 350m tới 5,8km, chống mục tiêu ở độ sâu 10m tới 500m.

Tuy nhiên đây chưa phải là vũ khí đáng sợ nhất trên chiến hạm Nga điều đến Syria. Vũ khí chính của tàu Pytlivy 868 là tổ hợp tên lửa RPK-3 Metel. Đạn tên lửa được bố trí trong 4 ống phóng phía trước mũi tàu.

Đạn tên lửa RPK-3 có trọng lượng phóng 3,93 tấn, trang bị động cơ rocket nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn tối đa 50km, tốc độ bay cận âm. Riêng về đầu đạn, RPK-3 có thể mang ngư lôi chống tàu ngầm AT-1, đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thuốc nổ thường nặng 185kg (dùng để chống tàu mặt nước).

Trong tác chiến chống tàu ngầm, hệ thống định vị thủy âm khi phát hiện tàu ngầm thì tàu sẽ phóng tên lửa RPK-3 về phía vị trí mục tiêu. Khi tới mục tiêu, ngư lôi sẽ tách khỏi tên lửa và lao xuống mặt nước. Quả ngư lôi kích hoạt tự tìm kiếm và tấn công tàu ngầm ở độ sâu tối đa tới 500m.

Lợi thế của tên lửa chống ngầm là tốc độ cao, quả ngư lôi sẽ nhanh chóng đến vị trí mục tiêu. Điều đó làm kẻ địch bị bất ngờ và không có nhiều thời gian để đối phó. Đặc biệt với độ sâu diệt mục tiêu đạt được của cả RBU-6000 và RPK-3 Metel (500m) thì không một chiếc tàu ngầm nào của Mỹ có thể trốn thoát (độ sâu lớn nhất tàu ngầm Mỹ có thể lặn không quá 450m). Đan Nguyên.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/chien-ham-40-tuoi-pytlivy-du-suc-diet-moi-tau-ngam-my-3354560/