Chiến dịch truyền thông 'Mẹ ơi! Đừng giết con' gây tranh cãi trên cộng đồng mạng

Nhóm truyền thông nhận định đây là một thảm họa nhân đạo, là tội ác đi ngược với tinh thần nhân ái, đạo đức của dân tộc.

Những ngày qua, đoạn video về một chiến dịch mang tên "Mẹ ơi! Đừng giết con" đang được chia sẻ trên mạng xã hội cùng những ý kiến, quan điểm trái chiều. Video đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người sử dụng mạng xã hội với hơn 400.000 lượt xem và gần 3.000 lượt chia sẻ.

"Mẹ ơi! Đừng giết con" chiến dịch phát đi lời kêu gọi mọi người cùng nhau ký 100.000 chữ ký kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng và ban hành "Luật cấm nạo phá thai" tại Việt Nam nhằm cứu lấy 300.000 thai nhi vô tội mỗi năm.

Tính đến thời điểm này, chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con” thu được hơn 23.000 chữ ký sau 10 ngày phát động chiến dịch. Để tham gia ủng hộ chiến dịch, người dùng vào trang web để lại tên, email cá nhân là đã đóng góp một chữ ký.

“Bạn có biết thảm họa nhân đạo nào đang giết chết 300.000 sinh mạng mỗi năm tại Việt Nam?” là một trong những thông tin đầu tiên hai nhà sáng lập muốn gửi tới cộng đồng.

Bên cạnh đó, hai nhà sáng lập còn cho biết thêm: "Nếu luật Cấm nạo phá thai được ban hành, nó sẽ giải quyết triệt để vấn đề nạo phá thai, vì nó sẽ giúp mọi người làm đúng ngay từ đầu. Đó là hạn chế tối đa thai ngoài ý muốn, không có thai ngoài ý muốn, sẽ không có phá thai".

Sau khi video của chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con” được lan đi, cộng đồng mạng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

Bên cạnh những người ủng hộ chiến dịch, không ít người đưa ra quan điểm, nếu luật phòng chống nạo phá thai được ban hành, các cơ sở làm dịch vụ phá thai sẽ bùng nổ.

Thạch chia sẻ: "Khi dự luật được chính thức thành luật, nó sẽ có một lộ trình thực hiện, trong lộ trình thực hiện sẽ có việc đánh giá, xét lại các tiêu chuẩn của các phòng khám để cấp phép lại một số ít nơi được phép phá thai trong các trường hợp loại trừ. Còn lại, tất cả các nơi sẽ không được phép phá thai, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm với pháp luật".

Nhóm thực hiện chiến dịch

Ngoài ra, không ít ngời còn cho rằng hai nhà sáng lập chưa tính tới những trường hợp như phụ nữ bị hiếp dâm, những trường hợp bất khả kháng.

Nhà sáng lập khẳng định: “Luật cũng sẽ quy định rất rõ các trường hợp ngoại lệ mà bà mẹ được quyền phá thai mà không phải chịu trách nhiệm”.

Chia sẻ về chiến dịch này, Lê Hoàng Thạch cho biết, anh đã từng suýt chút nữa đã không thể ra đời.

“Tôi cảm thấy mình may mắn nên nghĩ bản thân mình phải làm gì đó để giúp các bào thai vô tội có cơ hội ra đời, không bị giết hại thế này. Còn Hà thì chứng kiến nhiều cảnh phá thai, phụ nữ phải đau khổ suốt đời nên bạn ấy cũng rất đồng cảm, kiên quyết thực hiện chiến dịch này”, Thạch thổ lộ.

Thạch cũng thẳng thắn bày tỏ: "Chiến dịch chỉ kết thúc khi Dự luật được trình lên Quốc Hội và được ban hành, còn không thì chiến dịch sẽ vẫn tiếp tục".

Lê Hoàng Thạch (sinh năm 1988, TP.HCM) và Lê Huỳnh Hà (sinh năm 1990, Phú Yên) là 2 người sáng lập chiến dịch.

Lê Hoàng Thạch là Chủ tịch Quỹ từ thiện HTBC Foundation

Lê Huỳnh Hà là người điều hành Quỹ từ thiện HTBC Foundation

HTBC Foundation được Hội Chữ thập đỏ TP. HCM bảo trợ, thành lập năm 2015 với tiêu chí giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống người nghèo, giáo dục và bảo vệ môi trường trên cả nước.

Sau 3 năm hoạt động, quỹ đã tặng 4 căn nhà tình thương ở Cần Giờ (TP. HCM), một chiếc cầu giao thông nông thôn ở Tiền Giang. Khi trường Tiểu học Bú Tiến (Điện Biên) thiếu kinh phí xây dựng, quỹ cũng đóng góp một phần để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giúp học sinh vùng cao có nơi học tập.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/chien-dich-truyen-thong-me-oi-dung-giet-con-gay-tranh-cai-tren-cong-dong-mang-d17198.html