Chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất trong lịch sử sẽ chấm dứt đại dịch

Các loại vaccine phòng COVID-19 nói chung không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải.

Công tác tiêm phòng COVID-19 đợt 2 tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Công tác tiêm phòng COVID-19 đợt 2 tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 15/6, cả nước ghi nhận 402 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 398 ca được ghi nhận trong nước.

Bắc Giang tiếp tục có số ca mắc cao nhất với 235 trường hợp; tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh với 90 ca; Bắc Ninh với 55 ca... Trong số này có 204 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa,

Như vậy, tính đến tối 15/6, Việt Nam đã ghi nhận 11.212 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 4.543 ca bệnh đã được điều trị khỏi; 61 ca tử vong có liên quan đến COVID-19.

Tính đến 16 giờ ngày 14/6, đã có hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đợt 1, 2 và 3 được thực hiện tại các tỉnh, thành phố. Trong đó, 59.608 người đã được tiêm đủ 2 mũi vacinne phòng COVID-19.

Triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Chiều 15/6, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, đã chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.

“Thời gian qua, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vaccine từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vaccine như Nghị quyết 21 của Chính phủ,” Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo Bộ trưởng, tất cả các điểm tiêm chủng lần này tạo thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng.

Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện nay các đơn vị trực thuộc bộ cùng các doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng.

“Sau khi có bản kế hoạch chi tiết, 3 ngày sau sẽ có bản chạy thử, sau đó Bộ Y tế góp ý và sau 3 ngày nữa sẽ hoàn thiện bản cuối để có thể hoạt động. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế và các bộ, ngành trong chiến dịch tiêm chủng lần này.”

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc tổ chức tiêm chủng sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý. Toàn bộ quy trình tiêm đã được rà soát lại để dù được cắt ngắn nhưng vẫn đảm bảo an toàn với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó.”

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tăng cường tập huấn nhiều lần cho toàn hệ thống y tế, kể cả công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở. Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng Quốc gia làm việc trực tuyến suốt ngày đêm trong tuần để có thể chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn.

Thực hiện Thông điệp 5K+vaccine

Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ngày 15/6 cho biết số vaccine phòng COVID-19 nhận được từ COVAX đã được phân bổ đến 63 tỉnh, thành phố và một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Hiện nay các địa phương đã và đang tích cực đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Khu vực lấy mẫu xét nghiệm cho tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt 3 vaccine Nano Covax phòng COVID-19 tại Học viện Quân y. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX. Toàn bộ số vaccine này sẽ được phân bổ cho đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và các địa phương có khu công nghiệp.

Thêm vào đó, từ nay đến hết quý 3, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vaccine AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua Công ty VNVC.

Theo thông báo của hãng Pfizer, trong quý 3 năm nay, hãng này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, số còn lại sẽ tập trung trong quý 4.

Hiện nay, không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%, đồng nghĩa với việc sau khi tiêm vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định những người đã được tiêm vẫn có thể mắc bệnh.

Có thể khẳng định rằng các loại vaccine phòng COVID-19 nói chung không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.

Các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60 đến 95%. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo để đảm bảo hiệu quả tối đa của vaccine phòng COVID-19, mỗi người dân cần được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt từ 70-85% để có miễn dịch cộng đồng, phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi tiêm vaccine mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (Thông điệp 5K) để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19...

Tầm soát diện rộng để chấm dứt chuỗi lây nhiễm

Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ổ dịch không rõ nguồn lây trong cộng đồng và từ đó lây lan cho nhiều người, do đó cần phải đẩy nhanh công tác tầm soát, diện rộng để chấm dứt các chuỗi lây nhiễm.

Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tại Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố vào chiều 15/6.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, trước mắt, ngành y tế phải tầm soát kỹ các nhóm nguy cơ trong bệnh viện; triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất từ nay đến ngày 25/6; đồng thời giám sát những nơi có nguy cơ cao gồm các chuyến bay quốc nội, quốc tế, chuyến tàu lửa, tàu hàng hải nhập cảnh vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đây là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị phải cố gắng, dốc toàn lực cho mục tiêu phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân.

Có như vậy mới đẩy nhanh, rút ngắn thời gian giãn cách xã hội, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chien-dich-tiem-chung-quy-mo-nhat-trong-lich-su-se-cham-dut-dai-dich/720255.vnp