Chiến dịch phân phối vắc-xin Covid-19 thần tốc của Mỹ

Chiến dịch Warp Speed (Thần tốc) là sáng kiến của Chính phủ Mỹ nhằm sản xuất và phân phối nhanh nhất vắc-xin Covid-19 cho toàn bộ người dân nước này.

Hai loại vắc-xin Covid-19 của Pfizer và Moderna nhiều khả năng sẽ được ưu tiên phân phối trong Warp Speed, do chúng đều đã vượt qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và đang chờ được cấp phép khẩn cấp từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Thời gian dự kiến để 2 loại vắc-xin này được cấp phép sẽ là vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới.

Paul Ostrowski, người trực tiếp chỉ đạo việc cung cấp, sản xuất và phân phối vắc-xin Covid-19 cho chiến dịch, đã có những chia sẻ với USA Today về những công đoạn trong chiến dịch này.

Cách thức vận chuyển

Mỗi loại vắc-xin đều được để trong lọ thủy tinh, song cách thức bảo quản của chúng rất khác nhau. Vắc-xin của Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ từ -70 độ C trở xuống, trong khi của Moderna chỉ rơi vào khoảng -20 độ C.

Do yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh, vắc-xin của Pfizer chỉ có thể được lưu trữ tại các kho chứa riêng của hãng, được biết đến với tên gọi "trang trại đông lạnh". Theo Ostrowski, các “trang trại” này chứa tầng tầng lớp lớp các khay đông lạnh.

Pfizer lựa chọn hãng vận chuyển UPS và FedEx làm nhà phân phối chính, trong khi Moderna nhờ McKesson, nhà phân phối và cung cấp thiết bị y tế lớn nhất Mỹ. 24 giờ sau khi được FDA cấp phép, lô vắc-xin đầu tiên sẽ được chuyển đến 50 bang và các vùng lãnh thổ của Mỹ.

Số lượng vắc-xin

Theo Đại tướng Gustave Perna, đồng lãnh đạo bộ phận hậu cần của Warp Speed, tính đến tuần trước, 6,4 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer đã sẵn sàng xuất xưởng,

Bác sĩ Moncef Siaoui, đồng sáng lập chiến dịch Warp Speed, và Đại tướng Gustave Perna thanh tra một kho chứa vắc-xin Covid-19 của UPS . Ảnh UPS

Bác sĩ Moncef Siaoui, đồng sáng lập chiến dịch Warp Speed, và Đại tướng Gustave Perna thanh tra một kho chứa vắc-xin Covid-19 của UPS . Ảnh UPS

Ostrowski cho biết, số lượng vắc-xin này sẽ được chia đôi, một nửa để xuất xưởng và một nửa để lưu trữ. 5% vắc-xin lưu trữ sẽ được dùng cho trường hợp khẩn cấp, như hỏng hóc phương tiện vận chuyển, lô hàng bị thất lạc, hay các trường hợp mất điện hoặc thiên tai trên diện rộng.

Người được tiêm vắc-xin của Pfizer hoặc Moderna đều được yêu cầu tiêm hai liều, với thời gian cách nhau khoảng 21 ngày (đối với Pfizer) và 28 ngày (đối với Moderna). Warp Speed đảm bảo có đủ liều thứ 2, khi thời gian chờ bước sang ngày thứ 18 hoặc 19.

Điều này đồng nghĩa với việc trong đợt đầu, 3,04 triệu liều vắc-xin Covid-19 sẽ được phân phối.

Lịch trình vận chuyển

Sau những liều lượng đầu tiên, quá trình phân phối vắc-xin sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Thứ 5 hàng tuần, ban điều hành chiến dịch sẽ liên hệ với nhà sản xuất để hỏi số lượng đã sản xuất trong tuần. Hôm sau, ban điều hành sẽ họp thêm lần nữa và quyết định số lượng phân bổ.

Paul Ostrowski cho biết, các lô vắc-xin sẽ được giám sát về nhiệt độ và gắn thiết bị theo dõi để người vận chuyển biết rõ chúng đang ở đâu. Riêng các lô hàng của Pfizer còn được gắn thiết bị kiểm tra nhiệt độ, để đảm bảo chúng luôn được giữ ở nhiệt độ chính xác khi vận chuyển.

Các hãng vận chuyển UPS, FedEx và McKesson đều có các trang web và đường dây nóng để liên lạc nếu có vấn đề phát sinh. Ngoài ra, Warp Speed có nhân viên túc trực đường dây nóng. "Chúng tôi có 2 trung tâm điều hành, một ở Washington và một ở Atlanta, cả hai đều có đường dây nóng 24 giờ", Ostrowski cho biết.

Theo dõi liều lượng vắc-xin

Chiến dịch Warp Speed đã xây dựng phần mềm Tiberius, cho phép các địa phương đặt mua và theo dõi liệu trình tiêm chủng của người dân.

Theo Đại tá Deacon Maddox, Trưởng bộ phận kế hoạch, hoạt động và phân tích của chiến dịch, phần mềm này ghi nhận lại toàn bộ quá trình phân bổ vắc-xin cho từng nơi. Nó còn hoạt động kết hợp với hệ thống theo dõi vắc-xin của CDC để hỗ trợ phân phối cho trẻ em.

Hệ thống này cũng cho phép người dùng được biết họ được tiêm vắc-xin lần đầu khi nào, của hãng gì và khi nào họ nên được tiêm liều thứ hai. Dù vậy, nó sẽ đảm bảo lưu trữ càng ít thông tin cá nhân càng tốt để đảm bảo tính riêng tư.

Đại tá Maddox cho biết, hệ thống sẽ không lưu trữ các số liệu liên quan đến hồ sơ an sinh xã hội hoặc giấy phép lái xe. “Con số duy nhất nó yêu cầu chỉ là ngày tháng năm sinh”, ông Maddox khẳng định.

Các hệ thống công nghệ cấp thấp hơn cũng sẽ được áp dụng. Mỗi người sẽ được phát thẻ cho biết đã tiêm vắc-xin nào và thời gian tiêm liều hai. Người dùng thẻ còn được khuyến khích chụp lại chúng bằng điện thoại, phòng trường hợp bị thất lạc.

Trao đổi vắc-xin giữa các tiểu bang

Đại tá Maddox cho biết, Tiberius còn tạo ra một hệ thống giao dịch, nơi các tiểu bang tại Mỹ có thể mua bán, trao đổi vắc-xin Covid-19 với nhau. Điều này rất quan trọng vì việc phân phối vắc-xin ban đầu chỉ dựa trên số lượng sẵn có và số dân của một tiểu bang.

Ví dụ, bang Idaho có số lượng kho lưu trữ siêu lạnh rất hạn chế, nên chỉ có thể thích hợp phân phối vắc-xin của Moderna. Trong khi bang Massachusetts, với hàng chục bệnh viện lớn nhỏ, có thể không gặp vấn đề gì với số lượng vắc-xin Pfizer lớn hơn.

Theo Đại tá Maddox, các sàn giao dịch này "giúp các khu vực pháp lý khác nhau thương lượng và vận chuyển vắc-xin dễ dàng hơn”. Sự linh hoạt như vậy cũng giúp ích cho những nơi như thủ đô Washington, D.C. có nhiều người làm việc sinh sống ở các bang xung quanh.

“Có những trường hợp các khu vực pháp lý cần phải trao đổi với nhau, vì dân số ban ngày và ban đêm chênh lệch rất lớn. Trong khi đó, chính phủ liên bang không thể tham gia vào các giao dịch này, vì chúng chỉ thuộc thẩm quyền của các khu vực trên”, ông Maddox cho biết.

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/chien-dich-phan-phoi-vac-xin-covid-19-than-toc-cua-my-696231.html